Bác sĩ Tô Thùy Nhi thăm khám bệnh nhi N.H.T.N. (ngụ Đồng Nai) mắc u á c bu ồng trứ ng, xâm lấn vùng chậu giai đoạn cuối - Ảnh: XUÂN MAI
Với N.H.T.N. (6 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), khoa ung bướu huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) là "nhà" của mình gần 8 tháng qua - kể từ khi bác sĩ kết luận xâm lấn vùng chậu của bé.
N. đã trải qua 2 lần phẫu thuật và 4 đợt hóa trị nhưng vẫn không bóc tách được khối u này.
Nghi rối loạn tiêu hóa, hóa ra u ác buồng trứng
Ngồi cạnh con, đôi mắt đỏ hoe ngấn lệ, chị Đ.P.D. (47 tuổi) - mẹ bé N. - kể lại: "Khoảng cuối tháng 6-2018, sau khi đi học về, bé N. nói đau râm ran bụng dưới. Thấy vậy, tôi lấy dầu gió xoa bụng cho con.
Sau đó bé N. vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, đến khuya cùng ngày, bé N. lại nói đau bụng nhiều, cho con đi bệnh viện".
Lo lắng, gia đình chị D. đưa bé N. đến bệnh viện địa phương và được bác sĩ chẩn đoán đau bụng do khó đi cầu, nghi rối loạn tiêu hóa.
Khoảng một tháng sau, gia đình thấy vùng bụng dưới bé N. to lên, sờ vào rất cứng nên đến Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám.
Nhận thấy đây là trường hợp phức tạp, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành chụp CTScan bụng có cản quang, sinh thiết khối u. Sau khi có kết quả giải phẫu bệnh lý là buồng trứng giai đoạn cuối, hiện bệnh nhi đang điều trị theo phác đồ cho đến nay.
Hỏi về nguyên nhân bé N. mắc bệnh, chị D. nghi ngờ và chia sẻ: "Năm tôi 27 tuổi, đứa con trai đầu lòng được 3 tuổi thì tôi phát hiện mình mắc khối u và phẫu thuật cắt bỏ một bên buồng trứng thành công tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, tôi sinh thêm hai đứa, trong đó bé N. là con út".
May mắn hơn, bệnh nhi T.N.T.T. (12 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cũng có biểu hiện đau bụng và bụng phình to bất thường. T. được mẹ đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2 thăm khám, tại đây bác sĩ kết luận bệnh nhi T. cũng bị u ác buồng trứng giai đoạn đầu.
Bà bé T. cho biết hiện bé T. đã cắt buồng trứng bên trái chứa khối u, bảo tồn buồng trứng bên phải và không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.
"Khi nghe bác sĩ thông báo cháu bị u ác buồng trứng, gia đình tôi hết sức kinh ngạc. Tôi thường nghĩ đây là căn bệnh của phụ nữ đã trưởng thành, không ngờ cháu mình còn nhỏ đã mắc bệnh" - bà bé T. nói.
Tỉ lệ điều trị thành công còn thấp
Tỉ lệ trẻ mắc u ác buồng trứng trong cộng đồng chiếm rất ít nhưng do phát hiện muộn nên tỉ lệ điều trị thành công còn thấp.
Tại khoa ung bướu huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2, mỗi năm tiếp nhận và điều trị khoảng 7 bệnh nhi mắc u ác buồng trứng. Trong đó, tất cả các trường hợp phải cắt bỏ một bên buồng trứng và tai vòi buồng trứng, thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong cao khi khối u xâm lấn các cơ quan khác.
Bác sĩ CKII Tô Thùy Nhi (khoa ung bướu huyết học Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết u ác buồng trứng thường gặp ở hai đỉnh tuổi: 0 đến 4 tuổi và tuổi vị thành niên. Đây là dạng ung thư tế bào mầm, vì thế chúng không có các dấu hiệu đặc trưng biểu hiện ra bên ngoài.
"Thông thường bệnh nhi được phụ huynh đưa đến khám với một khối u vùng hạ vị, không đau. Hiếm hơn, có bệnh nhi biểu hiện thêm đau bụng hoặc buồn nôn" - bác sĩ Nhi nói.
Lý giải nguyên nhân trẻ nhỏ bị u ác buồng trứng, bác sĩ Nhi cho hay nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do yếu tố di truyền, cụ thể là do sự lặp đoạn hoặc mất đoạn của các nhiễm sắc thể.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều người cho rằng các yếu tố như thực phẩm, lối sống, môi trường cũng là nguyên nhân gây bệnh phụ khoa hiểm nghèo ở trẻ nhỏ.
Tiếp nhận thông tin này, một bác sĩ sản khoa cho hay hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh các yếu tố nêu trên không phải nguyên nhân gây bệnh u ác buồng trứng trẻ nhỏ.
Bác sĩ Nhi cho biết mỗi người phụ nữ có hai buồng trứng. Hầu hết u ác buồng trứng thường biểu hiện một bên và buồng trứng chứa u phải cắt bỏ triệt để. Việc bảo tồn chức năng sinh sản là giữ lại buồng trứng không bệnh.
Cần đưa bé đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường
Theo các bác sĩ, việc phát hiện bệnh giai đoạn sớm ở trẻ em rất khó khăn bởi vì những triệu chứng bệnh không rõ ràng. Vì vậy, khi có những thay đổi bất thường nào ở trẻ, đặc biệt là vùng bụng, phụ huynh cần đưa con em mình đến các các cơ sở y tế khám ngay.
Khi trẻ đang trong giai đoạn chữa bệnh, cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị và tái khám đúng hẹn, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về tự điều trị.
Để chẩn đoán bệnh ban đầu, các bác sĩ tiến hành siêu âm bụng, chụp CTScan bụng có cản quang, chỉ số AFP và Beta HCG tăng cao trong máu, kết quả giải phẫu bệnh lý. Còn phương pháp điều trị hiện nay chủ yếu là phẫu thuật và hóa trị.
"Việc chỉ định hóa trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, thông thường khi trẻ được xếp giai đoạn 2, 3, 4. Hóa trị thường từ 4-6 đợt, mỗi đợt cách nhau khoảng 3 tuần" - bác sĩ CKII Tô Thùy Nhi cho biết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận