Anh Tý dành cả tuần liền ra chợ nói chuyện với từng người mua và người bán, hướng dẫn họ bỏ rác đúng chỗ - Ảnh: QUỐC NAM
Thậm chí ngay cả khu chợ Nhân Trạch - nơi vốn tích tụ một lượng rác khổng lồ từ hàng chục năm qua - cũng được Tý dọn sạch.
Nhưng điều Tý tâm đắc nhất không phải ở hàng chục xe rác được chở ra khỏi làng, mà chính là ý thức của người dân.
Chưa phải là tất cả nhưng thấy Tý cả tháng trời bỏ cả việc nhà nai lưng ra dọn rác ở khắp các ngõ ngách trong làng, dường như dân vùng biển này đã nhận ra nhiều điều. Tý càng có thêm động lực để tiếp tục khi nhận thấy "rác" ở trong ý thức người làng cũng đã được dọn sạch.
Tui học được cách bảo vệ môi trường, từ đó tui muốn người dân quê mình cũng học theo nếp sống văn minh này. Một ngày, một tháng chưa thay đổi được thì sẽ là một năm.
Anh ĐINH TÝ
Nếu không dọn, rác phủ kín biển, sông
Tý vừa trở về sau 10 năm đi xuất khẩu lao động ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Đức, Hàn Quốc... Tháng 6 vừa qua, Tý về quê và chợt giật mình khi đi một vòng quanh vùng biển Nhân Trạch.
"Một vùng biển đẹp thế này mà nhìn chỗ mô cũng thấy toàn rác. Rác la liệt dọc bãi biển. Rác nổi lềnh bềnh trên con sông Dinh chảy qua xã. Rác vứt bừa bãi trên các con ngõ ngang dọc. Và không thể tìm thấy thùng rác" - Tý kể.
Là thanh niên lớn lên ở vùng quê biển này, Tý hiểu rõ ngọn nguồn của câu chuyện mang tên rác. Dân toàn xã hầu hết đều làm nghề đánh bắt trên biển. Người xa bờ, kẻ gần bờ. Nhưng cuộc sống vẫn nặng tính bản năng.
Rác thải sinh hoạt bạ đâu vứt đó. Con hói (nhánh sông nhỏ) tên Rào Con chảy qua chợ Nhân Trạch trở thành bãi rác bất đắc dĩ. Dân biển vứt rác xuống hói trở thành thói quen, nhất là khi đi chợ.
Nước đẩy một số rác ở hói này ra sông Dinh, làm sông Dinh cũng ngập rác. Mưa lũ về đẩy rác ở sông Dinh ra biển, rồi sau đó sóng biển lại tấp ngược rác trở vào bãi cát chạy dọc bờ biển Nhân Trạch. Dân biển tập luôn thói quen sống chung với rác.
Nhưng Tý không chấp nhận điều đó. Tý quyết định đi nhặt rác. Một mình Tý đi nhặt rác cho tất cả các thôn trong xã Nhân Trạch. Tý bắt đầu công việc "điên rồ" này vào giữa tháng 6. Nơi Tý chọn bắt đầu là bãi biển Nhân Trạch. Suốt một tuần, từ 7h sáng mỗi ngày, dân làng thấy Tý mang theo chiếc cào sắt đi ra bãi biển đến trưa.
Đầu giờ chiều Tý lại tiếp tục đến tối. Rác được Tý cào gọn thành từng đống lớn, rồi Tý bỏ tiền thuê xe đến chở đi đổ ở bãi rác của huyện. Dọn xong rác ở bãi biển, Tý mượn chiếc thuyền nhỏ của ngư dân, chèo ngược theo sông Dinh.
Hành trang của Tý là chiếc vợt có lưới ở trước và cán tre dài. Tý chèo thuyền dọc con sông này mỗi ngày vớt sạch rác trên sông. Dành thời gian cho rác, nghĩa là Tý phải "hi sinh" thời gian cho gia đình.
Nhưng Tý chưa dừng lại. Tý chèo chiếc thuyền nhỏ cắt sông Dinh rẽ vào nhánh Rào Con, nơi có chợ Nhân Trạch.
"Rác ở Rào Con nhiều đến mức dòng nước như bị nghẽn lại. Ngày xưa, khi tui chưa đi nước ngoài nước còn sâu gần hai mét, nhưng nay chỉ còn chưa đến một mét vì rác. Nhưng không dọn được ở đây thì rác sẽ lại trôi ra phủ kín bãi biển và sông Dinh" - Tý nói.
Anh Tý dọn rác trên sông Dinh - Ảnh: QUỐC NAM
Tin và ủng hộ
Dành thêm một vài ngày nghiên cứu thực địa, Tý nhận ra đoạn sông nhiều rác nhất dài khoảng nửa cây số, bắt đầu từ khu chợ trở ra đoạn cắt sông Dinh. Việc Tý làm trước tiên là ngăn rác từ gốc. Tý trao đổi và được chính quyền địa phương đồng ý.
Tý cho in hàng chục tấm biển với nội dung: "Xin ông bà, cô bác, chú dì, anh chị... hãy bỏ rác vào thùng vì Nhân Trạch xanh - sạch - đẹp. Xin cảm ơn!". Tý cùng một số cán bộ đoàn thể xã đến ngay tại chợ cắm những tấm biển này từ dọc bờ sông trở vào trung tâm chợ.
Tý đứng... "canh" hàng giờ chỗ người dân hay xả rác để nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi xuống sông.
Lượng rác dưới sông quá lớn với sức mình, Tý nghĩ ra cách chụp ảnh, quay phim cảnh rác ngập ngụa ô nhiễm dưới sông đưa lên trang cá nhân và kênh YouTube của riêng mình.
Tý kêu gọi những người con của vùng biển Nhân Trạch đang làm việc ở khắp nơi trong và ngoài nước đóng góp kinh phí để thuê máy về dọn rác, trả lại màu xanh cho con sông này. Trước đó không tin có thể dọn sạch rác ở Rào Con nhưng thấy Tý nói có lý, nhiều người cùng góp tiền gửi về.
Và Tý bắt tay vào làm thật. Tý thuê một chiếc máy múc có thể lội nước và mấy chiếc xe thùng để chở rác đi đổ ở bãi rác. Tý mua thêm hơn trăm chiếc thùng rác công cộng đặt khắp các con ngõ qua các thôn trong xã để tập cho người dân thói quen bỏ rác đúng chỗ.
Chi phí cho những việc này lên đến cả trăm triệu đồng. Tý bỏ tiền túi ra góp gần phân nửa trong số đó.
Giữa tháng 8, khi chúng tôi về Nhân Trạch, Tý vẫn miệt mài bên chiếc máy múc hoàn thành những khâu cuối cùng của việc nạo vét. Màu đen ngòm của sông Rào Con hàng chục năm qua đã biến mất. Nhìn từ trên bờ xuống đáy đã thấy cá bơi lội. Tính ra đến hiện tại. Tý đã bỏ hai tháng trời liên tục cho việc dọn rác ở vùng biển này.
Nhưng Tý không coi đó là phí công, mà thấy lòng vui hẳn. Tý dẫn chúng tôi vào chợ Nhân Trạch. Gần như toàn bộ cả người bán và người mua ở khu chợ này đều nở nụ cười tươi dành cho người đàn ông này.
Nhiều người đi qua còn ngoái lại nói: "Chợ sạch như ri là nhờ chú Tý đó". Nhiều người chỉ kịp đưa ngón tay về phía Tý biểu thị dấu "like".
Có người thấy Tý còn chạy ra dúi vào tay Tý một vài trăm ngàn nói góp ủng hộ Tý dọn sạch rác cho quê hương. Những lúc đó, Tý thấy công sức mình bỏ ra suốt hai tháng qua thật ý nghĩa.
Chị Dương Thị Quý, thôn Nhân Tiến, nói: "Từ khi anh Tý về và bắt tay dọn rác, dân vùng biển này đã biết bỏ rác vào thùng chứ không vứt lung tung xuống sông nữa. Tý không những nói mà còn làm thật nên dân tin và ủng hộ".
Tý cũng hiểu để thay đổi được thói quen vứt rác của người dân vùng biển không thể là chuyện một sớm một chiều, nhưng cũng không phải là chuyện không thể.
"Ở những nước tui từng làm việc, người ta phân loại rác ngay từ trong bữa ăn. Cụ già ra đường thấy tàn thuốc cũng cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác. Tui học được cách bảo vệ môi trường từ đó. Và tui muốn người dân quê mình cũng học theo nếp sống văn minh này. Một ngày, một tháng chưa thay đổi được thì sẽ là một năm" - Tý chia sẻ.
"Tý Bảnh"
“Tý Bảnh” viết khẩu hiệu: "Vì Nhân Trạch xanh - sạch - đẹp" - Ảnh: Q.NAM
Tý không khó chịu với cái tên này, ngược lại còn rất thích. Nhất là giai đoạn Tý bỏ công kêu gọi người dân trong vùng có ý thức giữ vệ sinh môi trường và không vứt rác bừa bãi.
Tý nói để người dân đủ mọi tầng lớp thay đổi được ý thức thì tối thiểu họ phải nghe mình nói và thấy mình làm. Biệt danh "Tý Bảnh" này có giá trị riêng. Nhất là để "hút" sự chú ý của nhiều người vào việc mình làm.
"Biệt danh này trước đây phổ biến trên mạng nhưng gây ảnh hưởng theo hướng xấu cho giới trẻ. Nhưng tui muốn biến nó thành một định hướng có ảnh hưởng tốt, nhất là về ý thức bảo vệ môi trường" - Tý giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận