Trọng tài sử dụng VAR tại World Cup 2018 - Ảnh: AS
Theo quy định của FIFA, có 4 loại tình huống xảy ra trên sân VAR (công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video) có thể can thiệp: 1. Những tình huống liên quan, dẫn đến bàn thắng gồm cả việt vị. 2. Những tình huống tranh cãi về việc có phạt đền hay không. 3. Những tình huống phạt thẻ đỏ trực tiếp. 4. Những nhầm lẫn khi phạt thẻ.
Do các cầu thủ không dễ dàng thích ứng với công nghệ VAR nên LĐBĐ Anh, Tây Ban Nha... đã phải tổ chức những buổi tập huấn về VAR cho cầu thủ trước thềm World Cup 2018. Nội dung chủ yếu của những buổi tập huấn này là giúp cầu thủ tránh gặp bất lợi khi bị VAR "soi". Theo nhận định của các chuyên gia bóng đá thế giới, việc áp dụng VAR sẽ làm thay đổi cách chơi của các cầu thủ.
Cụ thể, các cầu thủ cần phải hết sức bình tĩnh trước sự khiêu khích của đối thủ, vì những pha đánh nguội hay trả đũa sẽ dễ dàng bị VAR ghi được. Cụ thể, nếu trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 sử dụng VAR, trung vệ Duy Mạnh có thể đã nhận án phạt nghiêm khắc từ trọng tài sau tình huống anh va chạm với tiền đạo Zaquan Adha (Malaysia).
Ngoài ra, các trung vệ cũng cần phải tỉnh táo với tình huống diễn ra trong vòng cấm. Ở trận Oman gặp Turkmenistan vòng bảng Asian Cup 2019, trọng tài đã bỏ qua hàng loạt tình huống để bóng chạm tay của cầu thủ Turkmenistan bất chấp sự khiếu nại của tuyển Oman. Nhưng khi có công nghệ VAR, những tình huống như vậy sẽ khó thoát khỏi phạt đền. Các trung vệ cũng cần vào bóng chính xác, bởi VAR sẽ ghi lại đầy đủ những tình huống phạm lỗi.
Một lưu ý khác chính là ở các tình huống việt vị, vốn thường xuyên là quyết định gây tranh cãi của trọng tài. Việc VAR được áp dụng sẽ khiến các trọng tài biên nhẹ gánh hơn. Ở những tình huống quá nhạy cảm khiến tranh cãi nổ ra, các trọng tài sẽ xem lại VAR để xác định đó có phải là bàn thắng hợp lệ không. Việc xác định lỗi việt vị và bàn thắng có hợp lệ hay không là "công dụng" chủ yếu của VAR. Do đó, các cầu thủ cần đưa phải đưa bóng vào lưới đối thủ ở những tình huống việt vị nhạy cảm để có lợi nếu trọng tài dùng VAR để xem lại.
Trong trận Hàn Quốc thắng Đức 2-0 ở World Cup 2018, các trọng tài đã không công nhận bàn thắng của Young Gwon Kim vì lỗi việt vị. Nhưng trước sự phản ứng của các cầu thủ, trọng tài đã phải xem lại VAR và sau đó công nhận bàn thắng cho tuyển Hàn Quốc. Kinh nghiệm cuối cùng của các cầu thủ từng thi đấu dưới VAR chính là "khiếu nại". Hầu hết các cầu thủ sau khi bị té ngã trong vòng cấm hay bị từ chối bàn thắng đều khiếu nại. Việc khiếu nại sẽ khiến các trọng tài ít nhiều bị tác động và liên lạc với các trọng tài VAR.
Có VAR, VN đã không chịu bàn thua trước Jordan
Trưởng đoàn đội tuyển VN tại VCK Asian Cup 2019 Nguyễn Sỹ Hiển cho biết toàn đội không có gì phải ngại khi ban tổ chức sẽ bắt đầu áp dụng công nghệ VAR tại vòng tứ kết sắp tới.
Ông Hiển nói: "Nhiều người cho rằng lối chơi thiên về phòng ngự của tuyển VN sẽ dễ phạm lỗi khi đối đầu với các đối thủ chơi kỹ thuật. Và điều này sẽ khiến các cầu thủ VN phải e ngại trước công nghệ VAR. Nhưng chúng tôi rất hoan nghênh áp dụng công nghệ này.
Lẽ ra ban tổ chức cần phải áp dụng sớm hơn ngay từ vòng đấu loại trực tiếp. Ở trận đấu với Jordan, nếu có công nghệ VAR, bàn thắng của Jordan vào lưới VN đã không được công nhận bởi theo luật, bóng phải xoay đủ một vòng chu vi của quả bóng thì mới tính ở quả phạt gián tiếp. Trong khi đó, các cầu thủ Jordan đã chặn và sút ngay khi bóng chưa xoay đủ một vòng".
Theo kế hoạch, LĐBĐ châu Á (AFC) có buổi hướng dẫn cụ thể cho các đội vào vòng tứ kết về cách áp dụng công nghệ VAR vào hôm nay (22-1).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận