Nguyễn Tiến Linh vẫn đang là trung phong toàn diện nhất của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022 - Ảnh: HOÀNG TÙNG
Sau trận tuyển Việt Nam thắng Myanmar 3-0, HLV Antoine Hey phía đội khách nhận định việc đội hình dưới trướng HLV Park Hang Seo thi đấu chưa tốt các trận vòng bảng, dường như là để bung sức ở bán kết.
Lời của vị HLV người Đức có cơ sở khi tuyển Việt Nam đã luôn thay đổi đội hình xuất phát trong 4 trận vòng bảng AFF Cup 2022. Đặc biệt, ông Park thường xuyên dùng ít nhất 4/5 quyền thay người cho các vị trí tấn công. Chỉ có Tuấn Hải, Văn Quyết từng một lần thi đấu xuyên suốt 90 phút.
Mặt khác, chính ông Park cũng hơn một lần khẳng định: "Ngoại trừ trận đấu với Singapore trên sân cỏ nhân tạo phải thay đổi đội hình vì lo ngại chấn thương, toàn đội đều đạt được mục tiêu đề ra".
Tiến Linh - hạt nhân của hàng công tuyển Việt Nam
Trên hàng công tuyển Việt Nam, Nguyễn Tiến Linh vẫn tạo ra được sự khác biệt ở khả năng tì đè, thu hút hàng thủ đối phương. Tiến Linh đang duy trì phong độ cao với 3 bàn thắng sau 4 trận và thống kê tốt nhất đội.
Vì thế cũng dễ hiểu khi ông Park xoay tua hàng công với trọng tâm là Tiến Linh đá cặp với những Phan Văn Đức, Phạm Tuấn Hải và Văn Toàn khi chơi với sơ đồ hai tiền đạo.
Điều này thấy rõ nhất ở trận mở màn Việt Nam gặp Lào, tuyển Việt Nam xuất phát với cặp tiền đạo Tiến Linh - Văn Đức. Tới phút 65, hàng công được đổi thành Tiến Linh - Văn Toàn.
Hay như ở trận đấu với Singapore và Malaysia, Tiến Linh lần lượt đá cặp với Văn Đức (từ phút 58) và Tuấn Hải (đội hình xuất phát).
Phạm Tuấn Hải được thử nghiệm chơi cao nhất hàng công và cũng để lại dấu ấn với sự năng nổ - Ảnh: H.TÙNG
Còn với sơ đồ một trung phong cắm, hàng công tuyển Việt Nam đã xuất phát với Văn Toàn, Văn Đức hỗ trợ Tiến Linh chơi cao nhất ở trận đấu với Malaysia. Thế trận ban đầu được tạo ra tốt, nhưng thẻ đỏ của Văn Toàn ở phút 34 đã khiến phương án sớm phá sản.
So với tiền đạo của các đội tuyển khác ở bán kết, hiệu suất ghi bàn của Tiến Linh (3 bàn) ngang bằng với Faisal Halim (Malaysia) và kém hơn Teerasil Dangda (5 bàn, Thái Lan). Tuy nhiên, Tiến Linh thi đấu với số phút ít hơn, 235 phút so với 317 phút của Halim và 299 phút của Dangda.
Điều này đến từ việc ông Park đã thử nghiệm phương án hàng công không có Tiến Linh, trao cơ hội cho Phạm Tuấn Hải chơi cao nhất hoặc đá cặp cùng Văn Quyết.
Ai là "nhạc trưởng" tuyển Việt Nam?
Cái khó trong hệ thống tấn công của tuyển Việt Nam thực sự nằm ở vị trí "nhạc trường", cầu thủ trung tâm của các đường triển khai bóng lên phía trên.
Quang Hải, Hoàng Đức là hai cầu thủ được kỳ vọng và đã đáp ứng được phần nào yêu cầu. Theo thống kê từ trang chủ AFF Cup, Quang Hải có 149 phút thi đấu, thực hiện một kiến tạo thành bàn.
Trong khi đó, Hoàng Đức với 211 phút thi đấu, có 1 bàn thắng, 2 đường kiến tạo thành bàn và 8 đường chuyền mở ra cơ hội có thể ghi bàn.
Dấu ấn của Văn Quyết trong vai trò "nhạc trưởng" không thực sự ấn tượng như đàn em Quang Hải hay Hoàng Đức ở đội tuyển Việt Nam - Ảnh: H.TÙNG
Tuy nhiên, Hải và Đức đều đã và đang gặp vấn đề với các chấn thương khiến HLV Park Hang Seo không thể mạo hiểm với cả hai ở giai đoạn vòng bảng. Vì vậy, ở hai trận đấu với Singapore và Myanmar, vị trí "nhạc trưởng" được giao cho Văn Quyết.
Văn Quyết thi đấu tròn vai, thậm chí đã tạo ra 10 đường chuyền mở ra cơ hội có thể ghi bàn. Thông số của Văn Quyết chỉ kém Theerathon Bunmathan (19 đường chuyền, Thái Lan). Trang chủ AFF Cup cũng bình chọn Văn Quyết là cầu thủ năng nổ nhất trận Việt Nam - Myanmar (3-0).
Nhưng có cảm giác, Văn Quyết dưới trướng ông Park vẫn chưa thể thi đấu bùng nổ xuất sắc như ở V-League khi được chơi trong hệ thống chiến thuật của CLB Hà Nội.
Đúc kết lại, hàng công tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều lần phung phí cơ hội ghi bàn. Nhưng nhìn chung sau vòng bảng, ông Park đã đạt mục tiêu là thử nghiệm, tạo thêm sự gắn kết giữa các cầu thủ.
Và hẳn cũng đã đến lúc hàng công đội tuyển Việt Nam bung hết sức cho vòng bán kết AFF Cup 2022, với đối thủ Indonesia của HLV Shin Tae Yong luôn rất khó chịu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận