Ngày 21-10, một lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã có văn bản trả lời về việc khắc phục quốc lộ 14 đoạn qua huyện Ea H'leo hơn 500 tỉ đồng bị sụt lún.
Phải rào chắn, cảnh báo
Trước đó vào tháng 9-2024, người dân phản ánh gặp nhiều khó khăn do trên tuyến đường tránh trung tâm thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H'leo) nhiều đoạn xảy ra việc sụt lún, sạt trượt mặt đường khá nghiêm trọng.
Một số đoạn đường phải đắp vá mặt đường nham nhở, xuất hiện trên suốt dọc tuyến. Tại Km6+600 phần ta luy âm bị sạt lở, sụt lún dài khoảng 50m, lấn sang làn đường ngược chiều, khiến lòng đường bị thu hẹp.
Từ ngày 5-9 đến nay, ban cũng phối hợp với các đơn vị bố trí rào chắn, biển báo để cảnh giới tại các điểm sạt trượt, đảm bảo an toàn cho các phương tiện.
"Trong mùa mưa bão trước mắt, các đơn vị sẽ điều tiết cấm xe tải nặng và xe khách không được đi vào tuyến tránh, mà đi thẳng theo hướng tuyến đường Hồ Chí Minh hiện hữu (các phương tiện đi thẳng qua thị trấn Ea Đrăng - PV)", lãnh đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thông tin.
Không có kinh phí sửa chữa
Tuyến đường tránh trung tâm thị trấn Ea Đrăng dài hơn 23km, có tổng mức đầu tư 503 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án được khởi công tháng 11-2018, được bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 1-2022. Thời gian nghiệm thu, hết bảo hành công trình vào tháng 5-2024.
Trong báo cáo gửi Cục Quản lý đường bộ, ông Nguyễn Thành Vinh, phó giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, cho rằng thời gian qua khu vực Tây Nguyên xảy ra mưa lớn kéo dài, nước ngấm mạnh xuống các lớp đất bụi sét có hệ số rỗng lớn, làm xuất hiện các dòng chảy ngầm trên các sườn đồi.
Tại Km6+600 (khu vực nền đường bị sụt lún - PV) có thiết kế cống tròn đường kính D=1,2m bị người dân đắp chặn thượng lưu để lấy nước bơm tưới cây trồng. Khi mưa lũ đến không được khơi thông kịp thời, làm đọng nước phía thượng lưu cống gây hư hỏng nặng.
Tuy nhiên, do Bộ Giao thông vận tải đã quyết toán, bàn giao hết bảo hành công trình nên nguồn kinh phí dự án không còn để thực hiện việc sửa chữa. Trong khi sự cố xảy ra vào năm 2024, do nguyên nhân khách quan từ các đợt mưa lớn bất thường gây ra.
"Hiện nay, trên tuyến đường xuất hiện cung trượt rộng, phạm vi cung trượt kéo dài ra ngoài phạm vi nền đường về phía chân ta luy âm hơn 50m. Vì vậy, việc sửa chữa hư hỏng cần phải có giải pháp thiết kế triệt để và nguồn kinh phí để đảm bảo bền vững, ổn định lâu dài của công trình qua các mùa mưa lũ hằng năm", Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề nghị.
Kiểm tra lại nguyên nhân
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản giao Khu Quản lý đường bộ 3 chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh kiểm tra, xem xét thực tế hiện trường sạt trượt.
Theo đó, nếu nền đường bị hư hỏng do thiên tai gây ra thì xử lý, khắc phục bằng nguồn kinh phí phòng chống và khắc phục hậu quả lụt thiên tai trong lĩnh vực đường bộ.
Trong trường hợp việc hư hỏng do nguyên nhân khác, đề nghị Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề xuất phương án xử lý, khắc phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận