Điều dưỡng viên đi Nhật Bản thực tập tại một cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cơ quan này tiếp tục tuyển hộ lý, điều dưỡng đi Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (chương trình EPA) khóa 11 với tổng 240 chỉ tiêu. Thời gian nhận hồ sơ đến 31-1-2023.
Đặc biệt, chương trình EPA ưu tiên các ứng viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Người lao động tham gia chương trình EPA được miễn phí đào tạo tiếng Nhật 12 tháng, nơi ở nội trú, cơm bữa, vé máy bay khứ hồi, visa và hỗ trợ thêm sinh hoạt phí. Duy nhất phí khám sức khỏe thì ứng viên tự chi trả.
Về điều kiện, ứng viên hộ lý tham gia EPA phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa, không quá 35 tuổi… Với người ứng tuyển vị trí điều dưỡng đi Nhật, ngoài các điều kiện trên, người lao động phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, ứng viên ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng (bao gồm thời gian tập sự 9 tháng).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Viết Hương - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước - cho biết Nhật Bản dự kiến cần khoảng 60.000 người lao động trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi vào năm 2024, nên đây là cơ hội để người lao động khó khăn có thể kiếm được công việc thu nhập tốt.
Mức lương của hộ lý, điều dưỡng đi Nhật Bản trung bình từ 160.000 - 180.000 yen/tháng. Cạnh đó, các cơ sở điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, bệnh viện do Tổ chức Phúc lợi xã hội quốc tế Nhật Bản (JICWELS) lựa chọn sẽ hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền nhà trong thời gian ứng viên EPA học tập và làm việc ở Nhật Bản.
Tại Nhật, nhiệm vụ của điều dưỡng là theo dõi sức khỏe, giao nhận thuốc theo đơn của bác sĩ và sử dụng máy móc hỗ trợ người bệnh. Hộ lý sẽ tư vấn, hỗ trợ, chăm sóc hoặc hướng dẫn người bệnh tập luyện phục hồi chức năng.
Ứng viên hộ lý, điều dưỡng đi Nhật được tập huấn để xây dựng, tổ chức vui chơi cho người cao tuổi - Ảnh: HÀ QUÂN
Điều dưỡng đi Nhật Bản được dự thi một lần/năm, còn hộ lý thì sang năm thứ 4 sẽ thi chứng chỉ quốc gia. Nếu thi đỗ, ứng viên EPA sẽ được lựa chọn nơi làm việc theo nguyện vọng cá nhân và có thể đưa người nhà sang nước này.
Tỉ lệ thi đỗ chứng chỉ hành nghề quốc gia để làm việc lâu dài ở Nhật Bản của người Việt cao hơn các nước Indonesia, Philippines. Đơn cử như có trên 90% hộ lý Việt Nam thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản.
Ứng viên tìm hiểu thêm thông tin, hướng dẫn nộp hồ sơ qua Cục Quản lý lao động ngoài nước (số 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) theo số điện thoại 024.3824.9517 (số máy lẻ 513, 611) hoặc website http://dolab.gov.vn/New/Default.aspx.
Ứng viên trúng tuyển đợt 1 sẽ nhập trường từ ngày 29-1-2023 tại Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ LOD (số 924 Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Khi đi, người tham gia EPA chỉ phải chuẩn bị hồ sơ nhập học, vật dụng cá nhân.
Cơ sở đào tạo cung cấp giường, đệm, chăn, màn miễn phí. Đồng thời, ứng viên phải làm thủ tục xin cấp hộ chiếu phổ thông trước ngày 30-5-2023. Thông tin về ngày tháng năm sinh trên hộ chiếu phải thể hiện đầy đủ ngày, tháng, năm, quê quán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận