19/03/2015 12:00 GMT+7

​Tuyển sinh lớp 6: lúng túng khi không thi

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Với quy định của Bộ GD-ĐT “tuyệt đối không thi tuyển vào lớp 6”, hiệu trưởng nhiều trường THCS rơi vào tình trạng lúng túng, lo lắng.

Cảnh phụ huynh xếp hàng mua đơn vào trường điểm ở Hà Nội có thể tái diễn (như trong ảnh) nếu các trường chất lượng cao không tìm được giải pháp tuyển sinh hữu hiệu hơn - Ảnh: V.H.

PGS Văn Như Cương - người sáng lập Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội, nơi nhiều năm nay có số lượng học sinh (HS) đăng ký vào hệ THCS vượt xa so với chỉ tiêu nhập học - cho rằng: “Tuyển sinh mà không cho phép thi quả là bài toán không thể giải được”.

Bài toán không giải được

Với 4.000-5.000 hồ sơ dự tuyển, mỗi năm Trường Lương Thế Vinh chỉ có thể nhận khoảng 600 chỉ tiêu là tối đa.

Như vậy để chọn lựa trong số hồ sơ nhiều gấp 7-8 lần so với khả năng tiếp nhận, trong đó có nhiều hồ sơ của HS ngoại tỉnh, Trường Lương Thế Vinh chỉ có thể áp dụng hình thức thi tuyển.

“Trong văn bản của Bộ GD-ĐT có giải thích lứa tuổi 11-18 chưa tốt nghiệp THCS thì nằm trong diện phổ cập giáo dục, nên việc tuyển sinh phải theo đúng chỉ tiêu, kế hoạch và áp dụng hình thức xét tuyển. Quy định này đúng với hệ thống trường công lập. Nhưng đối với những trường ngoài công lập, công lập tự chủ có uy tín, một thực trạng được thấy rõ qua nhiều năm là số lượng HS đăng ký đông hơn chỉ tiêu, trong khi trường không đủ điều kiện nhận tất cả thì phải sàng lọc. Đây là vấn đề Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn riêng nhằm tháo gỡ khó khăn cho các trường trong bối cảnh hiện nay, chứ không nên gom tất cả vào một quy định chung khiến các trường lúng túng, bế tắc” - ông Văn Như Cương nhận xét.

Hồ sơ dự tuyển gấp 3-4 lần tuyển sinh

Các trường khác ở khu vực Hà Nội như THCS Cầu Giấy, Trường thực hành THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Marie Curie... cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi số hồ sơ dự tuyển thường gấp 3-4 lần so với chỉ tiêu.

Bà Thu Anh, hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Năm 2014 trường nhận gần 2.600 hồ sơ, nhưng chỉ tuyển 240 học sinh lớp 6”.

Tương tự, ông Dương Văn Tiến - hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy - cũng cho biết trong số trên 2.000 hồ sơ năm trước chỉ tuyển 200 học sinh.

Theo ông Văn Như Cương, nếu không tổ chức thi, các trường có thể sẽ phải hạn chế việc phát ra số lượng đơn xin nhập học, hoặc xét học bạ nhưng đây là những cách không dễ làm.

Vì từng có những năm Trường Lương Thế Vinh thử áp dụng việc xét học bạ nhưng phần lớn học bạ của HS tiểu học đều xếp loại học lực giỏi, hạnh kiểm tốt, rất khó phân loại.

Hơn nữa, năm nay HS tiểu học áp dụng cách đánh giá mới, sẽ càng khó có những tiêu chí cụ thể để xem xét hồ sơ theo cách này.

“Còn nếu áp dụng cách hạn chế bán đơn, có lẽ chúng tôi nên đi xây lại cổng trường trước cho kiên cố, bởi sẽ rất dễ tái diễn cảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm, đạp đổ cổng trường để mua đơn” - ông Cương nói vui.

Việc tuyển sinh vào hệ THCS của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam còn khó khăn gấp bội nếu như không còn kỳ thi tuyển sinh nữa.

Cánh cửa vào hệ THCS của trường này các năm trước vốn đã rất hẹp khi số hồ sơ sau khi sơ tuyển (xét học bạ) vẫn còn 4.000-5.000, chỉ tiêu khoảng 200 HS.

Trong đó số HS có học lực tốt, phải luyện thi, cạnh tranh khốc liệt mới có được “tấm vé vào cổng”. Một lãnh đạo của trường này cho biết xét học bạ để tuyển sinh đối với mặt bằng “toàn học sinh giỏi” là việc cực kỳ khó làm.

Đi tìm “cơ chế sàng lọc”

Một hiệu trưởng chia sẻ: “Nếu tránh thi các môn văn hóa thì có thể xét tuyển dựa trên việc test chỉ số IQ, EQ kết hợp với học bạ tiểu học. Nhưng kể cả với cách làm này vẫn phải tổ chức một cuộc kiểm tra.

Thay vào việc chạy đua học thêm văn hóa, phụ huynh và HS lại chạy đua học thêm các lớp để “luyện thi nâng chỉ số IQ, EQ”. Chuyện này từng diễn ra ở các “kỳ thi tuyển sinh lớp 1” ở nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội. Tóm lại vẫn là thi. Vì thế đã cấm thi thì các hình thức thi khác nhau đều phạm quy cả.

Theo một số hiệu trưởng khác thì việc “có quyền sàng lọc mà không tuyển được HS có chất lượng thì thật vô lý”, nhất là những trường trong diện “dịch vụ giáo dục chất lượng cao” của Hà Nội.

“Việc phổ cập giáo dục là trách nhiệm của các trường công lập, còn trường chất lượng cao cần tuyển sinh trên cơ sở tự nguyện của người học và người đáp ứng dịch vụ. Muốn vậy cần cho phép các trường có cơ chế sàng lọc đầu vào để duy trì một chất lượng cần thiết” - một hiệu trưởng lên tiếng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hữu Hoan - trưởng phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội - cũng thừa nhận việc không cho phép thi tuyển sẽ là khó khăn cho một số trường chất lượng cao có số lượng dự tuyển vào lớp 6 đông ở Hà Nội.

“Sở đang chờ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, sau đó ban giám đốc sở sẽ quyết định việc tổ chức họp các trưởng phòng GD-ĐT trên toàn thành phố để bàn về vấn đề này nhằm xây dựng các phương án tuyển sinh hợp lý, tùy theo điều kiện của mỗi trường và phải phù hợp với chỉ đạo của Bộ GD-ĐT” - ông Hoan cho biết.

Theo ông Hoan, việc Bộ GD-ĐT quy định chung về việc “cấm thi tuyển lớp 6” là cần thiết, nhưng với những trường hợp đặc biệt, khi bộ mở cho các địa phương cơ hội xây dựng đề án tuyển sinh căn cứ vào điều kiện thực tế sẽ rất tốt.

Còn đề án tuyển sinh thế nào sẽ phải bàn bạc kỹ để tránh việc gây khó khăn cho người dân và phát sinh những tình huống xấu như chạy tiền, xếp hàng, chen lấn trắng đêm...

Đà Nẵng: khó áp dụng với trường chất lượng cao

Trao đổi với PV, ông Huỳnh Tấn Phúc - trưởng phòng giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng) - cho biết từ nhiều năm qua, đa số trường THCS trên địa bàn Đà Nẵng chủ yếu áp dụng hình thức xét tuyển vào lớp 6.

Chỉ riêng tại Trường THCS Tây Sơn, THCS Lê Lợi, mỗi trường có hai lớp tiếng Nhật tăng cường nên có tiến hành kiểm tra, khảo sát đầu vào. Và tại Trường THCS Nguyễn Khuyến là tổ chức thi tuyển đầu vào.

“Nếu áp dụng theo hình thức xét tuyển sẽ ảnh hưởng tới Trường THCS Nguyễn Khuyến” - ông Phúc cho biết.

Trong khi đó cô Hồ Thị Thu Thanh - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) - cho biết sau khi nghe thông tin về việc xét tuyển thay thi tuyển vào lớp 6, nhiều phụ huynh trong trường đang băn khoăn, lo lắng.

Trường THCS Nguyễn Khuyến được xem là trường chất lượng cao của Đà Nẵng, thi tuyển đầu vào của trường này có tỉ lệ chọi rất cao. Theo cô Thanh, năm học 2014-2015, trường có chỉ tiêu tuyển sinh 280 học sinh nhưng hồ sơ dự tuyển lên đến gần 1.900.

“Nếu áp dụng việc xét tuyển với trường thì sợ là bất khả thi” - cô Thanh cho hay.

ĐOÀN CƯỜNG

 

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp