Học sinh tìm hiểu thông tin và nộp hồ sơ xét tuyển năm 2022 tại một trường đại học ở TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Trong đó, giải pháp "lọc ảo" với mục đích tạo thuận lợi cho các trường và thí sinh đã được bàn sâu.
Đăng ký xét tuyển online 100%
Sau hai năm thực hiện mạnh mẽ việc giao tự chủ tuyển sinh cho các trường đại học, 2022 là năm các phương thức xét tuyển đa dạng nhất với trên 20 phương thức, chưa kể các phương thức kết hợp. Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh năm 2021, Bộ GD-ĐT cho biết có nhiều điểm bất cập dẫn tới thiếu khách quan với thí sinh khi tham gia xét tuyển ở các phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), năm 2021 nhiều trường đồng thời sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành nhưng lại phân bố chỉ tiêu không hợp lý hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển. Một trong những biểu hiện là điểm chuẩn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường dâng cao dẫn tới việc thí sinh đạt 30 điểm vẫn không trúng tuyển.
"Các trường áp dụng nhiều phương thức xét tuyển nhưng lại không có biện pháp đảm bảo công bằng giữa thí sinh. Gọi thí sinh nhập học sớm mà không nhập dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, chưa tạo điều kiện cho thí sinh có lựa chọn ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất" - bà Thủy nhấn mạnh.
Từ đánh giá này, Bộ GD-ĐT đặt ra một số giải pháp mang tính kỹ thuật để khắc phục tình trạng trên. Theo đó, năm 2022 thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển online 100%. Ngoài việc đăng ký theo quy trình của các trường, thí sinh đăng ký lên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Và thay vì đăng ký trước thì nay sẽ đăng ký sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đăng ký xét tuyển với các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết, bao gồm các nguyện vọng theo ngành, trường và các phương thức xét tuyển khác nhau.
Khắc phục bất cập năm 2021
Tại hội nghị, ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết những điểm điều chỉnh về kỹ thuật nhằm khắc phục bất cập như đã xảy ra năm 2021. Các giải pháp được thống nhất về mặt chủ trương là tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để giảm phiền hà cho thí sinh, đảm bảo công bằng giữa các thí sinh sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và giảm tình trạng thí sinh ảo. Đặc biệt, với thay đổi trên có thể khắc phục tình trạng thí sinh muốn đậu vào một ngành nhưng lại mắc kẹt hồ sơ vì đã lỡ nộp vào một ngành khác trước đó. Vì phần mềm xét tuyển sẽ giúp thí sinh chọn ngành hợp sở trường, hợp sở thích nhất trong số các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
Với cách làm năm nay, hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT không chỉ cập nhật dữ liệu kết quả thi mà sẽ cập nhật kết quả học tập lớp 10, 11, 12 của thí sinh để các trường tiện sử dụng. Ông Hoàng Minh Sơn khẳng định những điều chỉnh chỉ là giải pháp kỹ thuật, không gây xáo trộn đối với thí sinh và các trường.
Tuy nhiên trao đổi về việc này, ông Bùi Đức Triệu - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - lại cho rằng dù chỉ là điều chỉnh kỹ thuật nhưng sẽ tác động lớn đến thí sinh và cả các trường. Ở thời điểm hiện tại, các trường đã xây dựng đề án tuyển sinh khá ổn định. Cụ thể ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có các phần mềm nộp hồ sơ, xét tuyển và nhập học, tất cả đều có thể đăng ký, xác nhận online. Nhưng với dự kiến điều chỉnh trên của bộ thì có thể các trường cũng phải có những thay đổi.
Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT với các phương thức như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ còn có sự tương đồng. Còn các phương thức khác đang được các trường cho rằng có tính phân loại tốt hơn, đặc biệt là phương thức được khuyến khích như thi đánh giá năng lực. Khi cập nhật lên phần mềm xét tuyển chung rất cần phải tính toán để đảm bảo duy trì được quyền tự chủ của các trường và quyền lựa chọn của thí sinh.
Ông Triệu cho rằng nếu chỉ cần giải pháp để ngăn những trường gọi thí sinh nhập học sớm, không công bằng với thí sinh khác thì bộ có thể quy định một thời điểm nhất định cho các trường và quy định các trường phải cho thí sinh rút hồ sơ nếu muốn nhập học bằng nguyện vọng khác. "Lọc ảo thì được nhưng xét tuyển chung trong bối cảnh có nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay thì khó", ông Triệu nói.
Tại hội nghị cũng còn các ý kiến băn khoăn về việc chỉ cho mỗi thí sinh được trúng tuyển một nguyện vọng sau khi cập nhật lên phần mềm xét tuyển chung, vô hình trung lấy mất của thí sinh quyền được lựa chọn giữa nhiều nguyện vọng đã trúng tuyển. Có ý kiến đề xuất, đăng ký xét tuyển online thì không nhất thiết phải quy định sau kỳ thi tốt nghiệp mà có thể làm trước, chỉ nên chốt thời hạn cuối cùng là sau kỳ thi. Ông Sơn cũng dẫn lại bài học năm 2015 tình trạng "ảo" khiến các trường khó khăn nhưng sau khi Bộ GD-ĐT thực hiện lọc ảo thì việc tuyển sinh mới dần vào nề nếp.
Lo ngại sai sót
Ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - nêu ý kiến: "Sở GD-ĐT TP.HCM đồng ý với các dự kiến điều chỉnh phương án tuyển sinh 2022. Sở cố gắng thực hiện đăng ký thi tốt nghiệp 100% trực tuyến. Năm ngoái vừa trực tuyến, trực tiếp học sinh gửi thẳng hồ sơ cho sở thì sở phát hiện sai sót khi nhiều em quên đăng ký nguyện vọng. Năm nay đăng ký với số lượng trực tuyến lớn như thế, sai sót sẽ không tránh khỏi thì mong Bộ GD-ĐT hỗ trợ để các em tránh sai sót".
Đánh giá cao phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp
Bày tỏ quan điểm về phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng các cơ sở đào tạo chỉ nên thêm phương thức xét tuyển mới chứ không nên bỏ một phương thức truyền thống hoặc giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức này, sẽ khiến thí sinh bị "sốc".
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường vẫn đánh giá cao phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ông Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - đề nghị bộ cần nâng chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT để tăng tính phân hóa, giúp các trường có cơ sở tin cậy để áp dụng phương thức xét tuyển này. Ông Nguyễn Hữu Tú - hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội - cho rằng khi Bộ GD-ĐT còn coi kết quả thi tốt nghiệp là một phương thức xét tuyển chính chiếm khoảng 50% chỉ tiêu thì vẫn mong Bộ GD-ĐT giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức kỳ thi này để có kết quả tin cậy, và năm 2022 chỉ nên tổ chức một đợt thi để các trường không kéo dài việc tuyển sinh.
Một số nội dung dự kiến điều chỉnh so với năm 2021
Ông Hoàng Minh Sơn, thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: MOET
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đưa ra một số điểm dự kiến điều chỉnh so với năm 2021:
Thứ nhất, việc đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trên Cổng thông tin của bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ hai, thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thứ ba, tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Thứ tư, đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Thứ năm, cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.
Thứ sáu, cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận