02/04/2025 11:31 GMT+7

Tuyển sinh đại học 2025: Nên bỏ quy định quy đổi điểm

Một công thức quy đổi điểm tương đương không được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học thì không thể giúp công tác tuyển sinh được công bằng hơn, mà có thể tạo thêm sự mất công bằng.

quy đổi điểm - Ảnh 1.

Học sinh và phụ huynh đặt nhiều câu hỏi về phương thức xét tuyển tại ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu quy đổi các phương thức xét tuyển đại học về một thang điểm chung xuất phát từ mục tiêu tạo sự thống nhất và dễ quản lý. Tuy nhiên, điều này đang bộc lộ nhiều hạn chế và chưa thực sự phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục đại học hiện đại.

Việc đưa các phương thức tuyển sinh về một thang điểm chung có thể tạo ra cảm giác công bằng, dễ dàng cho các trường đại học và cơ quan quản lý khi so sánh kết quả tuyển sinh giữa các thí sinh từ những phương thức khác nhau. 

Đồng thời, giải pháp này cũng có thể giảm bớt tình trạng "loạn" xét tuyển trong bối cảnh các trường đang áp dụng quá nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau mà chưa có cơ chế giám sát hiệu quả.

Không nên chỉ vì mục đích quản lý dễ dàng mà vô tình gây khó khăn cho các trường và thí sinh dưới danh nghĩa "đảm bảo chất lượng, công bằng, bình đẳng". Việc quy đổi điểm rất khó để đạt được mục tiêu đặt ra, thậm chí đi ngược lại tinh thần tự chủ đại học. Như Tổng Bí thư từng nhắc nhở: "Đừng cái gì không quản được thì cấm".

Quy đổi điểm xét tuyển: Lợi thì có lợi...

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kể trên, thực tế đã cho thấy quy định này mang đến nhiều bất cập và hạn chế về mặt khoa học và thực tiễn giáo dục.

Trước tiên, mỗi ngành học và lĩnh vực đào tạo đều có đặc thù riêng, đòi hỏi những tiêu chí đánh giá và tuyển chọn khác nhau. Việc áp đặt một tiêu chuẩn duy nhất cho tất cả các ngành là chưa khoa học và sẽ làm mất đi sự đa dạng cần thiết.

Chẳng hạn, một sinh viên ngành nghệ thuật cần có năng khiếu sáng tạo chứ không nhất thiết phải giỏi các môn học thuật như toán, lý hay hóa. Việc ép buộc các học sinh tài năng nghệ thuật cạnh tranh trên một thang điểm chung với học sinh có thế mạnh về khoa học tự nhiên sẽ làm mất đi cơ hội của những cá nhân xuất sắc, đồng thời ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nhân lực tương lai.

Thực tiễn từ các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến cũng cho thấy rất rõ ràng rằng không có quốc gia nào sử dụng cách thức quy đổi điểm kiểu "tất cả về một thước đo chung" như Việt Nam sắp sửa thực hiện. 

Ví dụ điển hình như Mỹ, nơi các trường đại học danh tiếng như Harvard, MIT có thể sử dụng GPA, điểm thi SAT, bài luận cá nhân và các hoạt động ngoại khóa làm cơ sở tuyển sinh mà không cần quy đổi thành một thang điểm chung.

Tại Hàn Quốc, một tỉ lệ đáng kể các trường đại học tuyển thẳng những học sinh tài năng, dựa trên năng lực cụ thể mà không nhất thiết phải quy đổi điểm theo một kỳ thi duy nhất. Thậm chí tại Phần Lan, quốc gia nổi tiếng với hệ thống giáo dục tiến bộ, còn không tổ chức kỳ thi tuyển đại học riêng biệt mà dựa hoàn toàn vào kết quả và năng lực tích lũy trong suốt quá trình học phổ thông.

quy đổi điểm - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: VNUHCM

Hệ lụy lâu dài

Tại Việt Nam hiện nay, nếu tiếp tục thực hiện quy định này, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy lâu dài. Việc quy đổi điểm từ các phương thức đánh giá khác nhau như học bạ (đánh giá cả quá trình học tập), kỳ thi tốt nghiệp THPT (đánh giá kiến thức tổng quát) hay kỳ thi đánh giá năng lực (đánh giá khả năng tư duy, phân tích) thành một thang điểm chung sẽ làm mất đi giá trị đặc thù của từng phương thức.

Đặc biệt, việc này sẽ không thể hiện được sự nổi trội riêng của từng môn học mà các ngành đặc thù yêu cầu. Kết quả là các trường đại học khó chọn đúng những sinh viên phù hợp nhất với yêu cầu đào tạo, gây lãng phí nguồn lực khi sinh viên chọn sai ngành học và không đáp ứng được yêu cầu thực tế khi ra trường.

Giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay là không nên áp đặt một quy định chung về quy đổi điểm, thay vào đó cần tạo cơ chế cho các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh, dựa trên dữ liệu thống kê tuyển sinh của các năm trước để xác định tỉ lệ hợp lý nhất dành cho mỗi phương thức xét tuyển.

Theo đó, mỗi trường cần tự quyết định tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào đặc điểm ngành học và kết quả thực tế từ các mùa tuyển sinh trước đó. Ví dụ, ngành y có thể dành phần lớn chỉ tiêu cho xét tuyển dựa trên các môn khoa học tự nhiên, ngành thiết kế dựa vào năng khiếu và khả năng sáng tạo... Các thí sinh chọn phương án tuyển sinh nào sẽ phải tuân thủ theo các tiêu chí (tỉ lệ chỉ tiêu theo phương thức) và cách thức xét tuyển của phương án đó.

Đặc biệt, cần lưu ý rằng ngay cả khi áp dụng phương thức xét tuyển dựa trên học bạ, nếu điểm số của thí sinh không đảm bảo độ tin cậy, khách quan thì việc quy đổi điểm cũng chỉ là hình thức và không thực chất. Do vậy, vai trò giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm tra, đảm bảo chất lượng và tính chính xác của dữ liệu học bạ là hết sức quan trọng.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mạnh dạn trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, minh bạch hóa quy trình tuyển sinh và tập trung vào vai trò giám sát hiệu quả, để giáo dục Việt Nam thực sự tiến bộ và phát triển phù hợp với xu thế toàn cầu.

* ThS Phùng Quán (chuyên gia tuyển sinh Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM):

Nhiều tồn tại, hạn chế

quy đổi điểm - Ảnh 3.

Việc quy đổi điểm xét tuyển đại học hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế như:

1. Tính tương đương về mặt học thuật là rất khó đảm bảo, điểm học bạ có tính chủ quan cao, phụ thuộc vào giáo viên, trường, vùng miền, không chuẩn hóa như kỳ thi quốc gia.

2. Điểm các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...) rất khác nhau về cấu trúc, độ khó, mục tiêu đo lường. Việc quy đổi dựa trên tương quan thống kê không hoàn toàn phản ánh năng lực học thuật thật sự của thí sinh.

3. Khó duy trì tính công bằng tuyệt đối, thí sinh dùng điểm học bạ hoặc thi riêng ở các đơn vị tổ chức khác nhau, nhưng khi quy đổi thì số điểm vẫn được so sánh trực tiếp với kỳ thi quốc gia, gây ra cảm giác thiệt thòi cho người thi tốt nghiệp THPT.

Vì vậy, việc quy đổi điểm giữa các phương thức là cần nhưng không thực sự hiệu quả vào thời điểm hiện tại ở Việt Nam nếu không đi kèm với chuẩn hóa chương trình, đề thi, tiêu chí đánh giá giữa các phương thức.

Nếu không được chuẩn hóa nghiêm túc, quy đổi điểm có thể vô tình trở thành công cụ hợp thức hóa bất công trong tuyển sinh đại học, gây mất niềm tin cho xã hội và tạo hệ lụy dài hạn về chất lượng đào tạo.

* TS Nguyễn Quốc Chính (giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM):

Có thể tạo thêm sự mất công bằng

quy đổi điểm - Ảnh 3.

Việc quy đổi tương đương điểm thi của các bài thi khác nhau bằng phương pháp hồi quy tuyến tính căn cứ trên phổ điểm thi là phương pháp phù hợp và có giá trị chỉ khi có đồng thời các điều kiện sau:

1. Các bài thi có tính chất tương đương, cùng đánh giá những năng lực giống nhau của thí sinh;

2. Các phổ điểm phải gần với phân bố chuẩn.

Trong thực tế, bài thi THPT và các bài thi riêng (đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, HSA của Đại học Quốc gia Hà Nội và TSA của Đại học Bách khoa Hà Nội) có bản chất khác nhau khá nhiều.

Trong khi bài thi THPT chủ yếu đánh giá khả năng nhận biết và thông hiểu kiến thức, có nhiều câu hỏi ở dạng nhớ và hiểu, các bài thi riêng của hai đại học quốc gia và của Đại học Bách khoa Hà Nội chú trọng đánh giá khả năng vận dụng kiến thức, tư duy logic và suy luận khoa học.

Kết quả thi THPT các năm trước cho thấy đa số các môn đều có phổ điểm "không gần với phân bố chuẩn". Đa số môn thi đều có phổ điểm bị "lệch", đặc biệt phổ điểm môn tiếng Anh có hai cực đại. Nếu năm 2025, phổ điểm các môn thi THPT vẫn "không chuẩn" như các năm trước thì việc quy đổi tương đương sẽ có nhiều sai số, không đủ độ tin cậy.

Từ phân tích bối cảnh thực tế nêu trên có thể thấy rõ là cả hai yêu cầu cần thiết để bảo đảm tính giá trị cho việc quy đổi tương đương đều không được đáp ứng. Việc quy đổi tương đương trong trường hợp này là không có cơ sở khoa học và không có giá trị.

Một công thức quy đổi tương đương không được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học thì không thể giúp công tác tuyển sinh được công bằng hơn mà có thể tạo thêm sự mất công bằng.

Tuyển sinh đại học: Nên bỏ quy định quy đổi điểm - Ảnh 5.Các trường không được tự ý đưa ra cách quy đổi điểm không phù hợp

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý như vậy tại hội nghị tổng kết đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025 khối đại học, cao đẳng sư phạm diễn ra sáng 29-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp