Theo quy định, học sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ thi bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc là toán và văn. Hai môn còn lại học sinh tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, công nghệ và tin học.
Tuy nhiên trên thực tế, học sinh chỉ có thể tự chọn hai môn trong bốn môn mà học sinh đã đăng ký học từ năm lớp 10 (trên nguyên tắc, học sinh phải học môn đã tự chọn từ năm lớp 10 và không được thay đổi trong suốt ba năm học THPT).
Số môn thi không phủ hết tổ hợp truyền thống
Những năm trước học sinh thi tốt nghiệp THPT với bốn bài thi, trên thực tế là sáu môn: toán, văn, ngoại ngữ và tổ hợp khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý và giáo dục công dân). Học sinh đã được học những môn thi này trong suốt ba năm THPT nên khi thi tốt nghiệp, mỗi học sinh đều có thể tùy chọn bài thi tổ hợp theo nguyện vọng của mình.
Trong khi đó, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT bốn môn, và hơn nữa, khi vào từ lớp 10 các em đã có thể chọn các môn tự chọn mà không theo tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội như trước. Đó là chưa kể các em có thể chọn các môn hoàn toàn mới như tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật.
Vì số môn thi tốt nghiệp THPT ít hơn và tổ hợp cả bốn môn thi của một học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có thể không phủ hết một tổ hợp ba môn xét tuyển truyền thống trước đây, chưa kể phải tính đến việc sử dụng các môn thi mới khi xét tuyển nên nếu các trường ĐH vẫn chỉ tiếp tục sử dụng các tổ hợp ba môn xét tuyển truyền thống như trước đây là điều bất cập.
Trước đây tuy có đến gần 100 tổ hợp ba môn xét tuyển nhưng trên thực tế học sinh cũng chỉ đăng ký xét tuyển tập trung theo các khối thi truyền thống (chiếm khoảng 90% tổng số thí sinh) như khối A00 (toán, lý, hóa), A01 (toán, lý, ngoại ngữ), B00 (toán, sinh, hóa), C00 (văn, sử, địa), D01 (toán, văn, Anh). Mỗi ngành tuyển sinh thường xét tuyển theo nhiều tổ hợp, tối đa là bốn, và cũng chỉ xung quanh năm tổ hợp xét tuyển truyền thống này.
Giải pháp nào cho xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp?
Tất nhiên giải pháp đơn giản nhất về mặt kỹ thuật để các trường ĐH xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT là không xét theo từng tổ hợp ba môn riêng như trước mà chỉ xét theo tổng điểm thi tốt nghiệp cả bốn môn.
Thật ra ý tưởng này không phải là mới. Vì theo quy định áp dụng cho năm 2023 và 2024, khi xét tuyển ĐH theo nhiều tổ hợp khác nhau, trường ĐH sẽ dùng tổ hợp nào mà thí sinh có điểm cao nhất để xét tuyển chứ không cứng nhắc chỉ theo một tổ hợp.
Tuy nhiên, cách xét tuyển này sẽ bị phê phán là giảm ý nghĩa định hướng nghề nghiệp của giai đoạn THPT (lớp 10 đến lớp 12), là giai đoạn nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông (CĐ và ĐH).
Điều mà các trường ĐH quan tâm là liệu một tổ hợp xét tuyển mới có đủ số lượng học sinh đăng ký để bảo đảm nguồn tuyển cho trường hay không. Do vậy các trường ĐH vẫn đang lúng túng trong việc công bố chi tiết cách xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Hiện nay không có một dữ liệu thống kê nào về việc chọn môn học của học sinh tại các trường THPT.
Và có lẽ đây là một trong những lý do khiến nhiều trường đã sớm công bố đề án tuyển sinh 2025, trong đó đều giảm chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp, trong khi Bộ GD-ĐT lại khuyến khích các trường ĐH sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
36 cách chọn tổ hợp
Theo tính toán, với quy định học sinh thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ thi bốn môn với hai môn bắt buộc là toán và văn, hai môn tự chọn trong chín môn thi còn lại thì có 36 cách chọn tổ hợp bốn môn thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, từ 36 cách chọn bốn môn thi tốt nghiệp THPT đó, có những cách không thể dẫn đến một tổ hợp ba môn thi xét tuyển truyền thống, ví dụ như các thí sinh thi bốn môn toán, ngữ văn, tin học, công nghệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận