31/01/2017 19:12 GMT+7

Tuyển sinh đại học 2017: lại giữ “điểm sàn”

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Đây là quyết định cuối cùng của Bộ GD-ĐT được đưa ra trong Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy năm 2017 vừa được Bộ GD-ĐT công bố chính thức chiều 31-1.

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 - Ảnh: Hoài Nam
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 - Ảnh: Hoài Nam

Năm 2017, bộ cho phép các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm.

2017: Năm cuối cùng tồn tại điểm sàn chung trong tuyển sinh ĐH

Trước đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh công bố cách đây hơn một tháng, Bộ từng dự kiến sẽ không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung như mọi năm, mà để các trường ĐH tự quy định và tự công bố ngưỡng đầu vào của từng trường.

Tuy nhiên, trong Quy chế tuyển sinh ĐH 2017, Bộ đã chính thức xác nhận sẽ vẫn công bố điểm sàn chung như năm 2016 trở về trước.

Như vậy, căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào này, các trường công bố quy định xét tuyển vào các ngành của trường.

Ngày 31-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết quy định điểm sàn chung sẽ chỉ còn áp dụng cho năm 2017.

Còn từ năm 2018 trở  đi, bộ quy định các trường phải công khai các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng như về đội ngũ, giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, các công trình nghiên cứu khoa học nổi bật, hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin về tổng chi phí để đào tạo 1 sinh viên/năm, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 khóa gần nhất so với năm tuyển sinh (theo nhóm ngành).

Khi các trường công khai đầy đủ, chuẩn xác các thông tin này thì mỗi trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho trường mình.

“Những trường nào không công bố đầy đủ thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng sẽ không được thông báo tuyển sinh. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định độc lập việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Nếu phát hiện trường hợp kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì Bộ GDĐT sẽ quyết định dừng tuyển sinh đối với ngành/nhóm ngành liên quan”- ông Ga nhấn mạnh.

Không giới hạn số lượng ngành, trường đăng ký xét tuyển

Quy chế tuyển sinh ĐH 2017 cho phép thí sinh được đăng ký nguyện vọng theo mong muốn, không giới hạn số nguyện vọng cũng như số trường. Vì thế, cơ hội thí sinh trúng tuyển vào ngành yêu thích sẽ cao hơn.

Ví dụ thí sinh có thể đăng ký ngành A nào đó vào nhiều trường có ngành này nhưng có mức điểm trúng tuyển khác nhau để khi không trúng tuyển trường điểm cao thì có thể trúng tuyển trường có điểm thấp hơn.

Với quy định mới này, nếu các trường chỉ sử dụng cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký vào trường mình thì sẽ không thể biết được thí sinh trong danh sách trúng tuyển vào trường mình còn trúng tuyển vào những trường nào khác với nguyện vọng như thế nào. Nghĩa là trường chỉ biết chắc chắn những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và nằm trong danh sách trúng tuyển của trường là sẽ trúng tuyển chính thức.

Vì vậy, Bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện động tác thống kê nguyện vọng của thí sinh, lọc ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức. Thí sinh dù được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường/nhóm trường khai thác thông tin của mình và của cả các trường/nhóm trường khác có liên quan trên Cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển.

Sau đó các trường nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.

Các trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc ảo so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm trúng tuyển phù hợp.

Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian qui định để có được danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức (các thí sinh này chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất).

Riêng đối với các đợt xét tuyển bổ sung, các trường tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định xét tuyển bổ sung một lần hay nhiều lần.

Tuy nhiên, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Thí sinh chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.

Đăng ký xét tuyển trực tuyến

Theo Quy chế, để xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của sở GDĐT kèm theo lệ phí ĐKXT.

Để giúp có cơ hội để “sửa sai” nếu đăng ký trước đó chưa thực sự là một lựa chọn kỹ lưỡng, Quy chế tuyển sinh 2017 mở rộng cơ hội thay đổi lựa chọn trường, ngành đăng ký xét tuyển bằng một cơ chế mở: thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi, nhưng sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian qui định.

Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyển với tài khoản và mã số thí sinh đã được hệ thống cung cấp khi đăng ký dự thi.

Như vậy, thí sinh vẫn quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển của mình sau khi có kết quả thi. Nhờ phương thức điều chỉnh trực tuyến nên thí sinh không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay phải đến nộp tại trường.

Thí sinh cũng có trách nhiệm xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh hay nộp bằng phương thức khác do trường quy định.

Bộ GD- ĐT cũng quy địnhthí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin ĐKXT và đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin ĐKXT và dữ liệu đăng ký dự thi với hồ sơ gốc.

Riêng trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường.

Mỗi tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi/bài thi

Quy chế cũng nêu rõ với các ngành, trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển thì tổ hợp xét tuyển có thể kết hợp theo bài thi hoặc theo môn thi thành phần nằm trong bài. Các tổ hợp này phải đảm bảo nguyên tắc sử dụng kết quả của 3 môn thi/bài thi, trong đó có ít nhất một trong hai môn thi độc lập Toán, Ngữ văn để xét tuyển.

Các trường phải đảm bảo các môn thi/bài thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo và không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp môn thi/ bài thi để xét tuyển cho một ngành.

Riêng đối với các trường, ngành năng khiếu, sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó, có ít nhất một bài thi Toán hoặc Ngữ văn kết hợp với kết quả thi năng khiếu để xét tuyển.  Tùy theo yêu cầu của ngành đào tạo, các trường có thể quy định bài thi/môn thi chính được nhân hệ số khi xét tuyển. 

Bộ GD- ĐT cũng lưu ý trong năm 2017, những trường sử dụng tổ hợp các môn thi/bài thi mới ngoài các khối thi truyền thống (khối thi mà trường đã sử dụng từ năm 2014 trở về trước) để xét tuyển cho một ngành cần dành ít nhất 25% chỉ tiêu của ngành đó để xét tuyển theo các khối thi truyền thống.

Như vậy, để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ.

Xét tuyển theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự nguyện vọng đăng ký

Quy chế quy định trong đợt 1, đối với các trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.

Nhưng đối với từng thí sinh thì xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Ví dụ ngành A lấy điểm chuẩn 20 điểm thì tất cả những thí sinh đã đăng ký vào ngành A có điểm thi từ 20 điểm trở lên dù đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào cũng được xếp vào danh sách trúng tuyển.

Tuy nhiên, khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 3 vào trường X, nguyện vọng 5 vào trường Y, nguyện vọng 6 vào trường Z thì thí sinh này chỉ được báo trúng tuyển vào duy nhất trường X (có nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã trúng tuyển).

Trong đợt xét tuyển chính, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. Khi hệ thống đã xác định được nguyện vọng trúng tuyển này rồi thì lập tức những nguyện vọng còn lại sẽ bị xóa.

Vì thế, theo thứ trưởng Ga, dù năm nay thí sinh được đăng ký nguyện vọng không giới hạn nếu các em không cân nhắc kỹ rất dễ sẽ trúng tuyển vào trường/ngành mà mình không yêu thích.

Năm nay các em có rất nhiều thời gian để cân nhắc, lựa chọn trường/ngành để đăng ký. Sau khi có kết quả thi các em còn được thay đổi nguyện vọng đã đăng ký trong thời gian qui định.

Trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng tuyển thẳng với học sinh THPT chuyên

Theo Quy chế tuyển sinh ĐH 2017, tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy, các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải nếu đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.

 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp