09/02/2018 17:30 GMT+7

Tuyển sinh 2018: đổi cách làm tròn điểm, đầu vào sư phạm khắt khe

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Giảm điểm ưu tiên khu vực, thay đổi cách làm tròn điểm, nâng chuẩn đầu vào sư phạm… là những thay đổi dự kiến sẽ được Bộ GD- ĐT áp dụng trong mùa tuyển sinh 2018.

Tuyển sinh 2018: đổi cách làm tròn điểm, đầu vào sư phạm khắt khe - Ảnh 1.

Học sinh thích thú tham gia thí nghiệm tại gian tư vấn của một trường ĐH trong khuôn khổ Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Thí sinh cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình.

Giảm điểm ưu tiên khu vực

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng, nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy vừa được Bộ GD-ĐT công bố chiều 9-2, khung điểm ưu tiên theo khu vực có sự thay đổi theo hướng giảm. 

Quy định hiện hành áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Tuy nhiên năm 2018, dự kiến mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm, tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10.

Như vậy, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng chỉ là 0,75 điểm, giảm một nửa so với quy định hiện hành.

Còn mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn như cũ là 1,0 điểm.

14,99 điểm sẽ không được làm tròn thành 15 điểm

Sự thay đổi này sẽ tác động không nhỏ đến kết quả tuyển sinh so với cách tính trước đây mà thí sinh đặc biệt cần lưu ý.

Cụ thể, năm 2017, Bộ GD-ĐT quy định điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực.

Còn năm 2018, bộ dự kiến điều chỉnh để điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. 

Như vậy, điểm xét tuyển sẽ được tính rất chi ly so với điểm đạt được thực tế. Trước đây, điểm xét tuyển được làm tròn 0,25. Ví dụ thí sinh đạt từ mức điểm 14,88 đến 15,12 đều được làm tròn thành 15 điểm. 

Tuy nhiên, với việc thay đổi làm tròn đến hai chữ số thập phân thì nếu thí sinh đạt đến 14,99 cũng không được làm tròn thành 15 điểm, mà vẫn giữ nguyên mức 14,99 điểm.

Trường hợp đạt từ 14,991 đến 14,994 sẽ được làm tròn thành 14,99 điểm. Chỉ từ 14,995 đến 14,999 mới được cộng tròn thành 15 điểm. 

Bị tước quyền tuyển sinh nếu không công bố tỉ lệ SV có việc làm

Bộ yêu cầu các trường ngay trong đề án tuyển sinh phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo… 

Đặc biệt, các trường sẽ phải khảo sát và công bố tỉ lệ sinh viên chính quy hai khóa gần nhất có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp (theo khối ngành).

Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định này thì không được thông báo tuyển sinh. 

Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.

Trong trường hợp thay đổi nội dung đề án, trường phải công bố trước ít nhất 10 ngày tính từ ngày đầu tiên thí sinh điều chỉnh nguyện vọng và có trách nhiệm thông báo tới thí sinh có liên quan đến việc thay đổi nội dung đề án của trường.

Trường hợp bị phát hiện kê khai thông tin không đúng với điều kiện thực tế thì bị xử lý vi phạm theo quy định.

Đầu vào sư phạm: Cao

Không giống các ngành đào tạo khác được tự xác định chỉ tiêu và mức điểm chuẩn, các ngành đào tạo sư phạm chịu sự ràng buộc lớn về tiêu chuẩn đầu vào theo những quy định khắt khe của Bộ GD- ĐT.

Dù không còn điểm sàn chung, nhưng riêng ngành đào tạo giáo viên vẫn có điểm sàn riêng do bộquy định.

Đặc biệt, nếu xét tuyển bằng học bạ, bộ yêu cầu ngành đào tạo giáo viên bậc đại học nếu sử dụng ba môn văn hoá để xét tuyển thì điều kiện tối thiểu là thí sinh phải xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên.

Đối với trình độ cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm thì ngưỡng đầu vào được xác định ở mức tương đương nhau. Cả hai trình độ này xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Trong khi đó, các năm trước, ngưỡng đầu vào này dành cho bậc đại học nói chung thấp hơn hẳn, nếu xét học bạ thì chỉ cần điểm trung bình từng môn trong tổ hợp hoặc điểm trung bình chung các môn xét tuyển đạt từ mức 6.0 trở lên.

Được tuyển sinh nhiều lần trong năm

Bộ GD- ĐT cho phép các trường được thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm, đề án tuyển sinh của các đợt phải được công bố trên trang thông tin tuyển sinh của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD- ĐT trước khi thí sinh đăng kí xét tuyển 15 ngày.

Trước các ngày cuối cùng của tháng chẵn, các trường phải cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và danh sách thí sinh nhập học của đợt tuyển sinh lên trang thông tin tuyển sinh của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT.  

Một số quy định bị bãi bỏ

Theo dự thảo, các trường không còn bị giới hạn chỉ tiêu với các ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển mới như các năm trước.

Dự thảo quy chế cũng bãi bỏ quy định "Chỉ có chủ tịch UBND cấp tỉnh mới có quyền ký quyết định giữ lại người đã trúng tuyển, nhưng phải giải thích rõ lý do và căn cứ pháp luật của quyết định đó. Những thí sinh bị địa phương giữ lại không cho đi học có quyền khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo"…

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp