Thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong kỳ tuyển sinh năm 2015 - Ảnh: Như Hùng |
Đó là những nội dung được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chính thức thông tin về chủ trương xét tuyển chung đang gây xôn xao dư luận.
Theo thông tin Tuổi Trẻ nhận được, phần mềm tuyển sinh chung sẽ được bộ tiếp tục nghiên cứu, nhưng việc triển khai xét tuyển chung sẽ dừng, chưa áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh 2016.
Nhiều hệ lụy nếu xét tuyển chung
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nêu ra tám lý do không ủng hộ chủ trương xét tuyển chung:
1- Đi ngược với Luật giáo dục và quy chế tuyển sinh 2016;
2- Không nên thay đổi quá đột ngột gây bức xúc cho dư luận (bài học kinh nghiệm từ kỳ tuyển sinh năm 2015);
3- Không có nhiều thời gian cho sự thay đổi với phần mềm xét tuyển chung;
4- Không thể có phần mềm xét tuyển chung cho tất cả các trường vì mỗi trường có đặc thù riêng và có những thông số phải được lựa chọn bởi hội đồng tuyển sinh chứ không phải là con số cơ học;
5- Chỉ tiêu của một ngành nào theo tổ hợp môn không phải là con số cứng nhắc để phần mềm có thể xác định điểm chuẩn;
6- FPT hoặc Viettel có thể thuê server mạnh của nước ngoài, nhưng với dữ liệu lớn và dung lượng đường truyền hiện nay sẽ không thể tránh khỏi tình trạng nghẽn mạng. Phương án tốt nhất và an tâm nhất vẫn là chia nhỏ dữ liệu, tức giao cho các trường tự xét;
7- Không thể chống ảo vì thí sinh có hai trường để lựa chọn và chỉ biết thí sinh chọn trường nào khi các em nộp giấy báo kết quả;
8- Đa số các trường lớn đều có tổ công nghệ thông tin và phần mềm xét tuyển riêng cho trường của mình. Tuy nhiên, bộ cũng nên làm một phần mềm xét tuyển dạng môđun để trường nào thích thì dùng xét tuyển nếu không tự viết được.
“Vì vậy, tôi hoan nghênh Bộ GD-ĐT đã bỏ chủ trương xét tuyển chung trong năm nay” - ông Dũng nói.
TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho rằng phương án xét tuyển theo quy chế tuyển sinh năm nay đã có những bất cập, dự báo sẽ có những hệ lụy khó lường.
“Việc bộ khống chế thí sinh nộp hồ sơ ở hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng đã can thiệp vào việc tuyển sinh của các trường, tạo ra tình trạng thí sinh ảo. Tôi nghĩ rằng việc bộ tính đưa ra phương án xét tuyển chung là cách để gỡ khó đó, nhưng lại càng can thiệp sâu hơn nữa vào quyền tự chủ của các trường” - ông Quang nói.
TS Nguyễn Kim Quang đề nghị: “Nếu bộ có làm ra phần mềm xét tuyển thì nên để các trường quyền được chọn sử dụng hay không. Bộ cần phổ biến rộng rãi phần mềm này để các trường nếu thấy tin cậy thì sử dụng. Để viết phần mềm xét tuyển không phải khó, nhưng khi gom vào một hệ thống với nhiều tiêu chí thì phần mềm trở nên phức tạp và sẽ xảy ra lỗi.
Trong xét tuyển chung, nếu xảy ra một trường hợp điều chỉnh có thể ảnh hưởng cả hệ thống. Đến thời điểm này, thời gian còn quá ít để thay đổi trong công tác xét tuyển. Theo tôi, bộ nên trả lại quyền tuyển sinh cho các trường”.
Tương tự, PGS.TS Đồng Văn Hướng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho biết trong kỳ tuyển sinh năm ngoái đã xảy ra nhiều sự cố do hệ thống mạng không đảm bảo. Vì vậy trường phải xây dựng phần mềm riêng để xét tuyển, sau đó mới cập nhật thông tin vào hệ thống của bộ. Nếu năm nay bộ xét tuyển chung, nhà trường cũng sẽ làm theo hình thức đó và chỉnh sửa lại phần mềm cho phù hợp.
Tham gia trên tinh thần tự nguyện
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá: một trong những giải pháp được dư luận hoan nghênh trong thời gian qua là tuyển sinh chung theo nhóm trường. Hiện tại, có hai nhóm trường đã hình thành: nhóm GX ở Hà Nội và nhóm ĐH Đà Nẵng.
“Thực chất, đây chỉ là phần mềm lọc ảo để hỗ trợ các trường trong xét tuyển. Kết quả (nếu có) cũng chỉ để tư vấn cho các trường. Việc sử dụng kết quả đó như thế nào là do các trường tự quyết định” - ông Ga khẳng định.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc sử dụng phần mềm này sẽ không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh. Thí sinh vẫn đăng ký xét tuyển như bình thường vào trường như quy chế tuyển sinh đã quy định đối với nhóm, tất cả điều kiện xét tuyển của trường vẫn được tôn trọng.
Theo Bộ GD-ĐT, đến thời điểm hiện nay, tất cả các khâu chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển ĐH, CĐ đã được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Hiện nay, dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh đã gửi về bộ và đang được tổng hợp, phân tích, sau đó sẽ chuyển cơ sở dữ liệu về cho các cụm thi để xếp số báo danh. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi giảm so với năm ngoái.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - đơn vị chủ trì nhóm tuyển sinh của 11 trường ĐH khu vực Hà Nội, cho biết nhóm sẽ khởi động lại việc thực hiện kế hoạch tuyển sinh chung.
Kế hoạch vẫn có nguyên giá trị về mặt pháp lý và khả thi. Khi bộ có chủ trương thực hiện xét tuyển chung cho cả trăm trường ĐH thì nhóm đã quyết định tạm dừng kế hoạch.
Nhưng nay bộ chưa triển khai, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường trong nhóm sẽ có cuộc họp trong tuần tới để thống nhất lại kế hoạch thực hiện tuyển sinh chung theo đề án đã được phê duyệt của nhóm.
Sẽ không thay đổi quy chế nữa! Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Bộ đang bàn các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 diễn ra an toàn, thuận lợi nhất, tránh các bất cập của năm 2015. Sau khi phân tích, dự báo những vướng mắc có thể xảy ra, bộ thấy rằng thí sinh ảo trong các đợt xét tuyển có thể gây ra những khó khăn nhất định. Theo yêu cầu của một số trường, bộ tiếp tục bàn các giải pháp kỹ thuật phù hợp để hỗ trợ xử lý vấn đề này”. Đồng thời, ông Ga cũng khẳng định từ giờ tới khi bắt đầu kỳ thi THPT quốc gia, quy chế tuyển sinh sẽ không có gì thay đổi: “Quy chế tuyển sinh năm nay đã ban hành trên cơ sở rút kinh nghiệm năm 2015, có sự tham khảo ý kiến rộng rãi và đã nhận được sự đồng thuận cao của xã hội. Không có lý do gì để phải sửa đổi quy chế, kể cả khi đa số các trường tự nguyện cùng nhau tham gia xét tuyển chung”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận