Niềm vui của Huỳnh Như (bìa trái) và các đồng đội sau khi đoạt vé vào tứ kết - Ảnh: AFC
Myanmar luôn là đối thủ khó chịu với tuyển nữ Việt Nam. Nhưng lần tái đấu này, mọi thứ càng khó khăn hơn nhiều do nhiều nữ tuyển thủ Việt Nam không có được thể lực tốt nhất sau khi mắc COVID-19.
Tuyết Dung thắp lên hy vọng
Ở trận này, Myanmar thể hiện một lối chơi kỹ thuật thay vì chỉ biết dùng sức như trước kia. Điều này giúp họ kiểm soát bóng nhỉnh hơn (50,3%) và có nhiều pha tấn công nguy hiểm hơn. Phút 16, phản xạ tuyệt vời của thủ môn Kim Thanh đã cứu thua cho tuyển Việt Nam sau cú đánh đầu của Win Theingi Tun.
Phút 28, Myanmar có bàn mở tỉ số trên chấm 11m ở phút 28 nhờ công của Win Theingi Tun sau khi hậu vệ Thanh Nhã phạm lỗi với Myat Noe Khin trong vòng cấm. Bàn thua buộc tuyển Việt Nam phải dồn lên tấn công.
HLV Mai Đức Chung đã có hai sự thay đổi, trong đó có hậu vệ Thanh Nhã, nhằm gia cố hàng thủ và gia tăng khả năng tấn công từ hai biên. Nhưng phải đến phút 45+2, Tuyết Dung mới có thể ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho đội tuyển nữ Việt Nam sau pha đá phạt góc kỹ thuật đưa bóng đi thẳng vào khung thành Myanmar.
Dù đây không phải là lần đầu tiên Tuyết Dung ghi bàn từ chấm phạt góc nhưng là bàn thắng quan trọng trong việc giành vé đi tiếp của tuyển Việt Nam.
Trận đấu khó khăn của tuyển nữ Việt Nam
4 phút sau khi hiệp hai bắt đầu, Myanmar lại một lần nữa vượt lên dẫn trước sau một pha phản công nhanh đẹp mắt. Vượt qua hậu vệ Việt Nam ở biên phải, Win Theingi Tun chuyền vào cho Khin Marlar Tun đệm bóng cận thành nâng tỉ số lên 2-1.
Nhưng bản lĩnh của tuyển nữ Việt Nam đã thể hiện đúng lúc, nhất là khi Myanmar bắt đầu chơi rắn nhằm ngăn cản các pha tấn công của Việt Nam.
Dù vậy, Myanmar cũng không thể ngăn các pha tấn công của tuyển nữ Việt Nam. Phút 64, Mỹ Anh bị phạm lỗi trong vòng cấm. Trên chấm 11m, Huỳnh Như ghi bàn gỡ hòa 2-2. Những phút còn lại, tuyển nữ Việt Nam càng chơi càng hay để giữ tỉ số đến hết trận và giành vé vào tứ kết sau một hành trình đầy "dông bão" ở giải đấu năm nay.
Phát biểu sau trận đấu, tiền vệ Tuyết Dung thừa nhận đây chính là trận đấu khó khăn nhất với toàn đội.
Cô nói: "Từng gặp Myanmar nhiều lần, nhưng so với những trận đấu trước, trận đấu này cực kỳ khó khăn. Myanmar có sự chuẩn bị tốt để hy vọng giành vé đến World Cup. Vì vậy, chúng tôi không làm chủ được thế trận trong hiệp một và nhận bàn thua.
Động viên nhau cố gắng, đẩy lên đá để tìm bàn gỡ, may mắn là tôi đã có bàn thắng từ đá phạt góc. Ngay khi Myanmar vượt lên dẫn trước, chúng tôi vẫn tự tin và đoàn kết để có bàn gỡ hòa 2-2. Thật hạnh phúc khi giành vé vào tứ kết!".
Ở tứ kết, tuyển nữ Việt Nam sẽ gặp Trung Quốc (hạng 19 thế giới) vào ngày 30-1. Dù phải đối đầu với đối thủ rất mạnh, nhưng giấc mơ World Cup 2022 vẫn còn với thầy trò HLV Mai Đức Chung. Nói vậy bởi dù có thua Trung Quốc tuyển Việt Nam vẫn còn trận play-off để hy vọng.
Tuyết Dung rất chịu khó tập đá phạt góc
Hiệp 1, Tuyết Dung ghi bàn gỡ hòa 1-1 từ tình huống đá phạt góc đưa bóng vào thẳng khung thành. Đây là bàn thắng thứ 3 từ tình huống đá phạt góc của Tuyết Dung sau hai bàn thắng bằng cả 2 chân từ chấm phạt góc trong trận Việt Nam thắng Malaysia 7-0 tại Giải Đông Nam Á 2015 trên sân Thống Nhất.
Từng là HLV ở CLB Phong Phú Hà Nam, cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh chia sẻ: "Đó là một quá trình nỗ lực tập luyện của Tuyết Dung. Khi tập các tình huống cố định ở CLB, Tuyết Dung thường được giao đá phạt góc do thuận cả hai chân. Tuyết Dung rất chịu khó tập đá phạt góc, đặc biệt là tập sút thẳng vào khung thành.
Nhiều khi kết thúc buổi tập, Tuyết Dung cũng hay tự tập sút phạt thêm. Đội có 10 quả bóng để tập thì Tuyết Dung để 10 quả ở cột cờ góc bên phải tập sút, xong lại để 10 quả sang cột cờ góc bên trái.
Do khả năng chơi đầu của bóng đá nữ thì hạn chế, nên các pha đá phạt góc thường được đá thẳng vào trong khung thành để tận dụng cơ hội ghi bàn".
B.VY
"Bản lĩnh của các cô gái Việt Nam"
Đây là bình luận về trận hòa 2-2 của tuyển nữ Việt Nam trước Myanmar của cựu tuyển thủ Văn Thị Thanh. Cô phân tích:
"Hiệp một, Myanmar triển khai bóng từ hai biên rất tốt, bình tĩnh phối hợp vào vòng 16,50m. Có thể thấy kỹ thuật của các cầu thủ Myanmar tốt hơn. Họ không chỉ biết dùng sức mà còn dùng kỹ thuật để chơi bóng.
Nhưng sau khi HLV Mai Đức Chung có hai sự thay đổi người ở phút 33 (Bích Thùy thay Thanh Nhã) và 38 (Thái Thị Thảo thay Dương Thị Vân), tuyển nữ Việt Nam đã chơi ổn hơn.
Đá lúc 13h30 (giờ Ấn Độ) là một thiệt thòi với tuyển nữ VN vì cả hai trận gặp Hàn Quốc và Nhật Bản trước đó đều diễn ra ở khung giờ 19h30. Ngoài ra việc nhiều tuyển thủ dính COVID-19 khiến thể lực của họ bị suy giảm nhiều. Vì vậy, nỗ lực của đội trong hiệp 1 rất đáng được ghi nhận.
Hiệp hai, tuyển nữ Việt Nam đã cầm được bóng. Và bàn thắng gỡ hòa 2-2 từ chấm 11m của Huỳnh Như đến từ một tình huống phối hợp có ý đồ tốt của đội. Càng về cuối trận, đội càng chơi tốt và nhịp nhàng. Có thể thấy, bản lĩnh đã giúp Việt Nam vượt qua sức trẻ của Myanmar.
BẢO VY ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận