Thông tin trên được ông Dương Hữu Hòa, giám đốc Ban quản lý dự án 1 thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư dự án), cho biết tại buổi họp báo tổ chức hôm qua nhằm thông tin tiến độ thực hiện các dự án metro ở TP.HCM.
“Công việc đào đất diễn ra cả ngày và đêm, một ngày đào được hơn 500m3 đất |
Kỹ sư LÊ THANH LÊ nói về việc đào đất thi công sàn B1, nhà ga ngầm tuyến metro số 1 |
Hối hả thi công
Ghi nhận thực tế tại công trường thi công nhà ga ngầm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở Nhà hát TP, bên trong rào chắn công trình cao ngút, kín mít là sự tấp nập, hối hả của tất cả bộ phận thi công công trình: công nhân, kỹ sư, giám sát... Mọi hoạt động gấp rút để đẩy nhanh tiến độ thi công những ngày cận kề cuối năm.
Kỹ sư Lê Thanh Lê - chỉ huy trưởng công trình - cho biết: “Hết tháng 12 này sẽ làm xong toàn bộ sàn mái, một phần sàn B1 nhà ga”. Theo anh Lê, sàn B1 là sàn đầu tiên của tầng trên cùng nhà ga. Tầng này sâu 8m tính từ mặt đất xuống. Theo thiết kế, nhà ga có độ sâu 40m, dài 190m, gồm 4 tầng trong lòng đất, ngay dưới Nhà hát TP.
Từ lỗ mở công trình, đi qua rất nhiều bậc cầu thang bằng sắt thông xuống lòng đất, ngay vị trí dưới đường Nguyễn Huệ (Q.1), nhóm công nhân đang đào đất thi công sàn B1.
Những xe cuốc liên tục di chuyển, vươn cánh tay cẩu ngoạm từng khối đất lớn đổ lên thùng xe ben. Đất được gom lại để sau đó đưa lên mặt đất bằng xe cẩu.
Theo những kỹ sư ở đây, tất cả máy móc như xe cuốc, xe cẩu, xe ben đều được cẩu xuống lòng đất sau khi đã đào được một khoảng không gian.
Chỉ huy trưởng Lê Thanh Lê cho biết công nhân đào đất thi công sàn B1 chia ra thành nhiều tốp: một tốp ở vị trí dưới lòng đường Nguyễn Huệ, một tốp dưới lòng đường Pasteur, sau đó sẽ thông với nhau. Công việc đào đất diễn ra cả ngày và đêm, một ngày đào được hơn 500m3 đất.
Theo ông Nguyễn Quang Ngại - trưởng bộ phận an toàn, từ ngày 26 đến 28-12 sẽ đổ một lượng lớn 1.400m3 bêtông cho sàn B1 (bình thường đổ 400 - 800m3 bêtông trong khoảng thời gian từ 8g tối đến 10g sáng hôm sau và huy động nhiều công nhân).
Làm việc trong lòng đất, số lượng công nhân lớn nên sự an toàn rất quan trọng. Nhân viên bộ phận an toàn liên tục cầm máy đo, kiểm tra điều kiện khí. “Cứ một tiếng chúng tôi kiểm tra một lần khí độc CH4, CO2, H2S có xuất hiện không, hàm lượng oxy có thiếu không” - ông Ngại cho biết.
Tuyến metro số 1 đang đi vào thi công lắp đặt những dầm cầu trên cao. Cùng đó, những nhà ga ngầm, nhà ga trên cao được thi công gấp rút. Trong đó nhà ga Thảo Điền có tiến độ thi công nhanh nhất. Đến nay, nhà ga với thiết kế hai tầng đã hoàn thành “khung” và đang hoàn thiện những công đoạn nhỏ khác...
Bảo đảm kịp tiến độ
Thông tin tại cuộc họp báo nói trên cho biết đến nay công trình đang triển khai thi công 10 trong tổng số 11 nhà ga trên cao, chưa xây dựng nhà ga ở bến xe Suối Tiên mới.
Việc sử dụng công nghệ hiện đại như tổ chức nhà máy đúc dầm sẵn tại Q.9, sau đó vận chuyển đưa về công trường đã đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường, ùn ứ giao thông ở khu vực công trường.
Đến nay, nhà máy đúc dầm đặt tại Q.9 đã đúc được 1.261/4.563 đốt đầm, trong đó mỗi đốt dầm hình chữ U có khối lượng 42 tấn. Đồng thời liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) - Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6) đã sử dụng cùng lúc ba giàn máy di động (còn gọi là hệ đà giáo di động) lần đầu tiên thi công tại VN là công nghệ hiện đại lắp các đốt dầm đúc sẵn ghép thành nhịp cầu.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, trên nhịp dầm cầu sẽ lắp hai đường ray cho metro đi và về TP. Nhịp dầm cầu được thiết kế hình chữ U để giảm tối đa tiếng ồn khi metro chạy. Đến nay công trình đã lắp xong 75 nhịp dầm cầu (mỗi nhịp dài 35m) tạo nên hình hài tuyến metro tương lai của TP đang lớn dần trên xa lộ Hà Nội.
Trả lời câu hỏi liệu có thể đưa đoạn tuyến metro trên cao từ nhà ga Ba Son đến ga Suối Tiên vào hoạt động trước năm 2020, ông Hoàng Như Cương - phó trưởng ban kiêm phụ trách Ban quản lý đường sắt đô thị TP - cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, cần sớm đưa đoạn tuyến metro trên cao nói trên vào hoạt động trước, vì đoạn metro đi ngầm từ ga Bến Thành đến ga Ba Son hoàn thành sau. Dự kiến đến năm 2018 sẽ làm xong trước đoạn trên cao và có thể đưa vào khai thác vào năm 2019...
Theo ông Hoàng Như Cương, mới đây UBND TP công bố quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM. Đây là công ty 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.
Đơn vị này có nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai quản lý vận hành và bảo dưỡng dự án đường sắt đô thị; quản lý vận hành khai thác đường sắt đô thị... Đây là công việc mà các quốc gia xây dựng metro phải làm để chuẩn bị nhân lực trước ba năm khi đưa tuyến metro vào hoạt động. Trong thời gian này, các nhà thầu sẽ chuyển giao công nghệ về vận hành, bảo dưỡng thiết bị, đầu máy, toa xe...
Dự kiến công ty này sẽ đào tạo khoảng 400 kỹ sư, công nhân cho các khâu trên. Trong đó, các kỹ sư vận hành đầu máy, toa xe sẽ được đào tạo ở nước ngoài.
Bao giờ tháo dỡ hàng rào trên đường Lê Lợi? Nhiều người dân thắc mắc công trình xây dựng nhà ga Nhà hát TP đã rào chắn đường Lê Lợi (Q.1) quá lâu mà chưa biết đến bao giờ mới tháo dỡ. Trả lời thắc mắc này, ông Dương Hữu Hòa cho biết với tiến độ hiện nay, dự kiến cuối tháng 12 sẽ thu hẹp hàng rào ở hai bên đường Lê Lợi để xe máy lưu thông. Sau đó, đến tháng 6-2016 tiếp tục thu hẹp một số vị trí. Đến cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017 sẽ trả lại mặt đường cho xe lưu thông ở hai bên đường Lê Lợi. Riêng đoạn giữa đường Lê Lợi vẫn tiếp tục rào chắn đến năm 2019 vì cần bố trí thiết bị thi công nhà ga 4 tầng ngầm dưới lòng đất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận