08/02/2023 09:44 GMT+7

Tuyển giáo viên mãi chưa... về đích

Thống kê mới nhất của Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cho thấy hiện thành phố còn thiếu 4.468 giáo viên. Thế nhưng đến nay việc tuyển dụng giáo viên nhiều môn học chưa đạt 20% so với nhu cầu.

Tuyển giáo viên mãi chưa... về đích - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Kim Đồng, Q.5, TP.HCM trong giờ học môn tin học - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong đó, khó khăn nhất là tuyển dụng giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, tiếng Anh, công nghệ.

Có môn chỉ tuyển được... 1 giáo viên

Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cho biết năm học 2022-2023 thành phố có nhu cầu tuyển dụng 5.849 giáo viên. Cụ thể, mầm non tuyển dụng 1.069 giáo viên, tiểu học tuyển dụng 2.571 giáo viên, THCS tuyển dụng 2.123 giáo viên và chuyên biệt tuyển dụng 86 giáo viên.

Tuy nhiên, tính đến ngày 1-12-2022 các đơn vị mới tuyển được 1.381 người. Như vậy, TP.HCM còn thiếu 4.468 giáo viên. Trong đó, ở môn mỹ thuật, TP tuyển dụng 360 giáo viên song hiện mới chỉ tuyển được 10 giáo viên (bậc tiểu học chỉ tuyển được 1 người, bậc THCS tuyển được 9 người).

Với môn âm nhạc, nhu cầu tuyển dụng là 346 giáo viên song mới tuyển được 13 giáo viên. Đối với môn tin học, TP tuyển dụng 498 giáo viên, mới chỉ tuyển được 23 giáo viên. Ở môn tiếng Anh, theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM, bậc THCS đã tuyển đủ giáo viên, hiện chỉ có bậc tiểu học có nhu cầu tuyển dụng 513 giáo viên nhưng mới chỉ tuyển được 76 người.

Ngoài ra, TP tuyển dụng 169 giáo viên môn công nghệ bậc THCS nhưng hiện mới tuyển được... 2 người. Theo số liệu Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM công bố đầu năm học, tổng số giáo viên các cấp của thành phố năm học 2022-2023 là 78.486.

Không có nguồn để tuyển

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng phòng giáo dục - đào tạo một quận vùng ven TP.HCM thông tin: "Cái khó nhất của các trường hiện nay là không có nguồn để tuyển dụng, nhất là giáo viên âm nhạc và mỹ thuật".

Thừa nhận tình trạng trên, ông Tống Phước Lộc - trưởng phòng tổ chức - cán bộ, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM - phân tích:

Thật ra, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tương ứng với bộ môn thiếu giáo viên của ngành giáo dục thì rất nhiều. Tuy nhiên, họ lại chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nên không đủ điều kiện để đăng ký dự tuyển.

Một số trường hợp thì đang theo học khóa đào tạo về chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục - Đào tạo, thời gian đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là một năm - PV).

Ông Tống Phước Lộc cho biết thêm: "Để không bị ảnh hưởng dạy học, hiện các trường phải sắp xếp, phân công giáo viên của trường dạy thêm giờ và tính lương làm thêm theo quy định cho các giáo viên này.

Có trường thì thỉnh giảng và hợp đồng lao động ngắn hạn. Song song đó, các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện tuyển dụng bằng nhiều phương pháp: nếu nguồn tuyển dồi dào thì tổ chức thi tuyển, nếu nguồn tuyển quá hiếm hoi thì chỉ xét tuyển".

Tuyển giáo viên mãi chưa... về đích - Ảnh 2.
Tuyển giáo viên mãi chưa... về đích - Ảnh 3.

Thực hiện nhiều giải pháp

Ngoài ra, ông Tống Phước Lộc cũng cho hay Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM đã và đang thực hiện một số giải pháp để tuyển giáo viên như: tham gia báo cáo các chuyên đề liên quan đến công tác tuyển dụng tại các trường đại học để lan tỏa nhu cầu tuyển dụng hằng năm của ngành giáo dục - đào tạo TP; ký kết đào tạo, bồi dưỡng với Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để các trường này có cơ sở thông báo cho các thí sinh trúng tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên đăng ký theo đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng; xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực của lần lượt từng cấp học nói chung và đối với các vị trí giáo viên những bộ môn thiếu nguồn tuyển dụng nói riêng.

Ngoài ra, từ cuối tháng 11-2022, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TP.HCM thực hiện thí điểm mô hình lớp học ảo tại Trường tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi).

Hai trường này hiện không có giáo viên tiếng Anh và tin học. Điều kiện cơ sở vật chất và địa thế của hai trường này cũng rất khó khăn, kinh phí hạn hẹp nên chưa mời được giáo viên hợp đồng. Lớp học ảo giúp học sinh lớp 3 của hai trường trên được học với các giáo viên trường khác của TP.HCM để học sinh theo kịp chương trình.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM - chia sẻ rằng hình thức lớp học ảo mới chỉ là thí điểm trong điều kiện thiếu giáo viên.

Hiện tại, giáo viên dạy lớp học ảo là những người nằm trong đội ngũ giáo viên cốt cán của sở. Tuy giáo viên đứng lớp dạy từ xa nhưng tại các lớp vẫn phải có giáo viên trợ giảng để hỗ trợ học sinh học tập.

"Lớp học ảo chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, các trường vẫn phải tiếp tục nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất và tuyển dụng giáo viên" - ông Nguyễn Bảo Quốc nói.

Tuyển đã khó, giữ chân còn khó hơn

"Đầu năm học 2022-2023, trường tôi có tuyển được một giáo viên môn mỹ thuật. Qua dự giờ, thăm lớp tôi thấy cô khá tâm lý và yêu trẻ, học sinh cũng rất quý cô... Vậy mà đợt rồi cô nhất quyết xin nghỉ, không đi dạy nữa. Lý do không phải vì lương thấp.

Cô nói chấp nhận thu nhập khiêm tốn để được làm việc với trẻ con. Gặng hỏi mãi cô mới thú thật là cô quá ngán với việc làm hồ sơ, sổ sách. Theo quy định giáo viên tiểu học phải dạy 23 tiết/tuần tương đương với 23 lớp.

Cô tâm sự lúc dạy thì không vấn đề gì nhưng cuối học kỳ làm nhận xét (môn mỹ thuật đánh giá học sinh bằng nhận xét - PV) cho gần 1.000 học sinh, cô thấy quá mệt mỏi" - hiệu trưởng một trường tiểu học nổi tiếng ở nội thành TP.HCM cho hay.

Trường tiểu học TP.HCM tuyển giáo viên nhưng khan hiếm người ứng tuyểnTrường tiểu học TP.HCM tuyển giáo viên nhưng khan hiếm người ứng tuyển

TTO - Tình trạng đó xảy ra tại một số trường tiểu học ở TP.HCM. Phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức đang lo khi tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng trong bối cảnh không ít vị trí như giáo viên nghệ thuật, tin học, tiếng Anh… nghỉ việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp