19/03/2019 09:08 GMT+7

Tuyển giáo viên giỏi viết sách

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, giám đốc Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông - Bộ GD-ĐT, khẳng định như vậy với Tuổi Trẻ khi trao đổi về kế hoạch biên soạn bộ sách giáo khoa do Bộ GD-ĐT chủ trì.

Tuyển giáo viên giỏi viết sách - Ảnh 1.

Học sinh tại TP.HCM tìm mua sách. Theo Bộ GD-ĐT, sắp tới dù có thể có nhiều bộ SGK nhưng các bộ sách đảm bảo chất lượng sau khi thẩm định thì đều được phép lưu hành - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nếu mời được những người có kinh nghiệm, uy tín, tâm huyết, sẽ bố trí họ ở vị trí chủ biên của môn học trong từng cấp học. Nhưng chúng tôi cũng cần huy động các tác giả trẻ hơn, có tư tưởng cấp tiến, gắn bó với đời sống giáo dục phổ thông.

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH

Nỗi lo "nguồn nhân lực viết (SGK) khan hiếm" khi nhiều nhóm biên soạn SGK đã ký hợp đồng với nhiều tác giả, chuyên gia có uy tín được PGS.TS Nguyễn Xuân Thành giải tỏa: thiếu nguồn nhân lực viết SGK chỉ là suy đoán, vì nguồn nhân lực có khả năng viết SGK không chỉ có vài trăm người.

Việc mời tác giả viết bộ SGK, ngoài việc đảm bảo các tiêu chí như quy định, Bộ GD-ĐT sẽ không chỉ hướng đến việc mời các tác giả có trình độ đào tạo cao, có uy tín, kinh nghiệm viết SGK, mà sẽ mời những tác giả có khả năng tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, có khả năng ngoại ngữ tốt để tiếp cận các nguồn tài liệu.

Ngoài ra, bộ sẽ mời các tác giả là giáo viên phổ thông giỏi.

Chương trình giáo dục phổ thông mới là chương trình mở, chú trọng đến việc tổ chức dạy học, phương pháp dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học nên những người có tư tưởng tiến bộ, những người đang trực tiếp dạy học có thực tiễn, kinh nghiệm thực hành rất quan trọng trong việc tham gia viết sách.

Tuyển giáo viên giỏi viết sách - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

* Bộ GD-ĐT từng dự kiến giao cho một đơn vị có kinh nghiệm biên soạn SGK thực hiện bộ sách này, nhưng bây giờ lại thay đổi, vì sao?

- Bộ GD-ĐT quyết định sẽ trực tiếp chọn chủ biên, chọn tác giả thì sẽ sát với tiêu chí đặt ra của bộ sách, chắc chắn thành công. Dĩ nhiên sẽ vất vả hơn là giao trọn gói cho một đơn vị khác.

* Việc chọn tác giả tiến hành như thế nào? Khi nào thì triển khai, thưa ông?

- Trong tháng 3-2019 chúng tôi sẽ tiến hành mời và tuyển chọn các chủ biên, tác giả dựa trên danh sách được giới thiệu. Việc tuyển chọn sẽ theo nguyên tắc cứ ba ứng cử viên chọn lấy một để đáp ứng các yêu cầu biên soạn. Việc này cũng có sự tham vấn của Ngân hàng Thế giới.

* Yêu cầu chung đối với các chủ biên, tác giả là gì?

- Chúng tôi yêu cầu các tác giả tham gia phải làm việc toàn thời gian, không kiêm nhiệm công việc khác.

Sau khi tuyển chọn xong, chúng tôi sẽ tổ chức tập huấn cho các tác giả với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức trại viết tập trung để thuận tiện cho việc nghiên cứu, viết và thảo luận, trao đổi, góp ý.

Bám sát các khung kiến thức

* Có nhiều ý kiến cho rằng để đảm bảo tiến độ, Bộ GD-ĐT nên chọn một trong những bộ SGK, hoặc một số cuốn SGK của các nhóm, đơn vị đã có sẵn sách sẽ an toàn. Quan điểm của ông trong việc này?

- Làm thế sẽ đỡ vất vả, nhưng không chắc chắn được việc đảm bảo những yêu cầu đối với bộ SGK của bộ.

Trên thực tế, nhiều nhóm, đơn vị làm SGK dựa trên dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới để chuẩn bị trước về nhân lực tham gia và hướng tư duy, thậm chí chuẩn bị trước nội dung. Vì thế, ở thời điểm này, họ đã có bản thảo.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc triển khai viết SGK chỉ thực hiện khi chương trình được phê duyệt chính thức. Trong đó, khung kiến thức được xây dựng bài bản, xuyên suốt các cấp học.

Có những khung kiến thức không nằm trong môn học độc lập mà lồng ghép vào nhiều môn học rải rác từ lớp 1-12 theo trình tự được thiết kế. Vì thế khi triển khai việc này phải được thống nhất.

* Về hình thức, bộ SGK của bộ có gì khác biệt so với bộ SGK hiện hành?

- Cơ bản sẽ tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Với quan điểm SGK là tài liệu hỗ trợ hoạt động học, sách sẽ có kênh chữ và kênh hình kèm theo các lệnh để học sinh khai thác kiến thức trên kênh chữ, kênh hình, từ đó phát triển năng lực (đọc hiểu, phát hiện, giải quyết vấn đề).

Việc này sẽ khác với quan niệm xem SGK là nơi cung cấp kiến thức. Ở thời điểm hiện tại thì tôi chỉ có thể chia sẻ, bộ sách sẽ biên soạn làm sao để chi phí không quá cao nhưng cũng không vì rẻ mà bỏ qua các yêu cầu khác.

Ví dụ như chúng tôi sẽ phải tính toán cả đến việc sử dụng giấy mực như thế nào để không có các chất gây hại cho sức khỏe học sinh, giấy đủ độ sáng để không ảnh hưởng đến thị lực học sinh... Tất cả đều phải tính toán đến hết.

Nhiều bộ SGK, thị phần quy định tính vùng miền?

* Có những lo ngại các đơn vị biên soạn SGK sẽ chỉ nhắm đến các vùng đông dân cư và điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; những nơi khó khăn, học sinh, các trường sẽ thiệt thòi khi ít lựa chọn. Ông có suy nghĩ gì về việc này?

- Lõi chung của tất cả các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác nhau là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá bám sát nội dung, yêu cầu của chương trình. Cái khác biệt của mỗi cuốn SGK cùng môn học do các nhóm tác giả khác nhau biên soạn là đối tượng chuyển tải kiến thức.

Ví dụ, cùng đề cập đến quá trình tăng trưởng của cây, nhưng có sách đưa cây này, có sách đưa cây khác. Dĩ nhiên, muốn cho cuốn sách phù hợp với học sinh ở các vùng miền trên cả nước thì cần lựa chọn chất liệu đa dạng. Bộ SGK của Bộ GD-ĐT sẽ phải chú ý hết những vấn đề này.

Một trong những yêu cầu về chống định kiến về giới, về dân tộc thiểu số cũng là đưa các chất liệu vào sách phải đa dạng, cân đối phù hợp với mọi đối tượng học sinh.

* Có ý kiến cho rằng không nên để các sở GD-ĐT biên soạn SGK, vì như thế các nhà trường chịu sự quản lý của sở GD-ĐT sẽ buộc phải chọn sách của sở mà không thể chọn bộ sách khác...

- Theo thông tư 33 ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK, tổ chức hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK - không có điều nào cấm sở GD-ĐT biên soạn SGK. Nhưng các sở GD-ĐT sẽ phải chịu ràng buộc bởi những quy định khác.

Nếu trong quy trình biên soạn SGK, các sở GD-ĐT phải thực hiện những việc trái với quy định về quyền hạn thì họ sẽ gặp khó khăn và không thể tiến hành được. Còn theo quy định của Bộ GD-ĐT, các bộ sách đảm bảo chất lượng sau khi thẩm định thì đều được phép lưu hành.

Dán lại giá với sách đã in tăng giá

Theo lãnh đạo NXB Giáo Dục VN, để xử lý số SGK đã in theo giá mới (tăng giá) trong khi Bộ GD-ĐT yêu cầu tạm thời chưa tăng giá trong năm học 2019-2020, NXB Giáo Dục VN quyết định dán lại giá cũ trên các cuốn SGK đã in giá mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện NXB Giáo Dục VN cho biết do đã được sự đồng ý, thông qua phương án điều chỉnh tăng giá SGK của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Ban chỉ đạo điều hành giá quốc gia, NXB Giáo Dục VN đã thực hiện và hoàn thành việc kê khai giá SGK với Bộ Tài chính theo quy định.

Trên cơ sở đó, để kịp phục vụ năm học, NXB đã phải in SGK theo giá mới. Nhưng ngày 6-3, Bộ GD-ĐT chỉ đạo tạm dừng việc điều chỉnh giá. Do đó, NXB Giáo Dục VN phải huy động công nhân các nhà in, cán bộ công nhân viên của NXB ở các bộ phận khác nhau hỗ trợ việc dán lại giá cũ đè lên giá mới đã in ở bìa 4.

Đại diện NXB Giáo Dục VN cho biết công việc này ước tính kéo dài khoảng 1-2 tháng. Ngoài việc phát sinh chi phí, gia tăng thêm khó khăn thì việc điều chỉnh này sẽ có nguy cơ SGK không kịp nhập kho đáp ứng nhu cầu phát hành phục vụ năm học mới.

TTO - Nội dung dự thảo mới nhất Luật Giáo dục (sửa đổi) trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 12-3 đã có quy định nêu trên, sau một thời gian tranh luận việc có hay không nhiều bộ sách giáo khoa.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp