Chưa bao giờ dư luận lại bức xúc vì nạn “chặt chém” du khách trong mùa cao điểm như hiện nay. Từ người bán hàng rong (trái dừa 100.000 - 200.000 đồng) đến người chạy xe ôm (cuốc xe gần triệu bạc), từ xích lô (mấy triệu bạc cho 20 phút ngồi xe) cho tới chủ quán ăn, nhà hàng (“ảo thuật” cua lớn - nhỏ, sống - chết...).
Tất cả giăng bẫy du khách như “thập diện mai phục” chỉ nhằm mục đích duy nhất là thỏa mãn lòng tham vô đáy của mình.
Có người chép miệng: “Sao du lịch giờ nhiễu nhương thế?”. Xin thưa: “Nhiễu nhương lâu rồi nhưng không xử lý rốt ráo được”.
Gần đây, khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lên tiếng thừa nhận sáu nỗi sợ hãi của du khách khi đến Việt Nam, nhiều người “giả bộ” giật mình. Còn doanh nghiệp du lịch thì vui mừng. Khi Chính phủ thừa nhận vấn nạn, ắt sẽ có kế hoạch và biện pháp chấn chỉnh. Du khách cũng tin tưởng hơn, chịu khó phản ảnh các trường hợp “chặt chém”.
Những trường hợp báo chí nêu chỉ là phần rất nhỏ của tảng băng vấn nạn. Bởi phần lớn du khách không muốn dây dưa, sợ liên lụy, trả thù và không tin vào tính nghiêm minh của luật pháp.
Trong sáu nỗi sợ hãi của du khách khi đến Việt Nam, chúng ta không thể dàn hàng ngang giải quyết cùng lúc. Phải chọn cái nào bức xúc nhất và giải quyết dứt điểm từng phần một. Đã đến lúc cả xã hội phải tuyên chiến với nạn “chặt chém” vì càng chần chừ càng đồng nghĩa với tự giết mình.
Đó là những hành vi làm xấu hình ảnh của các địa phương và cả đất nước, cực kỳ nguy hại, không thể chấp nhận. Những vấn nạn này lâu nay chỉ nổi cộm ở một số địa phương, vùng du lịch và đang có nguy cơ lây lan sang nhiều tỉnh khác. Không thể nói người dân những vùng đó xấu hơn các vùng khác. Chỉ có thể kết luận “chính quyền tại chỗ lơ là quản lý và thiếu kiên quyết”.
Giải quyết nạn “chặt chém” không khó như nhiều người nghĩ. Chỉ cần mấy biện pháp giản đơn và từ 3 - 4 tháng là dứt điểm.
Thứ nhất, tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần số tiền “chặt chém” và rút giấy phép kinh doanh, nếu cần thì cấm hành nghề vĩnh viễn.
Thứ hai, địa phương nào để xảy ra vấn nạn, lần đầu cảnh cáo chủ tịch và trưởng công an, lần hai hạ bậc lương, lần ba cách chức.
Thứ ba, buộc mọi người buôn bán niêm yết giá, cam kết chất lượng.
Thứ tư, lập đường dây nóng giải quyết vấn nạn tới nơi tới chốn.
Thứ năm, khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ du khách cũng như người dân đấu tranh triệt để với các vấn nạn. Không cần lập ban bệ, cứ theo chức trách mà làm.
Kế hoạch phải cụ thể từng tuần để sau ba tháng là dứt điểm vĩnh viễn. Làm được vậy sẽ tạo niềm tin cho xã hội, động viên mọi người tích cực giải quyết các vấn nạn khác.
Đó cũng là cách PR hiệu quả và thiết thực nhất cho ngành du lịch, là ISO về tính cầu thị, lắng nghe và năng lực quản lý của chính quyền sở tại. Không còn đường lùi hoặc xuê xoa nhân nhượng.
Dứt điểm hoặc tự "chết" dần mòn. Vì vậy, không còn sự lựa chọn nào khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận