Đó là nội dung được đưa ra trong Tuyên bố chung - Tuyên bố Vientiane được trưởng đoàn các nước thống nhất thông qua tại Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ tư được tổ chức ở Vientiane (Lào) ngày 5-4.
Tuyên bố chung được Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone công bố tại hội nghị, đã tái khẳng định cam kết chính trị cao nhất của lãnh đạo các nước về việc tiếp tục thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và vai trò của ủy hội là một kênh ngoại giao quan trọng, là trung tâm về tri thức để nhằm đạt được tầm nhìn chung về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng xã hội và lành mạnh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hành động ưu tiên giúp người dân ứng phó
Tuyên bố nhìn nhận các cơ hội cho sự phát triển bền vững ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến nước.
Việc sử dụng nước sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng, nhưng cũng có thể có những tác động tiêu cực mà các bên cần hợp tác để cùng nhau giải quyết.
Đặc biệt là vấn đề môi trường, những cộng đồng dễ bị tổn thương đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
Theo đó, tuyên bố đưa ra các hành động ưu tiên bao gồm, thông qua quy hoạch vùng chủ động hơn, thích ứng hơn trên cơ sở đầu tư chung các dự án mang tầm quốc gia, có giải pháp toàn diện ứng phó biến đổi khí hậu.
Hỗ trợ cộng đồng thích ứng với các thay đổi của dòng sông, đảm bảo thông báo, thông tin liên lạc kịp thời về tình hình lưu vực, chia sẻ các dữ liệu vận hành nguồn nước, thông tin lũ, hạn hán, chất lượng nước, dòng chảy, các vấn đề khác liên quan tới nước…
Đồng thời, các bên ủng hộ sử dụng công nghệ mới - là yếu tố mang tính quyết định cho phát triển. Đảm bảo việc tham vấn hiệu quả các bên liên quan, tăng cường quản lý toàn lưu vực sông. Tận dụng cơ chế huy động tài chính công - tư, làm cơ sở cho ủy hội có sự chuyển đổi bền vững và tự tài trợ vào năm 2030.
Tuyên bố chung chỉ ra con đường phía trước là tiếp tục cam kết mạnh mẽ trong các nỗ lực chung để nâng cao vai trò của MRC, hoan nghênh việc thay đổi chiến lược, lập quy hoạch chủ động, quản lý hoạt động nhịp nhàng hơn, đảm bảo nguyên tắc “Một Mekong, một tinh thần chung”.
Với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”, trong các bài phát biểu trước đó, các nhà lãnh đạo các nước bày tỏ ủng hộ vai trò của ủy hội là diễn đàn hợp tác hàng đầu về nước trong khu vực.
Đặc biệt là việc xây dựng các dự án chung, tăng cường chia sẻ dữ liệu, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ người dân và cộng đồng trước những biến động của dòng sông.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu vấn đề cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mekong 1995, Bộ quy chế sử dụng nước.
Mọi chính sách hành động cần lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm sinh kế bền vững của người dân. Tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng. Tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong.
Tăng cường sự phối kết hợp giữa ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác.
Phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn. Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Hợp tác giao thông thủy, giao thương, vận tải an toàn, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái. Tăng cường hợp tác đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận