Sơ đồ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia trong đồ họa của New York Times ngày 5-3. Khu vực được đánh dấu bằng hình chữ nhật màu đỏ là nơi xảy ra đám cháy rạng sáng 4-3. Các lò phản ứng nằm ở phía trên cùng của ảnh
Trong tuyên bố chung phát rạng sáng 5-3 trên đồng thời các website Bộ Ngoại giao của mình, các nước G7 quy trách nhiệm các diễn biến hiện nay ở Ukraine là do Nga và Belarus.
"Chúng tôi kêu gọi Nga dừng các cuộc tấn công của mình, đặc biệt là ở khu vực lân cận trực tiếp với các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine.
Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào hay đe dọa chống lại các cơ sở hạt nhân vì mục đích hòa bình đều là vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế", nhóm G7 nêu yêu cầu.
G7 là một nhóm các nước công nghiệp phát triển gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Nga từng là một thành viên của nhóm này (khi đó được gọi là G8) nhưng bị khai trừ sau khi sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014.
Các ngoại trưởng G7 đã có mặt tại Brussels (Bỉ) nhân cuộc họp các thành viên khối NATO về tình hình chiến sự tại Ukraine hiện nay.
Ngay trong ngày NATO nhóm họp, từ sáng đã xảy ra việc Zaporizhzhia - nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu và lớn thứ 9 thế giới đặt tại Ukraine, bị trúng đạn pháo cháy một tòa nhà và sau đó bị quân Nga chiếm giữ.
Các quan chức Nga phủ nhận việc pháo kích vào nhà máy Zaporizhzhia và cáo buộc một nhóm phá hoại Ukraine đã tấn công trước. Theo phía Nga, chính nhóm này đã phóng hỏa một tòa nhà 5 tầng tại nhà máy Zaporizhzhia.
Hiện Nga đang kiểm soát nhà máy Zaporizhzhia và trước đó là khu vực nhà máy Chernobyl đã ngừng hoạt động. Phía Mỹ cáo buộc Nga đang nhắm tới nhà máy điện hạt nhân lớn thứ hai của Ukraine và chỉ còn cách nơi này hơn 30km.
Trong tuyên bố ngày 4-3, các bộ trưởng G7 cho biết họ ủng hộ đề nghị của ông Rafael Grossi, tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), về việc sẽ tới Ukraine để đàm phán với Ukraine và Nga để đảm bảo an toàn cho các địa điểm hạt nhân.
Trước tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi nhanh chóng, các bộ trưởng G7 cũng hoan nghênh việc Kiev và Matxcơva công bố thỏa thuận lập hành lang nhân đạo cho những người chạy trốn chiến sự.
Theo nhóm G7, các hành lang nhân đạo này cần được thiết lập "đáng tin cậy và nhanh chóng". "Chúng tôi nhấn mạnh lại là các cuộc tấn công bừa bãi bị luật nhân đạo quốc tế nghiêm cấm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận