Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son - Ảnh: NAM TRẦN
Trong phần tuyên án, bị cáo Phạm Nhật Vũ (cựu chủ tịch AVG) được tòa cho phép vắng mặt do đang điều trị tại bệnh viện.
HĐXX nhận định tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội. Căn cứ lời khai tại phiên tòa, đủ cơ sở kết luận các bị cáo phạm tội như sau: Năm 2015, Tổng công ty Viễn thông Mobifone thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỉ đồng.
Bộ Thông tin - truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Mobifone có trách nhiệm chỉ đạo Mobifone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính Phủ.
“Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau… đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, thẩm định giá”, bản án nhận định.
HĐXX nhận định hành vi phạm tội của ông Nguyễn Bắc Son - Video: THÂN HOÀNG
Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước với tổng số tiền thiệt hại hơn 6.500 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, Phạm Nhật Vũ, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải còn có hành vi đưa và nhận hối lộ.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son có mối quan hệ, định hướng Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Bị cáo Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư.
Ông Son nhận thức dự án phải thực hiện theo quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng, Bộ Thông tin và truyền thông không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án nhưng vẫn chỉ đạo Phạm Đình Trọng thành lập tổ thẩm định; tổ chức họp với Mobifone và AVG ngày để thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là 8.900 tỉ đồng.
“Mặc dù, thủ tướng chính phủ mới có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án chưa được thẩm định, đánh giá tổng thể về các điều kiện, thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG nhưng ông Son vẫn chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone; chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà ký các thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG ngay trong năm 2015”, bản án nhấn mạnh.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son chỉ đạo quyết liệt các bị cáo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng và các bị can khác làm trái quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại tài sản của nhà nước.
Kết quả cuộc họp ngày 2-10-2015 do bị cáo Phạm Đình Trọng chủ trì có sự tham lãnh đạo Mobifone và đại diện AVG thống nhất giá mua 8.900 tỉ đồng, tương đương 95% cổ phần AVG là thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.
HĐXX nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo - Video: THÂN HOÀNG
Đối với bị cáo Trương Minh Tuấn, theo HĐXX, bị cáo đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, đồng ý đưa giao dịch Mobifone mua cổ phần của AVG vào danh mục “Mật” nhà nước và ký văn bản gửi Bộ Công an để thống nhất.
Gây thiệt hại hơn 6.500 tỉ đồng
HĐXX nhận định ông Tuấn còn tham gia chỉ đạo tổ thẩm định, ký một số văn bản liên quan đến dự án. Cũng theo HĐXX, ông Tuấn biết dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG phải tuân theo quy định của Luật 67 và Luật số 69 và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ nhưng bị cáo vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Son, ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của thủ tướng, chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án.
Bị cáo Phạm Đình Trọng đã thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son, đưa giao dịch Mobifone mua AVG vào danh mục “Mật” của nhà nước.
Bị cáo Trọng cũng đồng ý cho Mobifone ký bản ghi nhớ mua AVG, nhất trí với Mobifone thuê thẩm định giá, chủ trì cuộc họp quyết định cuối cùng về giá mua AVG…
Theo HĐXX, hành vi nêu trên của bị cáo Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng đã vi phạm các quy định của pháp luật.
Đối với nhóm các bị cáo nguyên là chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, các phó tổng giám đốc của Mobifone, theo HĐXX, các bị cáo đã có hành vi như cáo trạng truy tố.
Trong đó, bị cáo Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch hội đồng thành viênMobifone) có hành vi tiếp nhận chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son trong việc đầu tư dự án dịch vụ truyền hình bằng phương thức mua lại cổ phần của AVG, ký thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG theo chỉ đạo của ông Son, chỉ đạo cấp dưới bố trí nguồn lực để thực hiện hợp đồng với AVG…
Ông Cao Duy Hải, nguyên tổng giám đốc Mobifone là người tích cực triển khai ký các quyết định thành lập tổ giúp việc, lập dự án đầu tư dịch vụ truyền hình. Mặc dù biết rõ tình hình tài chính của AVG yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn, giá mua theo tư vấn cao so với giá trị thể hiện… nhưng bị cáo Hải vẫn ký các báo cáo để hội đồng thành viên xem xét quyết định, báo cáo Bộ Thông tin - truyền thông phê duyệt đầu tư dự án.
Hành vi của các bị cáo là nguyên lãnh đạo Mobifone gây thiệt hại hơn 6.500 tỉ đồng.
Hành vi của các bị cáo tạo dư luận xấu trong xã hội
Về tội danh nhận hối lộ, HĐXX nhận thấy, tại cơ quan điều tra, ông Son khai Vũ đến nhà đưa túi màu đen đựng 3 triệu USD, bị cáo đưa cho con gái nói mang về đầu tư vào đâu thì tùy. Trong các lần phúc cung, bị cáo vẽ sơ đồ xe của ông Vũ đến đỗ trước nhà để đưa hối lộ, xếp tiền vào vali cất ngoài ban công, vẽ hình dáng vali chứa tiền…
Tại nhiều bản tự khai, bản tường trình, đơn đề nghị khắc phục hậu quả của ông Son đều xác định 3 triệu USD tiền thu lợi bất chính và xin nộp lại.
Tại phiên tòa, bị cáo Son không đưa ra lý do xác đáng rút lại lời khai. Sau đó, ông Son xin khai lại đã nhận tiền hối lộ 3 triệu USD từ bị cáo Vũ.
Bản án xác định các bị cáo đều nhận thức việc nhận tiền của Vũ là bất hợp pháp nên chủ động khai báo.
Đến ngày 26-12, bị cáo Son cùng gia đình đã nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm hưởng. Hành vi của 4 bị cáo Son, Tuấn, Trà, Hải đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ, hành vi của bị cáo Phạm Nhật Vũ đủ yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ. Việc truy tố các bị cáo về tội danh đưa và nhận hối lộ là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
“Hành vi của các bị cáo tạo dư luận xấu trong xã hội, gây thiệt hại đặc hiệt lớn cho nhà nước”, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh trong phần đọc bản án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận