11/03/2022 09:07 GMT+7

Tùy tiện kê toa trị COVID-19

CẨM NƯƠNG - HOÀNG LỘC
CẨM NƯƠNG - HOÀNG LỘC

TTO - Không được Bộ Y tế phê duyệt để điều trị COVID-19, nhưng thuốc Pizar 6 (hoạt chất Ivermectin 6mg) vẫn được một số nhà thuốc tùy tiện kê cho người bệnh uống với cam kết "an toàn và hiệu quả hơn thuốc kháng virus Molnupiravir.

Tùy tiện kê toa trị COVID-19 - Ảnh 1.

Toa thuốc và thuốc do nhà thuốc Đức Huy (quận 1) kê cho người mắc COVID-19 sử dụng, có thuốc Pizar 6, hoạt chất Ivermectin 6mg dù Bộ Y tế không phê duyệt trong phác đồ điều trị COVID-19 - Ảnh: K.L.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tại khu vực quận 1, TP.HCM có nhà thuốc Đức Huy (phường Nguyễn Cư Trinh) là nơi thường kê đơn thuốc Ivermectin 6mg cho người mắc COVID-19. Điều đáng nói, loại thuốc này chỉ được chỉ định điều trị các bệnh về giun sán, chưa được Bộ Y tế phê duyệt nằm trong danh mục phác đồ điều trị COVID-19 tại Việt Nam.

Cải thiện ngoạn mục!?

Chuyện xảy ra vào sáng 1-3. Sau khi hỏi thăm tình trạng của bệnh nhân đang điều trị COVID-19 tại nhà, nữ dược sĩ của nhà thuốc Đức Huy đưa cho người nhà bệnh nhân 5 hộp thuốc Ivermectin 6mg cùng một số loại thuốc khác.

Theo tư vấn từ người này, bệnh nhân sẽ uống 4 viên một ngày, liên tiếp trong 5 ngày. "Nếu bệnh nhân đã có dấu hiệu khó thở thì phải dùng thuốc này, hiệu quả điều trị cũng giống Molnupiravir, nhưng Molnupiravir phải có toa mới bán được" - nữ dược sĩ khẳng định.

Cô này còn trấn an người nhà bệnh nhân là toa thuốc được lấy ra từ bệnh viện, cứ an tâm sử dụng, đồng thời lý giải: "Đây là toa thuốc F0, dùng để điều trị chứ không phải hỗ trợ".

Trước đó, nhà thuốc này còn kê cho một bệnh nhân nữ 21 tuổi (ngụ quận 1) 8 loại thuốc để điều trị COVID-19, trong đó có Ivermectin 6mg với liệu trình ngày uống 4 viên vào buổi sáng, tương đương 24mg/ngày.

"Tác giả" của đơn thuốc trị giá 1,6 triệu đồng này là một người xưng bác sĩ Lê Đức Huy, chủ nhà thuốc, đang công tác tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM.

"Với đơn thuốc này, em gái của tôi đã sử dụng vượt quá liều lượng cho phép so với cân nặng, gây tác dụng phụ là luôn cảm thấy buồn nôn" - chị K., người nhà bệnh nhân, bức xúc kể lại.

Tuy nhiên theo lý giải của bác sĩ Đức Huy, đơn thuốc ông kê cho bệnh nhân có Ivermectin là đều thông qua sự đồng thuận từ khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức, cùng sự đồng thuận của "thầy cô bên nhóm hồi sức, chống độc", từng được áp dụng điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.

Người này đồng thời khẳng định có công văn cho phép sử dụng Ivermectin hỗ trợ trong điều trị COVID-19 ở các trường hợp vừa và nhẹ; giúp giảm tải lượng virus, giảm các biến chứng với bệnh nhân mắc COVID-19.

Khi chúng tôi đặt vấn đề việc tùy tiện kê toa cho bệnh nhân loại thuốc chưa được phê duyệt trong phác đồ điều trị COVID-19, ông Huy thừa nhận "có biết" và nói: "Theo một số nghiên cứu thuốc cũng có lợi cho bệnh nhân COVID-19. Tác dụng phụ của thuốc ban đầu có thể gây khó chịu nhưng tôi điều trị cho nhiều bệnh nhân rồi và thấy thuốc đáp ứng tốt, không ai than phiền cả, thậm chí có cải thiện ngoạn mục về lâm sàng".

Tùy tiện kê toa trị COVID-19 - Ảnh 2.

Thuốc Ivermectin được nhiều nhà thuốc ở TP.HCM bán cho người bệnh COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Vừa xổ giun, vừa trị COVID-19!?

Không chỉ nhà thuốc Đức Huy, ở TP.HCM còn nhiều nhà thuốc sẵn sàng bán Ivermectin cho người dân để trị COVID-19. Như nhà thuốc Mỹ Anh (phường 3, quận Gò Vấp) không bán Molnupiravir, mà lại giới thiệu cho người bệnh toa thuốc có chứa Ivermectin, kèm theo lời quảng cáo "an toàn và hiệu quả hơn Molnupiravir".

"Xài loại này em sẽ không sợ bị ảnh hưởng về sau, thậm chí còn giúp loại bỏ các ký sinh trùng chó, mèo trong cơ thể. Thay vì mình dùng xổ giun, có thể dùng để ngừa luôn COVID-19" - người đứng quầy bán thuốc nói và khuyên người mắc COVID-19 nên dùng toa thuốc này thay cho Molnupiravir.

Chưa hết, để người bệnh tin tưởng, người này còn chia sẻ bản thân đã dùng Ivermectin phòng bệnh từ đầu mùa dịch, hiệu quả diệt virus đạt tới 90%.

Với hộp thuốc Ivermectin có 4 viên, nhà thuốc này hướng dẫn người bệnh dùng theo liệu trình uống ngày 2 lần tổng cộng 4 viên, liên tục trong vòng 5 ngày.

Còn tại nhà thuốc Á Châu (phường Bình Thọ, TP Thủ Đức) khi chúng tôi hỏi mua Ivermectin để điều trị COVID-19, một nhân viên nam đưa 2 loại thuốc khác nhau về hàm lượng với giá khá "chát" từ 260.000 - 280.000 đồng/hộp, tất cả đều 4 viên.

Nhân viên này thừa nhận trên thực tế thuốc được chỉ định trị giun sán, nhưng gần đây có nhiều người mang toa của bác sĩ đến để "bốc" thuốc về trị COVID-19. "Trị được COVID-19 hay không tôi không rõ nhưng thấy bác sĩ kê đơn và nhiều người dân mua theo đơn này" - nhân viên này nói.

Không chỉ ở các nhà thuốc, hàng loạt toa thuốc có Ivermectin còn được lan truyền trên các hội nhóm chợ sỉ lẻ thuốc tây, các hội tư vấn điều trị F0 tại nhà....

Đơn cử như toa thuốc lan truyền được cho của bác sĩ V.N.C. (khoa cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức) kê cho bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ. Và từ đơn thuốc này, nhiều người mắc COVID-19 đã tin dùng, xem như "bảo bối" tiếp tục truyền tay nhau sử dụng với lý do "rẻ, hiệu quả".

Tùy tiện kê toa trị COVID-19 - Ảnh 3.

Nguồn: Thông tư của Bộ Y tế quy định về đơn và kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú - Dữ Liệu: H.L - Đồ họa: TUẤN ANH

Bất hợp pháp

Trước hiện tượng người dân tự ý tìm mua một số loại thuốc để tích trữ, sử dụng điều trị dự phòng COVID-19, từ năm 2020 Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có văn bản khẳng định Ivermectin "đang thử nghiệm, chưa có hướng dẫn chính thức", đồng thời đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ sở bán lẻ thuốc bán và tư vấn sử dụng theo đúng chỉ định đã được Bộ Y tế phê duyệt.

Trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới nhất vừa được Bộ Y tế cập nhật ngày 27-2-2022, hoàn toàn không có thuốc Ivermectin.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM) cho biết Ivermectin là thuốc được sử dụng rất lâu, mục đích điều trị các bệnh nhiễm trùng do một số loài giun ký sinh như giun kim, giun tóc, giun đũa, chấy rận hoặc các bệnh về da như bệnh trứng cá đỏ.

Tuy nhiên, Ivermectin không nằm trong danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép, cho nên nếu dùng trị COVID-19 là bất hợp pháp.

Theo ông, trên thực tế có một số nước dùng Ivermectin trong việc điều trị COVID-19, nhưng cho đến nay Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và nhiều nước chưa phê duyệt, bởi Ivermectin không được chứng minh là "an toàn hoặc hiệu quả cho những chỉ định điều trị virus SARS-CoV-2".

Đặc biệt, nếu dùng Ivermectin 6mg một ngày với mức 4 viên như đơn thuốc ghi là liều cao. "Nếu dùng điều trị giun ký sinh trùng mỗi ngày chỉ dùng 1 viên 6mg và cao nhất là 2 viên 6mg.

Việc dùng Ivermectin quá liều có thể gây buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp, dị ứng (ngứa và phát ban), chóng mặt, mất điều hòa (các vấn đề về thăng bằng), co giật, hôn mê và thậm chí tử vong" - ông Đức khuyến cáo.

Còn theo ông Đỗ Văn Dũng - trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM, trước đây từng có những nghiên cứu dùng Ivermectin trong việc điều trị COVID-19 nhưng không đem lại hiệu quả.

"Đã có rất nhiều nghiên cứu cho từng loại thuốc điều trị COVID-19, trong đó có Ivermectin nhưng khi qua kiểm chứng hiệu quả điều trị không có, ngược lại còn mang độc tính thì người ta đã loại bỏ. Tuy nhiên còn nhiều người thiếu thông tin nên vẫn sử dụng" - ông Dũng nói.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân COVID-19 - cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng thuốc đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, tránh xa các "phác đồ không chính thống", bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có tác dụng phụ không mong muốn.

Bệnh viện phủ nhận "đồng thuận" dùng Ivermectin

Về đơn thuốc kê đơn có chứa Ivermectin được bác sĩ Đức Huy nói thông qua sự đồng thuận của khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện TP Thủ Đức, bác sĩ Nguyễn Lan Anh - phó giám đốc phụ trách điều hành bệnh viện - khẳng định Ivermectin không có trong phác đồ điều trị COVID-19 của Bộ Y tế và phủ nhận việc đơn vị "đồng thuận" sử dụng kê đơn điều trị cho người bệnh.

"Tất nhiên có một số nghiên cứu lẻ tẻ từ một số nước về Ivermectin nhưng chưa ai kết luận chính thức là thuốc này dùng để điều trị COVID-19. Về góc độ khoa học, các bác sĩ có quyền bàn luận, còn ở góc độ bệnh viện tuyệt đối không cho sử dụng loại thuốc khi Bộ Y tế chưa phê duyệt" - bác sĩ Lan Anh khẳng định.

Tuổi Trẻ chuyển thông tin phản ánh cho Bộ Y tế

Liên quan đến vấn đề nêu trên, trước đó Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký văn bản nhắc nhở các đơn vị tăng cường các biện pháp quản lý đối với việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị COVID-19 đúng quy định.

Tại TP.HCM, phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết để tránh việc mua, bán thuốc điều trị COVID-19 không có nguồn gốc xuất xứ, không đúng quy định về bán thuốc theo đơn, đơn vị đã đề nghị phòng y tế các quận, huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các nhà thuốc trên địa bàn. Các cơ sở kinh doanh dược, các nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về sử dụng thuốc, bán thuốc kê đơn phải có đơn thuốc hợp lệ.

Theo yêu cầu của cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Tuổi Trẻ đã chuyển toàn bộ thông tin, hình ảnh các toa thuốc được kê cho người dân uống Ivermectin 6mg (thuộc trị giun sán) điều trị COVID-19 để phục vụ công tác xác minh, chỉ đạo xử lý.

TP.HCM: Thu giữ lượng lớn kit xét nghiệm và thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu TP.HCM: Thu giữ lượng lớn kit xét nghiệm và thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu

TTO - Qua kiểm tra một doanh nghiệp trên địa bàn, lực lượng chức năng TP.HCM phát hiện và thu giữ lượng lớn kit xét nghiệm nhanh và thuốc điều trị COVID-19 Liên Hoa Thanh Ôn nhập lậu từ Campuchia.

CẨM NƯƠNG - HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp