20/01/2012 16:00 GMT+7

Tướng Vịnh: Tôi tự hào với quân hàm "binh bét"

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

TT - Một chiều cuối năm, chúng tôi gõ cửa căn nhà nằm sâu trong ngôi làng ven sông, nơi ít nhiều còn giữ được sự yên tĩnh của chốn làng quê dù chỉ cách hồ Gươm hơn mười cây số. Một người đàn ông trong bộ quần áo giản dị ra mở cửa đón khách.

Đó là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

lAOOS4d4.jpgPhóng to
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ nhà chọn nơi tiếp khách là thư viện gia đình, nơi chứa cả ngàn đầu sách và tài liệu. Có đủ loại sách về tư tưởng của các vĩ nhân, sách nghiên cứu, tiểu thuyết võ hiệp, truyện trinh thám... Tất cả đều gọn gàng, ngăn nắp và được xếp theo chủ đề.

Bất ngờ, tướng Vịnh hỏi chúng tôi đã đọc hai tập sách Hồng Kông thủa ấy chưa? “Một tác phẩm hay của James Clavell, tên nguyên bản là Tai-Pan. Rất đáng tìm đọc, nhiều khi văn học và lịch sử giúp ta sáng lên ý tưởng cho những vấn đề thời sự hiện nay”.

Mong tổ chức du lịch ra Trường Sa

"Báo chí thường muốn tiếp cận các nhà lãnh đạo hoặc các tướng lĩnh để có thông tin đầu nguồn. Nhưng tôi phải nói rằng chính những người lãnh đạo cần đến các cơ quan truyền thông, để đảm bảo nhân dân mình hiểu chúng ta đã và đang làm gì hoặc định làm gì"

Khách và chủ nhà trò chuyện từ chập tối đến tận khuya, bắt đầu từ câu chuyện về những ngày giáp Tết cách đây vừa tròn một năm. Tướng Vịnh kể:

- Cuối năm, tôi ra Trường Sa, đi chúc tết bộ đội và nhân dân trên đảo. Đây không phải lần đầu đến với Trường Sa nhưng đúng là chỉ sau một vài năm không ra đảo, tôi đã thấy được sự thay đổi ở đây lớn lao biết chừng nào. Tôi đến từng gia đình trên đảo, trò chuyện với bà con, nhiều người nói với tôi rất ngắn gọn: “sống được”. Có thể thấy sự hài lòng về cuộc sống bình yên ánh lên trong mắt họ. Trường Sa bây giờ cơ bản “điện thừa nước đủ”. Đêm xuống, khi chúng ta ngắm Trường Sa sẽ thấy như một thành phố nổi trên biển lung linh với những ánh đèn rực sáng.

Cũng như nhiều người khác có dịp ra Trường Sa, tôi thắp hương ở đền thờ Bác Hồ, ngôi đền xây dựng rất trang nghiêm ở đảo Trường Sa Lớn. Chúng ta cũng đã có các ngôi chùa ở đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây. Tại mỗi nơi có một tượng phật ngọc do Liên đoàn Phật giáo thế giới trao tặng Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng cung tiến ra Trường Sa. Hai tượng phật ngọc này rất quý giá không những về giá trị, mỹ thuật mà còn về ý nghĩa tâm linh. Có một điều đặc biệt là mỗi viên gạch, mỗi viên ngói xây dựng các công trình trên đảo đều có dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc huy.

Tôi nhớ bữa cơm đầu tiên ở Trường Sa, khi anh em bộ đội làm thịt một con lợn nuôi trên đảo để đãi khách quý, miếng thịt mặn chát. Vị mặn biển Đông chứ không phải mặn do chế biến. Và dư vị ấy thì còn mãi. Vào dịp Tết, khách ra đảo thường được tặng một quả bàng vuông. Tôi đã đem quả bàng đó về đặt lên bàn thờ Tổ quốc, như một thứ quả mới bổ sung vào mâm ngũ quả Tết truyền thống dân tộc...

bZLdc267.jpgPhóng to
Bác Hồ và gia đình các ông Nguyễn Chí Thanh, Trần Đăng Ninh và Nguyễn Sơn tại Phủ Chủ tịch, tháng 1-1968. Ông Nguyễn Chí Vịnh lúc ấy là cậu bé đứng bên Bác - Ảnh tư liệu gia đình

* Nếu không phải với tư cách một vị tướng mà là một công dân, ông mong muốn điều gì sau khi ra Trường Sa?

- Tôi mong muốn khi có điều kiện thuận lợi, chúng ta tổ chức cho bà con trong nước cũng như Việt kiều yêu nước đi du lịch ra Trường Sa. Đây sẽ là một điểm du lịch vô cùng ý nghĩa. Những chuyến công tác nước ngoài, nếu có dịp tiếp xúc với bà con Việt kiều, tôi thường kể câu chuyện Trường Sa và sau khi nghe thì bà con rất ngạc nhiên, xúc động. Tôi tin rằng là người Việt Nam, bất cứ ai có dịp ra Trường Sa thì tình cảm của họ đối với đất nước sẽ có những thay đổi rất lớn. Và họ sẽ hiểu đất nước mình đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền trên biển Đông.

* Bất cứ người Việt Nam nào cũng quan tâm đến chủ quyền Tổ quốc, quan tâm đến vận mệnh của quê hương, xứ sở. Sau một năm Việt Nam có rất nhiều sự kiện quan trọng về kinh tế, đối ngoại, quốc phòng..., ông đang nghĩ gì về tương lai đất nước?

- Trong bất cứ giai đoạn nào của mỗi đời người hay lớn hơn là mỗi quốc gia, những cơ may, vận hội luôn đi kèm với thách thức. Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn thấy những vấn đề sẽ quyết định đến sự phát triển lâu dài của đất nước.

Đất nước chúng ta hôm nay bộn bề các vấn đề cần giải quyết, nhưng suy nghĩ của tôi là thế nước đang lên. Nếu nhìn vào đại cục sẽ thấy có rất nhiều lý do để nhận xét như vậy. Đầu tiên phải nói đến là chúng ta có sự ổn định chính trị, giữ được trật tự xã hội và bảo vệ vững chắc bờ cõi quốc gia. Về kinh tế, Việt Nam vẫn là một nước đang phát triển, nhưng theo thời gian thì ngày càng có nhiều nước thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Một nền kinh tế thị trường đầy đủ với định hướng xã hội chủ nghĩa, chính là nền kinh tế thị trường không có hai giá, không phân biệt công tư. Trong quan hệ quốc tế, chúng ta có được sự tin cậy của bạn bè quốc tế. Người ta tin chúng ta thân thiện, chúng ta thực tâm mong muốn hợp tác phát triển với cộng đồng quốc tế.

Có thể thấy rằng trong 5-10 năm tới còn nhiều khó khăn, nhưng đất nước sẽ có những bước phát triển, với một điều kiện giữ bằng được ổn định chính trị và định hướng quản lý thống nhất của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

A1E8m8HV.jpgPhóng to
Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại nhà số 34 Lý Nam Đế, năm 1964 - Ảnh tư liệu gia đình

* Vậy đâu là thời cơ và đâu là thách thức của đất nước ta về mặt quốc phòng an ninh, theo suy nghĩ của một nhà quân sự?

- Với tư cách một nước đang phát triển và cần có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, vấn đề đặt ra cho Việt Nam là những câu chuyện mà các nước lớn đang nói với nhau có ảnh hưởng gì đến chúng ta? Cần phải đặt câu hỏi này trong một bối cảnh quốc tế đang có những thay đổi rất cơ bản, rất lớn lao, nhất là sau những sự kiện như ở Bắc Phi - Trung Đông và trước đó ở Afghanistan, Iraq, Nam Tư...

Ở đâu cũng vậy, khi có lợi ích thì mọi bên đều muốn can dự. Tất nhiên nếu đã can dự thì sẽ có điểm đồng nhưng cũng có điểm bất đồng, chính vì vậy những vấn đề an ninh khu vực của chúng ta tự nhiên nóng lên. Chúng ta đã nghe những tuyên bố về chủ quyền của một số nước và đã nghe những thông điệp rất mạnh mẽ... Đằng sau những lời phát biểu đó, thấp thoáng đâu đây các tàu sân bay, chiến hạm, các máy bay thế hệ mới... Nguy cơ lớn nhất chính là một cuộc chạy đua vũ trang mới, một cuộc chiến tranh lạnh mới và một chiến lược “ngoại giao chiến hạm” mới của các nước lớn. Điều này đã manh nha xuất hiện ở khu vực. Chúng ta phản đối, không đồng tình với xu hướng phát triển như vậy, đồng thời tuyệt đối không cuốn theo chiều hướng đó. Với những người yêu hòa bình, những quốc gia yêu hòa bình thì phải làm hết sức để ngăn chặn và hóa giải nguy cơ trên, không được để va chạm của các nước lớn ảnh hưởng đến hòa bình khu vực và sự ổn định của đất nước mình.

* Nhưng biển Đông có yên tĩnh hay không, đâu chỉ phụ thuộc vào Việt Nam?

- Trong vấn đề biển Đông phải xem xét trên những vấn đề về lịch sử, những tuyên bố về chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đâu là nguyên tắc giải quyết vấn đề lợi ích? Có ba điểm cơ bản. Thứ nhất, chủ quyền của mỗi nước. Đây là điểm bất di bất dịch, không thay đổi. Chúng ta muốn có hòa bình, muốn ổn định để phát triển nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận tất cả để giữ được chủ quyền lãnh thổ. Thứ hai, chia sẻ lợi ích. Chia sẻ chủ quyền lãnh thổ là không thể, nhưng chia sẻ lợi ích có thể trở thành con đường để giải quyết những khác biệt, tranh chấp. Thứ ba, phải tuân thủ luật pháp quốc tế và không để các thế lực khác chen vào, can dự vào những vấn đề của chính chúng ta.

Trong các mối quan hệ an ninh của thế giới, không có mối quan hệ nào đơn thuần giữa hai nước với nhau. Một vấn đề nào đó giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn gắn với bàn cờ chung của thế giới, nhưng trong những vấn đề của hai nước thì Việt Nam và Trung Quốc là hai người chơi chủ yếu, sao cho không để bên khác chen vào trục lợi. Nguyên tắc cơ bản là anh này phải tôn trọng chủ quyền và lợi ích của anh kia. Ví dụ như việc Trung Quốc tuyên bố về đường lưỡi bò có lợi cho ai? Tôi nghĩ rằng không có lợi cho Việt Nam và cũng hoàn toàn không có lợi cho Trung Quốc, mà đã làm dấy lên dư luận quốc tế không tốt cho Trung Quốc, có lợi cho các thế lực khác.

Ta phải giữ cho được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế; quan tâm xây dựng tiềm lực của đất nước, trong đó quan trọng nhất là tiềm lực kinh tế, không ngừng cải thiện đời sống người dân. Và cũng phải đặc biệt chú ý đến quan hệ quốc tế để có sự ủng hộ của cộng đồng thế giới, ngay cả khi trời yên biển lặng cũng như lúc phong ba sóng lớn. Chúng ta không tham gia vào những xung đột lợi ích của các nước lớn và điều tôi muốn nói là Việt Nam phải tránh mọi cuộc chiến tranh, trước hết là những xung đột trên biển Đông. Nếu có chiến tranh, có xung đột thì sẽ là thảm họa của dân tộc và là bất hạnh cho từng gia đình.

ySHzGXzr.jpgPhóng to
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và “binh bét” Nguyễn Chí Vịnh, năm 1963 - Ảnh tư liệu gia đình

Tôi rất thích lắng nghe các bạn trẻ trò chuyện

* Nhìn lại năm qua, trước những sự kiện liên quan đến biển Đông, nhiều bạn trẻ đã xuống đường để biểu thị lòng yêu nước. Ông có điều gì muốn nói với họ?

- Nếu được, tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ của mình với các bạn trẻ như một người bạn. Với lòng yêu nước, với phản ứng của tuổi trẻ, việc một số bạn trẻ xuống đường để biểu thị thái độ của mình là điều có thể hiểu được. Nhưng mục đích cuối cùng của tất cả chúng ta là giữ được chủ quyền trên biển Đông. Từ cách tiếp cận đó, chúng ta sẽ thấy rằng đâu phải phản ứng ngay mà đạt được mục đích. Điều quan trọng nhất là làm đất nước mình mạnh lên, trước hết là ổn định về chính trị. Không ổn định về chính trị thì không thể có đất nước mạnh. Nhìn ra thế giới chúng ta dễ dàng thấy điều đó. Trong tác phẩm Hồng Kông thủa ấy cũng đã nói lên một điều, với bất cứ quốc gia nào khi đất nước mạnh lên, theo đó chủ quyền sẽ được thu hồi và bảo vệ đầy đủ. Ở đây có một vấn đề chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa, đó là lòng dân. Chính quyền phải luôn nhớ rằng phải có sự ủng hộ của nhân dân, ngược lại nhân dân cũng cần chia sẻ với chính quyền trong những thời điểm khó khăn.

Để đất nước mạnh lên, chúng ta phải làm chủ về khoa học kỹ thuật, phải có sức mạnh kinh tế... và nói đến những vấn đề này thì chỉ có thể trông cậy vào thế hệ trẻ. Chính những người trẻ bằng năng lực hội nhập, bằng ý chí vươn lên mạnh mẽ, bằng sự hiểu biết sâu sắc về khoa học kỹ thuật sẽ định vị thế đứng Việt Nam trên trường quốc tế. Không phải ai khác, chính các bạn trẻ sẽ là những người nghĩ ra các giải pháp để đóng góp cho Nhà nước trong việc giải quyết từng bước vấn đề biển Đông. Tôi muốn nói rằng bờ mạnh thì biển mới vững, người giỏi thì đất nước mới hùng cường. Tất nhiên, khi đất nước thật sự cần, tuổi trẻ sẽ là những người đầu tiên dám hi sinh tất cả vì Tổ quốc mình.

* Bằng trải nghiệm của mình, ông nhìn thấy điều gì ở các bạn trẻ hiện nay?

- Tôi rất thích lắng nghe các bạn trẻ trò chuyện. Nhiều lần tôi đi cùng một vài bạn đang ở độ tuổi thanh niên đến quán cà phê hoặc những nơi mà các bạn trẻ gặp gỡ nhau. Tôi lắng nghe các bạn trẻ nói về tình hình đất nước, về kinh tế, về chính trị, về biển Đông... Có thể điều này, điều khác các bạn nói chưa đúng hoặc chưa thật chuẩn xác, nhưng đó là tiếng nói của tương lai đất nước và cũng chính là một trong những thước đo chính xác nhất về thời cuộc.

Một số ý kiến cho rằng thanh niên bây giờ kém hơn trước đây, dường như ích kỷ hơn, dường như quan tâm đến các thú vui chơi giải trí nhiều hơn, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Thanh niên lúc nào cũng là thanh niên và chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai đất nước nếu nhìn vào lớp trẻ hiện nay. Chỉ có điều phải làm sao để những giá trị truyền thống, những điều tích cực về quản lý và giáo dục thanh niên trước đây phát huy được trong bối cảnh mới.

Cũng có ý kiến nói giới trẻ Việt Nam “trưởng thành chậm”, với ý là chúng ta chưa có những người trẻ ở vào vị trí dẫn dắt cộng đồng, trong khi nhiều cường quốc trên thế giới có lãnh đạo ở độ tuổi rất trẻ... Trước hết, phải nói về phong tục tập quán châu Á, thông thường muốn ở vào vị trí dẫn dắt thì phải là một người từng trải, nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cơ chế cán bộ của ta khác so với nhiều nước. Nhưng hiện nay, nhiều bộ ngành của chúng ta có cán bộ các cấp ở vào độ tuổi khá trẻ, ví dụ như Bộ Ngoại giao với rất nhiều đại sứ trẻ, hay là nhiều tập đoàn, tổng công ty kinh tế mạnh với không ít gương mặt lãnh đạo rất trẻ, rất giỏi...

* Ông nói muốn biết thanh niên hiện nay đọc gì. Vậy qua quan sát của ông, giới trẻ đang đọc gì?

- Những lúc có thời gian rảnh rỗi, tôi hay ra phố bán sách ở Nguyễn Xí, không chỉ để chọn sách cho mình mà còn muốn biết thanh niên hiện nay đang đọc cái gì. Trước sự bùng nổ thông tin và phát triển vượt bậc của công nghệ, văn hóa đọc phần nào đã bị mai một. Đây là điều đáng buồn. Trước đây, đã có những cuốn sách gối đầu giường, góp phần hình thành nên nhân cách của cả một thế hệ như Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình... Hiện nay, dường như các cuốn sách đó ít được nhắc đến. Các bạn trẻ bây giờ đọc về thời cuộc rất nhiều, tham gia mạng xã hội rất nhiều... nhưng dường như chưa được chăm lo cung cấp và định hướng thông tin ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tôi nghĩ rằng đó là vấn đề của các nhà quản lý, của báo chí truyền thông cần cung cấp thông tin cho thanh niên một cách đầy đủ, chính xác và tự các bạn thanh niên sẽ nhận thức được nên đọc gì, làm gì. Chúng ta chỉ sợ các bạn trẻ bàng quan với thời cuộc.

* Chị gái ông, bà Nguyễn Thanh Hà, từng nhận xét em trai mình hồi nhỏ “rất bướng bỉnh, nghịch ngợm...”. Cha ông - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - từng gọi ông là “binh bét”… Ông có thể chia sẻ điều gì về kỷ niệm tuổi thơ?

- Từ khi 4 tuổi, tôi đã được ba thêu trên ve áo hai miếng dạ màu đỏ không sao không gạch. Ba gọi chức của con trai là “binh bét” và luôn bảo rằng khi lớn lên con đường của tôi là đi bộ đội. Nay mang trên vai quân hàm thượng tướng, tôi rất tự hào và biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn quân đội. Nhưng niềm tự hào theo suốt cuộc đời tôi, đã ăn vào máu thịt tôi từ thủa ấu thơ chính là chức “binh bét” mà ba tôi đặt. Niềm tự hào ấy còn được nhân lên khi tên tôi cũng chính là tên khai sinh của ba tôi: Nguyễn Vịnh.

Tôi là con người của đời thường với ba chỗ dựa: công việc, những người thân và bản thân mình. Tôi tự tin vào chính mình, nếu không làm nghề này thì cũng có thể làm việc khác, nhưng dù làm nghề gì đi nữa thì số phận cũng đã sắp đặt cho tôi, suốt đời tôi chỉ là một người lính. Và cũng như bất cứ người Việt Nam nào, tôi quan tâm đến tương lai đất nước. Dù ở thời đại nào, sự mất còn của đất nước, thịnh suy của dân tộc đều gắn với trách nhiệm của mỗi người dân bình thường đối với đất nước. Đó là điều tôi luôn quan tâm và hướng tới.

Trong cuốn Chuyện tình các chính khách Việt Nam (xuất bản năm 2006), nhà văn Nguyệt Tú (phu nhân cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo) viết: “Anh Thanh hồi ấy tên là Nguyễn Vịnh. Còn tên Nguyễn Chí Thanh đến với anh một cách bất ngờ. Ở Đại hội Tân Trào năm 1945, khi công bố danh sách lãnh đạo có tên Nguyễn Chí Thanh. Anh không biết là ai và hỏi thì anh Phạm Văn Đồng trả lời: “Chính anh”. Từ đó, anh mang tên Nguyễn Chí Thanh. Nhưng anh vẫn tiếc cái tên “cúng cơm” nên sau này anh đặt tên Vịnh cho cậu con trai út”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp