Điêu khắc gia Bùi Hải Sơn - Ảnh: DUYÊN PHAN |
“Trại điêu khắc ở ta mở ra là “ăn theo” những sự kiện, mục đích ban đầu không phải là để cải tạo không gian. Cho nên, việc đưa tượng vào công viên cũng chỉ là giải pháp “hợp thức hóa”... |
* Trước tiên, trại điêu khắc quốc tế có nghĩa là gì, thưa ông?
- Hình thức này ra đời đầu tiên ở Áo và Nam Tư (cũ) vào những năm cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960. Đến nay, hình thức này lan rộng khắp các nước Âu, Á và gần đây là Việt Nam... chứng tỏ sự ưu việt của nó.
Có thể nói một trại điêu khắc quốc tế sẽ mang đến cho địa phương tổ chức nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, các điêu khắc gia từ nhiều nơi, nhiều quốc gia sẽ cùng khuếch trương những giá trị văn hóa, nghệ thuật, xã hội... của nơi đó thông qua việc tạo ra các tác phẩm. Công chúng có cơ hội để quan sát công việc của điêu khắc gia ngoài trời, quá trình biến một phiến đá thô thành một tác phẩm. Ở trại, các điêu khắc gia quốc tế cũng có cơ hội cọ xát, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với nhau. Còn địa phương tổ chức thì được lợi vì sưu tập được một lượng lớn các tác phẩm để làm phong phú thêm di sản văn hóa địa phương, với một chi phí vừa phải.
* Vậy khi du nhập vào Việt Nam thì ý nghĩa trại điêu khắc có được như vậy, khi mà hàng loạt trại được mở ra, nhưng trại khép lại rồi thì... tượng không biết để đâu?
- Từ trại đầu tiên ở Hà Nội năm 1997, đến nay có nhiều trại được mở như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Huế, An Giang, Vũng Tàu, Nha Trang, Quảng Nam, TP.HCM...
Đặc điểm chung của trại điêu khắc ở ta là luôn “ăn theo” một sự kiện nào đó, chứ không được mở thuần túy vì chuyên môn điêu khắc. Ví dụ như trại Huế mở nhờ festival Huế, trại Nha Trang mở nhờ festival biển Nha Trang, trại An Giang mở nhờ lễ hội vía bà Chúa Xứ núi Sam...
Những dịp có sự kiện như vậy, khi ngân sách dư ra một khoản tiền thì người ta mới nghĩ đến việc mở trại điêu khắc.
Lúc đầu trại mở ra người ta cũng không nghĩ đến việc xử lý số tượng thế nào. Nhưng những trại sau này ban tổ chức có chú ý hơn. Ví dụ như trại Quảng Nam hồi tháng 8 vừa qua, ban tổ chức cho duyệt phác thảo tác phẩm, làm xong tượng được đưa vào quảng trường trước trụ sở UBND. Hay trại Nha Trang, Vũng Tàu... thì tượng cũng được đưa vào công viên.
* Hãy nhìn tượng của trại TP.HCM 2005 ở công viên Tao Đàn được đặt san sát trong một phạm vi hẹp, với nhiều chủ đề không đồng nhất với nhau, nhiều tượng không rõ hình thù gì... Không phải tượng nào đưa vào công viên cũng đẹp, thưa ông?
- Như đã nói, trại điêu khắc mở ra là “ăn theo” những sự kiện, mục đích ban đầu không phải là để cải tạo không gian. Cho nên, việc đưa tượng vào công viên cũng chỉ là giải pháp “hợp thức hóa”, giải quyết hậu quả mà thôi. Đúng là cách giải quyết tác phẩm của trại TP.HCM 2005 là có vấn đề.
Khi các trại ở Hàn Quốc mời chúng tôi thì tượng đặt tại đâu họ đã tính hết rồi. Tượng làm xong thì đặt vào nơi đã quy hoạch sẵn. Còn ở ta thì đang làm theo quy trình ngược, làm tượng xong mới lo chỗ đặt. Ngay ở trại Vũng Tàu, Nha Trang...tượng đưa vào công viên thì có đẹp. Nhưng đó cũng là cách để trang trí công viên mà thôi, không phải là một vườn tượng, một không gian điêu khắc thật sự. Những tượng đặt trong công viên Tao Đàn hay những trại khác rơi vào tình trạng san sát, dày đặc. Nhiều tượng có kích cỡ không phù hợp với không gian trưng bày.
* Bỏ ra nhiều chi phí, nhưng chất lượng nghệ thuật thì không hoàn toàn đảm bảo. Ông có thấy điều này là sự hoang phí?
- Những trại điêu khắc quốc tế có cái lợi là cho anh em điêu khắc chúng tôi có cơ hội giao lưu quốc tế. Nhiều điêu khắc gia trước đây còn chưa biết điêu khắc ngoài trời là gì. Nếu nói hoang phí thì tôi nghĩ không phải, vì chi phí cho mỗi tác phẩm của chúng tôi ở trại chỉ bằng 1/3 giá thị trường. Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ chất lượng tác phẩm. Nhưng, như tôi đã nói, chúng ta đã bị lỗi, đã quy trình ngược ngay từ đầu. Muốn cải thiện chất lượng thì mọi thứ phải được thay đổi!
25 trại điêu khắc Bắt đầu từ trại điêu khắc đầu tiên tại Hà Nội năm 1997, đến nay đã có 25 trại điêu khắc trong nước và quốc tế được mở ở nhiều nơi như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Huế, Quảng Nam, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Đồng Nai, TP.HCM, Vũng Tàu, Côn Đảo... Trong đó, Huế là nơi có trại điêu khắc nhiều nhất với năm lần mở trại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận