Tranh minh họa. Nguồn: thedrugcode.com
Sự tương tác có thể làm giảm hoặc mất tác dụng của nhau hoặc làm tăng độc tính, tác dụng của thuốc trong cơ thể. Ngay cả với các thuốc thông dụng, nếu không lưu ý cũng có thể xảy ra các tương tác bất lợi. Ngoài thuốc, trong cơ thể chúng ta còn có sự hiện diện của thức ăn và nước uống nên cũng có thể dẫn đến tương tác có lợi hoặc bất lợi giũa thuốc và thức ăn.
Một số dược sĩ đã cho biết về một số tương tác thuốc thường gặp như loại thuốc phổ biến nhất mà mọi người đều cần dùng đến đó là các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm: Paracetamol có tên gọi khác là acetaminophen. Trên thị trường, loại thuốc chứa hoạt chất này có nhiều tên thương mại khác nhau.
Khi người bệnh bị sốt đã uống thuốc chứa acetaminophen, nhưng nghe ai đó nói dùng thêm viên sủi chứa paracetamol mới nhanh hết sốt, vậy là lại dùng thêm viên thuốc sủi nữa, mà không biết hai loại thuốc này là một, dễ dẫn đến quá liều. Paracetamol là một thuốc nói chung an toàn, nhưng khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc, có thể gây hoại tử tế bào gan và độc với thận.
Người bệnh đang dùng thuốc chữa đau đầu chứa aspirin, lại dùng thêm biệt dược chữa thống kinh chứa diclofenac, hay đang dùng thuốc chứa hoạt chất ibuprofen chữa đau khớp, nghe mách thuốc diclofecnac tốt hơn lại dùng thêm. Các chất gốc có trong các biệt dược nói trên đều thuộc nhóm giảm đau, kháng viêm không steroid, có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày. Khi dùng trùng lặp coi như đã dùng một liều kháng viêm không steroid gấp đôi, tác dụng phụ sẽ hợp sức tăng lên mạnh, có thể gây xuất huyết dạ dày.
Việc dùng thuốc cùng nhóm gây các tương tác bất lợi cũng dễ xảy ra khi dùng các kháng sinh cùng nhóm
- Khi bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp nặng, người bệnh đã được tiêm gentamycin, người bệnh muốn khỏi nhanh, tự ý uống thêm kanamycin. Đây là hai loại thuốc kháng sinh cùng thuộc nhóm aminosid. Đúng ra, dùng gentamycin đúng liều đã đủ nồng độ cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn. Việc dùng thêm kanamycin là không cần thiết mà lại làm tăng tác dụng phụ gây độc đối với tai. Người bệnh có thể bị suy giảm thính lực, nếu nặng có thể gây điếc không hồi phục.
- Tình huống dễ xảy ra khi dùng thuốc chữa ho và dị ứng. Chẳng hạn như người bệnh bị ho có đờm, đang uống acetylcystein là thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài khi ho khạc. Khi dùng thuốc, người bệnh sẽ ho tăng lên - đây là phản xạ tốt sau khi dùng acetylcystein vì đờm bị thuốc làm loãng ra sẽ được các cơn ho đánh bật ra khỏi đường hô hấp. Nếu không ho hoặc giảm khả năng ho thì đờm loãng ứ trong phế quản sẽ cản trở hô hấp, nhiều trường hợp phải hút đờm ra.
Thế nhưng khi thấy ho tăng lên, người bệnh nghĩ là mình không hợp thuốc này, nên còn ho nặng hơn, vậy là tự ý dùng thêm thuốc giảm ho dextromethorphan. Khi dùng chung hai thuốc này với nhau, thì thuốc long đờm acetylcystein sẽ bị mất tác dụng. Trong khi đờm bị acetylcystein làm loãng ra đang cần ho để tống ra ngoài thì dextromethorphan lại kìm hãm phản xạ ho, khiến lượng đờm đọng lại trong các phế nang sẽ ảnh hưởng hô hấp và chứng ho sẽ càng nặng hơn.
Sự phối hợp này có thể rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì các bé chưa biết khạc, đờm nhớt sẽ ứ lại không thoát ra được khỏi đường hô hấp, sẽ làm tắc và nhiễm khuẩn nặng hơn. Điều này cũng xảy ra tương tự khi dùng acetylcystein cùng chlorpheniramin. Chlorpheniramin là loại thuốc kháng histamin, chống dị ứng, đồng thời cũng được phối hợp với các thành phần khác trong viên thuốc trị triệu chứng ho và cảm lạnh.
Trong thời gian điều trị bằng acetylcystein, người bệnh không được dùng đồng thời các thuốc giảm ho hoặc bất cứ thuốc nào làm giảm bài tiết phế quản. Vì dùng thuốc như vậy sẽ công nhau, hai tác dụng của thuốc đối kháng nhau và giảm tác dụng của nhau. Trong khi acetylcystein đang làm loãng đờm thì chlorpheniramin lại làm tác dụng ngược lại là giảm tiết dịch và quánh đờm lại. Như vậy, cùng là thuốc có công dụng giảm ho nhưng tác dụng trên phế quản lại đối kháng nhau, khiến thuốc sẽ mất tác dụng, không mang lại hiệu quả.
Dùng đồng thời các thuốc khác nhóm chữa bệnh nhưng cùng tác dụng
Thường gặp tương tác này khi người bệnh đang dùng thuốc chữa bệnh mạn tính lại dùng thêm thuốc chữa bệnh cấp tính khác. Điều này dễ xảy ra trong các trường hợp:
- Người bệnh đang dùng thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển lisinopril, lúc bị bí tiểu lại dùng thêm thuốc lợi tiểu spironolacton. Hai thuốc này đều cùng giữ kali, chúng hiệp đồng với nhau làm tăng mức kali máu lên quá ngưỡng an toàn, gây bất lợi cho tim mạch;
- Người bệnh đang dùng chất ức chế đông máu dự phòng nghẽn mạch warparin, lúc bị đau khớp lại dùng thêm kháng viêm không steroid (aspirin) cũng có tác dụng ức chế đông máu. Dùng 2 loại thuốc này làm tăng việc chống đông máu, gây chảy máu.
Dùng các thuốc có tương tác về dược lý
- Tình huống khác, người bị tăng huyết áp đang dùng thuốc chứa nifedipin để kiểm soát huyết áp. Lúc bị ho lại dùng thêm biệt dược có chứa pseudoephedrin, phenylpropanolamin hay lúc bị hen lại dùng thêm thuốc giãn phế quản ephedrin. Pseudoephedrin, ephedrin, phenylpropanolamin là những thuốc cường giao cảm làm tăng huyết áp, đảo ngược tác dụng hạ huyết áp của adalat;
- Người bệnh parkinson đang dùng levodopa, khi mất ngủ lại dùng thêm thuốc ngủ chlordiazepoxid thì thuốc ngủ này lại đối kháng lại làm giảm tác dụng của levodopa.
Ðể phòng tránh các tương tác thông thường của thuốc, mọi người không dùng quá nhiều thuốc, vì sự tương tác thuốc tăng lên khi tăng số lượng các loại thuốc dùng cùng... Khi đang dùng thuốc chữa bệnh này, nếu phải uống thuốc chữa một bệnh khác thì nhất thiết phải có ý kiến của thầy thuốc. Sự tương tác thuốc nói chung rất phức tạp. Nhưng trong điều trị vẫn phải cần đến phối hợp thuốc.
Do đó, thầy thuốc sẽ cân nhắc liều dùng sao cho phối hợp thuốc là có lợi hay giảm thiểu tối đa tác dụng phụ. Ðặc biệt, mọi người không được tự ý dùng thuốc, không dùng thuốc theo mách bảo hoặc dùng đơn thuốc của người khác. Việc dùng thuốc bừa bãi là nguyên nhân chính gặp những tương tác bất lợi của thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận