Một bức tượng "phụ nữ mua vui" đặt trên ghế xe bus tại Seoul - Ảnh: AP
Theo đài NPR (Mỹ), bức tượng thường được gọi là tượng "phụ nữ mua vui" có tên chính thức là "Bức tượng hòa bình (Peace Statue) là phần lịch sử còn lại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm giữa hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bức tượng phác họa hình ảnh một cô gái là công dân Hàn Quốc đang ngồi trên chiếc ghế, ánh mắt nhìn thẳng về phía trước với vẻ phán xét quyết liệt. Cô gái cắt tóc ngắn và mặc hanbok, bộ váy truyền thống của người phụ nữ Hàn Quốc. Cô đi chân trần và hai bàn tay nắm chặt. Bên cạnh cô là một chiếc ghế trống.
Bức tượng đó gợi nhắc về những người đàn bà từng một thời khốn khổ trong quá khứ như bà Ahn Ahn Jeom-sun. Bà nay đã 89 tuổi và cho biết thường xuyên tới thăm bức tượng này.
Bức tượng là hiện thân cho tuổi trẻ bà đã bị đánh cắp từ năm 13 tuổi, khi quân đội Nhật bắt cóc bà mang đi khỏi làng trong Thế chiến thứ 2.
LHQ ước tính có khoảng 200.000 phụ nữ, trong đó có nhiều phụ nữ Hàn Quốc, đã bị bắt cóc khỏi các làng mạc nước này để mang đi phục vụ nhu cầu tình dục của lính Nhật vào giai đoạn trước và trong Thế chiến thứ 2.
Không chỉ đặt tượng người phụ nữ này tại 50 khu vực công cộng và công viên trong nước, người Hàn Quốc còn đặt các phiên bản bức tượng tại nhiều nơi ở New Jersey, California của Mỹ, Úc và Đức.
Vài năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận quan trọng liên quan tới vấn đề phụ nữ mua vui. Theo đó thỏa thuận yêu cầu chính phủ Nhật phải đền bù cho các nạn nhân và "ra tuyên bố xin lỗi" về sự việc.
Đổi lại Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ bức tượng cô gái bằng đồng dựng lên năm 2011 ngay trước đại sứ quán Nhật Bản tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Tuy nhiên người dân Hàn Quốc và các nhà hoạt động không chấp nhận thỏa thuận đó. Họ vẫn tiếp tục dựng thêm các bức tượng. Sự việc từng khiến chính phủ Nhật Bản nổi giận tới mức triệu hồi đại sứ của họ về nước trong vài tháng.
Bức tượng đồng gợi nhắc về một thời đau khổ với các phụ nữ bị biến thành phụ nữ mua vui trong chiến tranh - Ảnh: AFP
Diễn biến gần đây nhất là việc bức tượng này lại xuất hiện trên các xe bus tại Hàn Quốc. Cũng vẫn là hình ảnh cô gái tóc ngắn ấy, ngồi trên ghế và hai tay siết chặt cùng ánh mắt hướng thẳng về phía trước.
"Tôi không sợ, tôi cũng không kinh ngạc, nhưng tôi cũng ngỡ ngàng theo kiểu ‘cái gì thế này’. Tôi đã thấy bức tượng trên TV vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy nó trong đời thực", một người dân đi xe bus tên là Yoon Sung-Lin cho biết.
Với các nhà hoạt động đứng sau sự việc, chuyện đưa tượng cô gái lên xe bus là một cách để làm sống lại vấn đề mạnh mẽ hơn khi các nạn nhân trong vụ "phụ nữ mua vui" thời chiến đang chết dần theo tuổi tác.
Bà Kim Hyang-mi, người chủ trì hoạt động này nói: "Bằng cách đó, chúng tôi sẽ khiến các học sinh trung học và những thế hệ nhỏ hơn tò mò về ý nghĩa phía sau các bức tượng. Họ sẽ hỏi những người lớn hơn và cha mẹ cũng như bạn bè mình về ý nghĩa thực sự của nó, từ đó nhận được lời giải thích chính xác và hiểu về những chuyện đã xảy ra".
Tại Seoul, bức tượng được đặt trên chuyến xe bus số 151, là tuyến xe sẽ có điểm dừng ngay trước đại sứ quán Nhật Bản. Và cứ mỗi lần cửa xe bus mở, người ta sẽ lại trông thấy bức tượng.
Bà Ahn, nạn nhân bị biến thành "phụ nữ mua vui" năm xưa đã không bao giờ lấy chồng và sinh con sau những gì đã trải qua trong chiến tranh.
Bà cũng không dám hé lộ chuyện gì về cuộc đời mình cho mãi tới những năm 1990. Bà cho biết không muốn nhận đền bù từ chính quyền Nhật Bản.
Bà nói: "Lúc này, chúng tôi thực sự không còn quan tâm tới tiền bạc nữa; chúng tôi thực sự cũng không quan tâm tới chính trị. Chúng tôi chỉ muốn nhận được lời xin lỗi thích đáng trực tiếp từ họ với chúng tôi. Chúng tôi muốn họ nghĩ về chúng tôi, những người thực sự đã bị lôi vào cuộc chiến".
Và bà cũng muốn những bức tượng cứ đặt mãi như vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận