10/10/2013 11:00 GMT+7

Tương lai thuộc về chúng ta

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TT - Nhà thơ Việt Phương nâng niu mở tập thơ Cửa đã mở của ông xuất bản năm 1988, trang đầu là thủ bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với “mấy vần thơ buông” thật đặc biệt.

DNXpKhQG.jpgPhóng to
Nhà thơ Việt Phương - Ảnh: H.Điệp

Anh Việt Phương ơi

Tôi chúc anh trẻ mãi không già

Hai ba mươi năm nữa vẫn còn xuân phơi phới

Cửa đã mở rồi

Hoa thơm hoa đẹp từ bốn phương đưa lại

Hoa nở thành thơ, từng chùm, từng chùm

Chàng trai ta vừa ngâm vừa hát

Vừa nhìn về tương lai, ung dung tiến bước

Ngâm rằng: ê a, ê a

Trẻ mãi, ê a, trẻ mãi không già... a a

Trong những ngày gạo châu củi quế

Ta vẫn có những giờ phút rất vui, rất “giui”

Ê a, ê a

Tương lai thuộc về chúng ta

Trẻ mãi, trẻ mãi, trẻ m...ã...i...

Tiếp theo, Đại tướng mở ngoặc ghi chú: “Ngâm kéo dài rồi xuống giọng dần... từ soprano đến mezzo, rồi...”, và ký tên: “Một người làm mấy câu thơ buông bằng tay trái”.

TeqdAdTh.jpg
Thủ bút bài thơ buông của Đại tướng Võ Nguyên Giáp Ảnh: H.Điệp

Tất cả chúng tôi như vừa được gặp, vừa phát hiện ra một Võ Nguyên Giáp khác: một nghệ sĩ thật sự. Ông Việt Phương xúc động: “Mấy chữ Cửa đã mở rồi của Đại tướng đối với tôi mang ý nghĩa thời đại”.

Thời điểm ấy VN vừa bước vào tiến trình đổi mới. Sau những sóng gió của tập thơ Cửa mở xuất bản năm 1970, sau khi “cửa đã mở rồi”, năm 1989 tập Cửa mở được tái bản.

Kiên nhẫn của lửa, nhẫn nhịn của nước

* Từng là thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thường xuyên làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ấn tượng nhất điều gì ở Đại tướng?

- Nhà thơ Việt Phương: Đối với tôi, Đại tướng chính là một người thầy. Tôi học ở Đại tướng hai bài học lớn nhất cho cả đời: nhận thức về sự sống và nhận thức về con người. Đến nhà Đại tướng, ai cũng thấy ông nâng niu từng cái lá, bông hoa và điều này lại không hề mâu thuẫn với việc ông đã từng chỉ huy hàng vạn quân ra trận. Tôi từng là một người lính. Một người lính sẽ yên tâm biết bao nhiêu khi biết rằng chỉ huy của mình biết trân quý sự sống.

Trong thời bình, tinh thần ấy càng phải được phát huy. Nhận thức được vai trò của con người vừa làm chủ vừa bình đẳng với vạn vật, ta sẽ xác định được một thái độ sống vừa bình thản vừa tích cực để xây dựng cuộc đời. Đây, trong bài thơ tặng tôi, Đại tướng viết, hay là hát: “Tương lai thuộc về chúng ta”.

* Tôi nhớ đến một câu thơ của ông đã viết: “Gieo trăm gặt một thế cũng là/ Được thế thôi cũng là được cả/ Một thời khô héo một thời hoa” gợi nhiều liên tưởng đến Ban nghiên cứu đổi mới kinh tế, chính trị và hành chính của Thủ tướng mà ông là một thành viên. Tinh thần ấy cũng được thấy trong cuộc đời của Đại tướng. Liệu có gì liên quan với nhau không?

- Câu thơ ấy tôi viết trước hết là để cho mình, cho các đồng đội của tôi ở ban tư vấn ngày ấy (Việt Phương, Trần Đức Nguyên, Nguyễn Trung, Đào Xuân Sâm, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Tương Lai, Phạm Duy Hiển, Nguyên Ngọc, Trần Đình Bút, Vũ Quang Việt, Trần Văn Thọ, Vũ Quốc Huy, Đào Công Tiến, Chu Hảo, Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A... - PV). Chúng tôi chỉ “cho”, theo đúng nghĩa của từ “cho”, những lời khuyên và lời can, không có một ràng buộc mang tính hành chính hay quyền lợi nào khác.

Công việc có thành tựu, lại có nhiều hơn những bất ý. Những lúc ấy, tôi nhìn vào sự bình thản của Đại tướng mà học chữ “Nhẫn”. Ở Đại tướng có sự kiên nhẫn của lửa, nhẫn nhịn của nước.

Chúng tôi bảo nhau: một trăm ý của chúng ta mà được thực hiện ba ý là kết quả rất cao, hai ý được coi là cao và nếu chỉ một ý được lắng nghe thôi thì đã xứng đáng để dốc lòng dốc sức cống hiến rồi. Đại tướng luôn lặp lại với chúng tôi lời Hồ Chủ tịch: Tất cả là vì dân. Người nông dân đi gieo hạt, có lúc bội thu, lúc thất mùa còn bị mất trắng, bị lỗ vốn, toi công kìa chứ. Còn bao nhiêu anh em đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Mình còn đây là quý lắm rồi.

Các bạn trẻ bây giờ nhất định có nhiều cơ hội để nêu lên những ý kiến, sáng kiến, chủ kiến của mình hơn chúng tôi ngày ấy, có nhiều cơ hội để đóng góp hơn. Cái các bạn thiếu chính là chữ “Nhẫn”.

Tôi theo dõi thấy nhiều bạn hay đưa ra những yêu cầu, đòi hỏi, có lúc lại trách móc, than vãn rằng mình thiếu cơ hội, bị đối xử bất công. Nếu các bạn biết nhìn vào những người đi trước như chúng tôi, trước nữa như thế hệ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sẽ thấy mình không có cớ gì mà chùn bước trước những rào cản đó. Trải qua cuộc đời, tôi thấy một sự thật: bên cạnh rất nhiều điều kiện khác, không có nhẫn nại sẽ không làm được việc lớn.

Đối thoại bình đẳng với học sinh sinh viên

* Nói vậy nhưng học được sự “Nhẫn” ở tuổi trẻ thật sự rất khó, thưa ông. Làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông thấy họ thể hiện lòng tin vào giới trẻ thế nào?

- Thời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chúng tôi tổ chức một sự kiện thường niên: gặp gỡ các học sinh sinh viên giỏi tại Phủ thủ tướng hay hội trường Ba Đình vào dịp 20-11. Dịp nào Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đến dự, cả trước và sau khi ông được giao nhiệm vụ phụ trách khoa học - giáo dục.

Hai ông rất tâm đầu ý hợp trong đối thoại với giới trẻ. Cần nhấn mạnh ở đây là đối thoại bình đẳng, yêu cầu hiến kế chứ không phải mời sinh viên học sinh đến nghe lãnh đạo độc thoại. Từ Thủ tướng đến Đại tướng đều thay phiên nhau ra những đầu bài cho sinh viên thảo luận, gợi ý những câu hỏi để dẫn dắt vấn đề. Và vấn đề được đặt ra cũng rất thời sự, nóng bỏng như: Làm thế nào để chống tham ô, lãng phí, quan liêu? Làm thế nào để đẩy mạnh sản xuất, gia tăng năng suất? Học gì để đóng góp được nhiều nhất cho đất nước?...

Có một buổi, Đại tướng phân tích cho các bạn trẻ nghe về những thói xấu của con người nói chung và người Việt nói riêng. Một trong những thói xấu của người Việt được nhấn mạnh đó là không đoàn kết, không hợp tác. Đặc điểm này đã được nhiều người nhắc đến và luôn được nhắc đi nhắc lại nhưng ngày hôm nay, tôi thấy nhiều người Việt chúng ta còn mắc rất nặng.

* Hôm nay, nhìn vào dòng người mỗi lúc mỗi dài trước cổng nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thấy rõ lòng dân hướng về Đại tướng như thế nào. Đây có thể là một cơ hội để khơi dậy một sức mạnh chung của cả dân tộc hay không, và nếu như thế chúng ta nên nằm lòng điều gì trong di sản của Đại tướng để làm hành trang?

- Đúng là Đại tướng đi xa mà vẫn còn để lại một cái phúc lớn cho dân tộc. Những khó khăn, khuất khúc những năm qua có phần nào làm lòng người hoang mang, ly tán, nay đột ngột lại đồng cảm, nắm tay, chung lòng với nhau trong một nỗi tiếc thương chung. Hãy mang theo lời dặn “Đoàn kết” của Đại tướng và Hồ Chủ tịch, cộng với cách nhìn đời nhân hậu của Đại tướng: “Với rác rưởi thì quét đi, đừng bươi ra để thành nhà rác, đời rác. Cần phải nhìn vào những cái đẹp, cái tử tế, lấy đó làm “sở cứu”, nuôi dưỡng hi vọng và niềm tin”. Đó là lời mà Đại tướng tâm tình với cố vấn Phạm Văn Đồng mà tôi đã nghe được. Thái độ sống rất đẹp ấy ông đã truyền cho chúng tôi và nhân cơ hội hôm nay, tôi trao lại cho các bạn.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp