Tin tức về vụ đào tẩu của phó đại sứ Triều Tiên ngập tràn trên truyền thông Hàn Quốc - Ảnh: Reuters |
Chính quyền Seoul chính thức xác nhận ông Thae Yong Ho cùng gia đình đã đến Hàn Quốc trên một chuyến bay thẳng từ Anh. Trong khi đó, đến nay phía Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào về vụ việc.
Thành phần ưu tú
Trong số gần 27.000 trường hợp người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, phó đại sứ Thae nổi lên như một “nguồn tài nguyên có giá trị” có thể làm sáng tỏ những bí mật của người hàng xóm phía Bắc.
Điều này xuất phát từ hai lý do: xuất thân danh giá của ông Thae và uy tín đặc biệt của ông này tại Triều Tiên.
Tiến sĩ Victor Cha - giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ - nhấn mạnh:
“Đại sứ quán Triều Tiên tại London chỉ dành riêng cho một số quan chức cấp cao hàng đầu của Bộ Ngoại giao. Vụ đào tẩu của ông Thae là một trong những cuộc trốn chạy của những người giỏi nhất và ưu tú nhất của Triều Tiên”.
Thông thường, cứ mỗi ba hoặc bốn năm, Bình Nhưỡng sẽ triệu hồi các quan chức ngoại giao về nước để “quán triệt tư tưởng” trước khi cử đi làm nhiệm vụ ở nước khác.
Tuy nhiên, trước khi đào tẩu sang Hàn Quốc, ông Thae đã làm việc liên tục ở London suốt 10 năm, một thời gian dài bất thường đối với một quan chức cấp cao.
Đáng chú ý, ông Thae còn được phép đưa theo cả vợ và con ra nước ngoài. Theo AFP, để tránh các trường hợp bỏ trốn, chính quyền Bình Nhưỡng buộc các nhà ngoại giao không được phép đem theo đầy đủ gia đình.
Do đó có thể thấy Bình Nhưỡng đã dành rất nhiều đặc quyền chưa từng có tiền lệ với phó đại sứ Thae.
“Tất cả những điều này cho thấy ông Thae có uy tín hoàn hảo và phải được coi là rất trung thành và đáng tin cậy tại Bình Nhưỡng” - giáo sư Yang Moo Jin, thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhấn mạnh. Điều này một phần có thể xuất phát từ thân thế danh giá của ông Thae và vợ.
Cha của ông Thae là tướng bốn sao Thae Pyong Ryol, người đã cùng chiến đấu với lãnh tụ Kim Nhật Thành trong thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Vợ ông Thae, bà Oh Hae Son, là con gái của một trong những lãnh đạo cấp cao của phong trào du kích chống Nhật - ông Oh Baek Ryong.
Công khai hay mai danh ẩn tích?
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, ông Thae sẽ chọn con đường nào: làm việc cho Viện Chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc (INSS) để được hưởng cuộc sống an nhàn và được bảo vệ, hay chọn cách sống mai danh ẩn tích để bảo đảm an toàn cho gia đình?
Một trường hợp tương tự là ông Kim Kwang Jin làm việc cho INSS - một đơn vị trực thuộc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc. “Để sống ở đây, mọi người cần phải có công việc và Chính phủ Hàn Quốc đã tạo công ăn việc làm cho họ. Tôi đã từng làm việc cho INSS” - ông Kim nói.
Còn ông Choi Ju Hwal, một đại tá quân đội Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc năm 1995, nhấn mạnh: “Chính phủ Hàn Quốc sẽ không trả tiền cho ông Thae mà không được lợi ích gì. Rất có thể họ sẽ sắp xếp cho ông ấy một công việc tại INSS”.
Thời điểm năm 1995, ông Choi là quân nhân cấp cao nhất của Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Tại Seoul, ông Choi làm việc cho INSS gần 15 năm, từ năm 1997-2012 trước khi xin nghỉ việc và trở thành người đứng đầu Hiệp hội những người đào tẩu từ Triều Tiên.
Mặc dù vậy, ông Choi nhận định nhiều khả năng phó đại sứ Thae sẽ chọn cách sống ẩn dật. Hầu hết những người đào tẩu sang Hàn Quốc đều hạn chế xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp của ông Kim với vai trò như một chuyên gia về Triều Tiên.
Trong khi đó, phó đại sứ Thae đã có một “hình ảnh” quá nổi bật và được biết đến rộng khắp với tư cách là đại diện ngoại giao của Triều Tiên tại Anh. Ông Choi tin rằng nhà cựu ngoại giao sẽ chọn cách kín tiếng.
“Ông Thae có thể sẽ không xuất hiện nhiều bởi ông ấy còn phải nghĩ cho sự an nguy của gia đình, những người ông ấy đã đem theo. Chọn cách kín tiếng sẽ ít gây tổn hại đến người thân xung quanh ông ấy hơn, vì vậy tôi không nghĩ ông Thae sẽ tham gia các hoạt động công khai” - ông Choi bình luận.
Hiện Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc vẫn từ chối đưa ra bình luận về sự việc của ông Thae. Cả ông Choi và ông Kim đều thừa nhận cảm thấy lo lắng cho sự an nguy của mình trong những năm gần đây.
Ông Choi được bốn cảnh sát vũ trang Hàn Quốc bảo vệ 24/24 giờ, riêng ông Kim phải tự thuê vệ sĩ.
Hành trình hòa nhập Phần lớn những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc phải trốn sang nước thứ ba rồi đáp máy bay sang Seoul. Họ bị cách ly trong 180 ngày sau khi tới Hàn Quốc rồi được đưa tới các khu định cư, nơi họ sẽ phải sống trong 12 tuần tiếp theo để thích nghi với cuộc sống mới. Sau khi hoàn thành các chương trình hòa nhập cộng đồng, mỗi người đào tẩu sẽ nhận được 20 triệu won (hơn 18.000 USD) hỗ trợ tìm nhà và việc làm. Tuy nhiên, một số người lại dùng một phần trong khoản tiền này để trả “phí môi giới” cho những người đã giúp họ đào tẩu. Số liệu từ Văn phòng ngân sách Quốc hội Hàn Quốc cho thấy nhiều người cuối cùng chọn cách làm tạp vụ trong các nhà hàng và các vị trí khác, với mức lương thấp chỉ bằng 67% lương trung bình cả nước. Đối với các nhân vật đào tẩu cấp cao của Triều Tiên, quy trình này có thể rất khác. Ông Kim và ông Choi cho biết cả hai đều bị thẩm vấn trong vòng 24 giờ trước khi được đưa đến nơi an toàn. Reuters phỏng đoán quy trình này có thể cũng sẽ được áp dụng cho ông Thae. |
Người tao nhã, dễ mến Theo AFP, trong thời gian làm việc tại London, phần lớn nhiệm vụ của phó đại sứ Thae là phản bác lại các chỉ trích về vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên và những thông tin tiêu cực khác về nước này trên truyền thông. Những nhà báo người Anh đã gặp ông Thae mô tả ông là người dễ mến, tao nhã và có tài ăn nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận