15/10/2016 22:18 GMT+7

Tượng đài Sài Gòn xưa có số phận bi hài nhất

M.D
M.D

TTO - Đó là tượng đài Léon Gambetta, nhà chính trị gia thuộc phái diều hâu khét tiếng của Pháp cuối thế kỷ 19.

Nơi đặt tượng đài đầu tiên ở: ngã tư Norodom (Lê Duẩn hiện nay) - Pellerin (Pasteur) đầu thế kỷ 20. Các dòng chữ dưới bưu ảnh: An Nam (tiếng Hoa) - Nam Kỳ - Quảng trường và tượng Gambetta - Ảnh tư liệu

Léon Gambetta (1838-1882, mất năm 44 tuổi) là thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cộng hòa Pháp  trong hai năm 1881-1882.

Đây là khoảng thời gian Pháp đã xâm chiếm xong toàn bộ Nam kỳ lục tỉnh và chuẩn bị cho việc thôn tính hoàn toàn miền Bắc.

Gambetta  thuộc phái các nhà chính trị Pháp lúc ấy ủng hộ việc xâm chiếm mở rộng thuộc địa Pháp.

Có lẽ vì vậy, ngay sau khi Gambetta mất, khoảng năm 1883, một khu tượng đài đã được dựng lên ngay giữa trung tâm Sài Gòn, thủ phủ Nam kỳ, nơi quân Pháp tấn công và chiếm được đầu tiên.

Nơi đặt tượng đầu tiên: ngã tư Norodom - Pellerin

Cụ thể nơi dựng tượng ở ngã tư Lê Duẩn (tên đường lúc dựng tượng là đại lộ Norodom) - Pasteur (Pellerin).

Đại lộ Norodom (Lê Duẩn hiện nay) nhìn từ dinh Norodom (hội trường Thống Nhất hiện nay) về phía Thảo cầm viên. Quảng trường Gambetta với tượng đài Gambetta ngay ngã tư Norodom - Pellerin (Pasteur). Đường cắt ngang hình là đường Pasteur hiện nay - Ảnh tư liệu
Chính diện nhóm tượng đài Gambetta ngã tư Norodom - Pellerin đầu thế kỷ 20 - Ảnh tư liệu

Tượng đài gồm 3 khối tượng: Gambetta ở vị trí cao nhất, vai phải hướng về dinh Norodom (Dinh toàn quyền Đông Dương), tay phải để trên nòng đại bác đặt dưới chân theo đúng thực tế ngoại giao pháo hạm của Pháp lúc ấy; tay trái chỉ về hướng thành Gia Định (thành Phụng 1835) vừa bị Pháp chiếm trước đó 24 năm (ngày 17-2-1859).

Mặt tượng đài Gambetta nhìn về phía sông Sài Gòn; lưng quay về cuối đường Pasteur hiện nay.

Hai khối tượng còn lại tạc hai người lính Pháp trong các cuộc xâm chiếm thuộc địa.

Bưu ảnh ghi rõ khu vực đặt tượng này là quảng trường (place). Phải chăng đây là tên gọi đầu tiên của công viên trước mặt hội trường Thống Nhất/Dinh Độc lập hiện nay?

Long đong sang khu vực chợ Bến Thành cũ sau khi giải tỏa chợ

Năm 1912-1914, chợ Bến Thành cũ trên đại lộ Charner (đại lộ/phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay) bị giải tỏa.

Toàn bộ khu đất chợ cũ được cải tạo thành quảng trường, đặt tên là Quảng trường Gambetta. Tất nhiên nhóm tượng đài Gambetta từ ngã tư Norodom - Pellerin phải dời về đây, lấy chỗ cho xe cộ Sài Gòn, nhất là xe hơi vốn lúc này đã đông đúc hơn đi lại cho thuận tiện.

Nhóm tượng đài Gambetta đặt ở gần phía cuối Quảng trường Gambetta, nhìn ra đại lộ Charner; lưng hướng về đường Hồ Tùng Mậu hiện nay (bản đồ Sài Gòn 1928 ghi là đường Georges Guynemer). Tay trái chỉ về hướng đường Ngô Đức Kế (bản đồ Sài Gòn ghi đường Vannier); tay phải  hướng về đường Phủ Kiệt (hiện là đường Hải Triều).

Tượng đài Gambetta cuối Quảng trường Gambetta (khu vực chợ Bến Thành cũ sau khi giải tỏa chợ) năm 1921. Dãy nhà phía sau là dãy nhà trên đường Hồ Tùng Mậu hiện nay, hiện vẫn còn vài nhà. Bên phải ảnh là đường Ngô Đức Kế hiện nay. Chú thích của bưu thiếp ghi "Quảng trường Chợ Cũ (viết hoa) và Tượng Gambetta - Ảnh tư liệu

Đường Hồ Tùng Mậu, mặt sau chợ Bến Thành cũ sáng 7-10. Tòa nhà Bitexco bên phải ảnh hiện nay là nơi mấy chị tiểu thương chợ chồm hổm ngồi khi xưa và là nơi đặt tượng Gambetta sau này  - Ảnh: M.C.

Khu vực đặt tượng hiện nay là tòa nhà Bitexco cao nhất TP.HCM.

Ở đây không được bao lâu, cả khối tượng đài phải dời sang nơi ở cuối để dành chỗ cho tòa nhà kho bạc (tresor).

Nơi ở cuối cùng: Vườn Ông Thượng hay Vườn Bờ-rô

Tức là công viên văn hóa Tao Đàn hiện nay và được đặt phía sau khá vắng và ít người qua lại.

Theo bản đồ Sài Gòn 1947, tượng được đặt giữa đường Trương Định đoạn qua Công viên Tao Đàn, ngã tư với đường nội bộ trong công viên giữa Cách Mạng Tháng Tám và Huyền Trân công Chúa hiện nay (hiện nay xung quanh khu vực này vẫn còn một lối đi nhỏ vòng quanh khu đặt tượng đài).

Nơi ở cuối cùng của tượng đài Gambetta: cuối Vườn Ông Thượng/Vườn Bờ-Rô (công viên văn hóa Tao Đàn hiện nay) - Ảnh tư liệu

Cám cảnh số phận long đong của tượng đài này, người Sài Gòn xưa có câu ca dao: Trên Thượng thơ bán giấy (ly hôn-NV) - Dưới Thủ Ngữ treo cờ - Kìa Ba (tượng đài Gambetta-NV) còn đứng chơ vơ - Nào khi núp bụi, núp bờ - Mủ di đánh dạo bây giờ bỏ em.

Thượng thơ là dinh Thượng Thơ (hiện vẫn còn ở góc ngã tư Đồng Khởi - Lý Tự Trọng); cột cờ Thủ Ngữ cũng còn ở góc sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé, cụ thể ở chân cầu Khánh Hội, góc đường Hàm Nghi hiện nay.

Câu ca dao này được nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển chép trong Sài Gòn năm xưaThượng thơ, Phó Soái  - Thủ Ngữ treo cờ, hò, hơ,  - Bu-don (bouillon), ỏm lết (omelette), bí tết (beaf steak), xạc xây ờ (sacré) - Mũ ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao ơ! Hớ hơ.

(Cụ Vương Hồng Sển chú giải đó là lời của một chị bếp (...) "vừa tế nhị, bình dân. Đố ai sửa chữa hoặc thêm bớt được chữ nào. Ban đầu chị kể đường dài thậm thượt từ trước dinh Thượng thơ trải qua dinh Phó Soái, đoạn đến bờ sông... kể các thức ăn gồm hầm bà lằng xạc xây (sacré) và hổ lốn: nào nước xúp bù don, nào hột gà chiên ỏm lết, nào thịt bít tết... Vừa kể chị vừa nhắc ngày thường chồng vợ nhỏ to thủ thỉ luận câu đạo đức, té ra mấy câu “đánh đạo khuyên đời” này mới rõ dẫu chép ra ắt không đầy tờ giấy lộn ra món ăn (menu): khổ ơi là khổ"). 

Riêng Ba (tượng Gambetta) thì trên bản đồ Sài Gòn 1947 vẫn còn.

Sau đó, khi cuộc kháng chiến chống Pháp lan rộng, kết thúc của tượng khá thê thảm và... bi hài: "chánh phủ Pháp muốn thâu dụng số đồng dùng vào chiến tranh, sai thợ nấu lão Gambetta, thì hỡi ôi! Thân lão là ersatz, đồ đồng giả, không dùng được..." (Vương Hồng Sển - Sài Gòn năm xưa).

3 vị trí tượng đài Gambetta trên bản đồ ngày nay

3 vị trí tượng đài Gambetta trên bản đồ TP.HCM hiện nay: (1) Tượng Gambetta tại Sài Gòn ban đầu nằm giữa đường Norodom (nay là Lê Duẩn) và Pellerin (nay là Pasteur); (2) Tượng Gambetta nằm giữa 4 con đường: mặt trước là Đại lộ Charner (Nguyễn Huệ ngày nay), mặt sau là đường Georges Guynemer (nay là Hồ Tùng Mậu), phía bên phải là đường Vannier (nay là Ngô Đức Kế) và bên trái là Đường Phủ Kiệt (nay là Hải Triều); (3) Tượng Gambetta đặt giữa đoạn đường Trương Định khi chạy qua Công viên Tao Đàn - Đồ họa: T.Thiên

M.D
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp