Phóng to |
Theo kế hoạch, tượng đài Nam bộ kháng chiến sẽ được dựng trong công viên 23-9, phía gần chợ Bến Thành. Về tiêu chí nội dung, tượng đài phải thể hiện được khí phách của người dân Việt Nam trong ngày Nam bộ kháng chiến. Cả quần thể kiến trúc sẽ giáo dục, nhắc nhở cho thế hệ mai sau tinh thần Nam bộ kháng chiến.
“Thành phố mình hiện không có tượng đài nào coi được. Theo tôi, chúng ta phải xây dựng quần thể này sao cho đẹp, có ý nghĩa xuyên suốt 30 năm kháng chiến. Đây là một công việc cần có sự chuẩn bị, thời gian sáng tác quy mô, nghiêm túc”, nhà nghiên cứu - nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng phát biểu.
“Cần xây dựng được một công trình hoành tráng, khắc họa cho được tinh thần ngày Nam bộ kháng chiến. Làm tốt thì mai này, cả những người Việt ly hương cũng bảo con cháu về quảng trường mà xem khí phách của cha ông ngày ấy”, đồng chí Dương Đình Thảo nói.
Với hy vọng thành phố có thể “làm một cái để đời”, các nhà cách mạng lão thành cho rằng đây là một công trình cần có thời gian sáng tác nghiêm túc. Phải nói rõ lịch sử, kể cho được tinh thần ngày 23-9 cho những nhà thiết kế tượng đài, để những người này có thể truyền tinh thần ấy vào tác phẩm, gửi đến những thế hệ sau.
“Đây là công trình có giá trị tiêu biểu, ý nghĩa lịch sử lớn lao. Dù là công trình đánh dấu 30 năm giải phóng Sài Gòn, nhưng để thể hiện được chân giá trị, quần thể kiến trúc này không giới hạn thời gian thực hiện trong năm 2005” - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn mẫu tượng đài phát biểu.
Hy vọng rằng, tâm huyết của những nhà cách mạng lão thành, quyết tâm của lãnh đạo UBND TPHCM và tài năng của những họa sĩ, kiến trúc sư sẽ tạo được cho thành phố một tượng đài hoành tráng, để mọi người tìm đến xem và nhớ…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận