Vòng tròn bất tử ở Tượng đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma - Ảnh: TRUNG TÂN |
Trước khi có một quần thể kiến trúc tôn nghiêm, hoành tráng như công trình Đài tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma ở Cam Lâm (Khánh Hòa) thì gần ba chục năm nay, hình bóng của 64 người lính hải quân nằm lại giữa trùng dương vào buổi bình minh của ngày 14-3-1988 ấy vẫn chưa bao giờ thôi thổn thức trong buồng tim của nhân dân và Tổ quốc.
Trước khi có tượng đài, những liệt sĩ Gạc Ma vẫn hiển linh trong bữa cơm cúng giỗ hằng năm bên thềm biển Quảng Bình của cụ Hoàng Dỏ, bố của liệt sĩ Hoàng Văn Túy với 64 cái bát, 64 đôi đũa. Cúng cho con, nhưng cũng là cúng cho tất cả đồng đội hi sinh cùng con.
Những liệt sĩ Gạc Ma vẫn hiển linh trong buổi chào cờ giữa sân một trường trung du Quảng Trị với 64 ngọn nến được thắp lên trên một mặt bàn tượng trưng cho mặt biển. Và khói nhang tưởng tiếc.
Ngày 14-3 hằng năm có thể thấy rất nhiều nhắc nhớ về các anh, về vòng tròn bất tử, về máu tuổi hai mươi loang đỏ trên vùng biển chủ quyền.
Công trình mang tên “Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma” nhưng không chỉ là Gạc Ma!
Đó là một truyền kỳ tiếp nối của những người lính đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ nhiều thế kỷ trước đã cưỡi sóng ra đây để khẳng định chủ quyền, dù biết “Hoàng Sa trời nước mênh mông / Người đi thì có mà không thấy về”. Là những tử sĩ đã hi sinh khi bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của đất Mẹ Việt Nam vào tháng 1 năm 1974.
Những ngôi mộ gió thuở ông cha chúng ta ra Hoàng Sa nay vẫn còn im lặng giữa Lý Sơn nào có khác gì những ngôi mộ gió tưởng vọng các liệt sĩ Gạc Ma trên quảng trường Hòa Bình trong khuôn viên đài tưởng niệm bây giờ?
Và không chỉ 64 người lính nằm lại trên vùng biển Gạc Ma, đó còn là anh linh bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống trên quần đảo Trường Sa, trên nhà giàn DK1... suốt mấy chục năm qua.
Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma là một điểm tựa của sự tri ân và lòng tưởng nhớ.
Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma cũng là lời nhắc nhở với hôm nay, với mai sau rằng quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo thuộc Trường Sa của chúng ta giờ vẫn còn bị ngoại bang chiếm giữ.
Đó cũng là lời thề nguyền sẽ đến một ngày trên những hòn đảo đang bị ngoại bang chiếm giữ trái phép kia sẽ lại phấp phới bay quốc kỳ của nước Việt, lá cờ mà trong buổi sáng 14-3-1988 ấy đã được nhuộm đỏ bằng máu của 64 người lính trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận