Sáng 17-5, Thành ủy TP.HCM long trọng tổ chức lễ khánh thành và báo cáo với Đảng bộ, nhân dân TP về hoàn thành đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM. Tại buổi lễ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu. TTO xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu này:
Các em thiếu nhi múa hát tại tượng đài Bác Hồ - Ảnh: Thanh Tùng |
Trong không khí cả nước vui mừng và xúc động kỷ niệm 125 năm ngày sinh Bác Hồ, hôm nay chúng ta họp mặt tại đây để dự lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, nhân dân ta; anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới;
Người đã hiến dâng trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân; Người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực; người bạn thân thiết của các dân tộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị - văn hóa to lớn và sâu sắc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các vị đại biểu, các đồng chí, đồng bào TP mang tên Bác lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Tôi cũng nhiệt liệt hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã chủ động và tích cực triển khai xây dựng, hoàn thành công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác và 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân TP, đồng bào Nam bộ và cũng là niềm vui chung của tất cả chúng ta. |
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
Thưa các đồng chí và đồng bào,
Như chúng ta đều biết, dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.
Đối với cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam, công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn, như non cao, biển rộng.
Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động thực tiễn, nghiên cứu lý luận, đúc rút kinh nghiệm, Người đã rút ra kết luận: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản; không có gì quý hơn độc lập tự do; độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - thành công, thành công, đại thành công...
Và Người đã dày công truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về trong nước, huấn luyện, đào tạo cán bộ, trực tiếp chuẩn bị và tổ chức thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930, để rồi từ đó cùng với Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhân dân Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX: Tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân.
Đối với miền Nam, đối với Sài Gòn, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau; một Sài Gòn chan chứa tình thương yêu - nơi Người đã cất bước ra đi tìm đường cứu nước và luôn cháy bỏng một khát vọng được trở lại Sài Gòn, thăm lại miền Nam.
Như Người đã tâm sự: "Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn... trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi, nhưng nay về nước đã bao nǎm rồi mà mình vẫn chưa về đến chốn".
Khi miền Nam còn chìm trong ách thống trị của ngoại bang và khói lửa chiến tranh, không một phút nào Bác không nghĩ đến miền Nam.
Bác nói: "Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi"; "Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi".
Đáp lại tình cảm thiêng liêng, cao quý của Bác, nhân dân Nam bộ, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã luôn nêu cao lòng yêu nước, kiên định đấu tranh cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng ta, vào Bác Hồ.
Cán bộ, đảng viên và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào nơi đầu sóng ngọn gió, trước sau như một, đều tuyệt đối trung thành với lý tưởng cao cả, luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như một động lực và điểm tựa sức mạnh tinh thần, sẵn sàng hi sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, theo con đường Bác Hồ và Đảng ta đã chỉ ra.
Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thực hiện di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và đồng bào Nam bộ, Sài Gòn - Gia Định đã nêu cao khí phách của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đạp bằng muôn trùng gian nguy, chiến đấu ngoan cường, kiên trung, bất khuất, cùng cả nước thực hiện trận quyết chiến chiến lược mang tên Bác - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xứng danh "Đất thép thành đồng".
Bốn mươi năm đã đi qua kể từ đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử, non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, cũng là ngần ấy năm TP được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu.
Bốn mươi năm xây dựng và phát triển vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM đã phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, chủ động, sáng tạo thực hiện đường lối đổi mới, thúc đẩy kinh tế phát triển, chăm lo đời sống nhân dân, đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, thật sự trở thành trung tâm phát triển về nhiều mặt đối với khu vực và cả nước, đóng góp ngày càng lớn cho đất nước.
Thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của đảng bộ và nhân dân TP, từ năm 2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất chủ trương cho TP.HCM xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau hơn ba năm triển khai thực hiện với tinh thần khẩn trương, tâm huyết, chu đáo, khoa học, công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của nhân dân TP đối với Bác Hồ trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang vừa qua và mãi mãi mai sau.
Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân TP, đồng bào Nam bộ và cũng là niềm vui chung của tất cả chúng ta.
Trong ngày vui hôm nay, bên tượng đài Bác Hồ muôn vàn kính yêu, chúng ta tin tưởng rằng với truyền thống cách mạng vẻ vang, năng động, sáng tạo, đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ tiếp tục đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng TP mang tên Bác ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; thực hiện tốt vai trò là đô thị đặc biệt, "vì cả nước, cùng cả nước", thật sự là đầu tàu của vùng động lực phát triển phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á;
Đồng thời ra sức xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, chính quyền hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, xứng danh là TP mang tên Bác, TP anh hùng, xứng đáng với niềm tin yêu của cả nước.
Tôi mong rằng đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình tượng đài Bác một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước, thương dân, tin Đảng, phát huy truyền thống kiên cường, vẻ vang của TP.HCM, của Việt Nam văn hiến và anh hùng.
Chúng ta nguyện mãi mãi noi theo gương Bác, làm theo lời Bác, đi theo con đường Bác đã vạch ra, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các nước bạn bè trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận