10/10/2017 15:10 GMT+7

Tường Cà và câu chuyện một con đường

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
HÀ THANH - CHÍ TUỆ

TTO - Hơn 11 năm chuyển về nơi bản tái định cư mới, bà con bản Tường Cà, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, Sơn La chỉ mong mỏi một điều duy nhất: có một con đường cho trẻ em đi học bớt cực hay người ốm được chữa trị kịp thời.

Con đường dẫn vào bản tái định cư Tường Cà bị bỏ quên suốt 11 năm qua, học sinh cuốc bộ đi đi về về gần 8km đường mỗi ngày - Clip: CHÍ TUỆ - QUANG DỰ

Cuối năm 2005, 30 hộ dân ở xã Tường Hạ, huyện Phù Yên, Sơn La sinh sống quanh lòng hồ sông Đà thuộc dự án di dân, tái định cư để xây dựng lòng hồ thủy điện Hòa Bình phải di dời về nơi ở mới.

Đến vùng đất mới, họ lấy tên bản là Tường Cà với 32 hộ dân và 140 nhân khẩu sinh sống đến thời điểm này. Thế nhưng, hơn 11 năm trôi qua, con đường dẫn vào bản tái định cư dường như bị… bỏ quên, đá hộc lởm chởm, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đường đến trường "đau khổ" mỗi ngày

Đầu tháng 10. Cơn mưa bất ngờ trút xuống. Tân Lang chìm trong màn mưa trắng xóa. Nước mưa kèm bùn đất từ trên đỉnh núi tuôn xuống xối xả khiến con đường núi ngoằn nghèo dài 3,8km dẫn lên bản Tường Cà trơ ra những hốc đá, mỏm đá nhọn hoắt.

Cánh tài xế xe ôm lắc đầu ngán ngẩm khi chúng tôi có ý định lên bản tái định cư Tường Cà.

"Bản mới hả, không đi đâu à. Trời nắng đi đã ‘xóc ruột’, mưa lớn thế này không đi được đâu" -  một tài xế lắc đầu từ chối.

Thế là đành cuốc bộ. Gần một giờ trầy trật, cuối cùng chúng tôi cũng tới bản Tường Cà. 

Đang ngồi dệt vải bên căn nhà sàn ngay đầu bản, bà Thắng (59 tuổi) nói do cuộc sống ở bản quá khó khăn nên nhiều gia đình đã lũ lượt kéo nhau vào Nam làm ăn. Con gái, con rể đi làm công nhân nên bà lên đây trông nhà và chăm các cháu đi học.

Nghe khách đường xa kể quãng đường cuốc bộ từ trung tâm xã lên bản, bà ngậm ngùi: "Các cô chú không quen thôi, chứ bất kể nắng mưa, sương gió lạnh buốt, bọn trẻ ở đây cũng phải dậy đi bộ đến trường khi nhiều người còn đang ngủ. Thương lắm biết làm sao chừ".

Quá trưa, trên con đường núi ngoằn nghèo dẫn vào bản, vẫn còn nhóm học sinh ôm cặp sách về nhà.

Gương mặt mệt mỏi vì vừa leo núi, Đinh Văn Tường (14 tuổi) hổn hển nói: "Đường đi khó lắm, em đi bộ được 4 năm rồi. Năm đầu thấy mệt, nhưng giờ quen rồi. Hôm nào đi bộ mệt quá thì ngồi nghỉ bên đường".

Nếu có con đường bêtông thì tốt, cho các bạn nữ đi đỡ khổ chứ toàn đá là đá, các bạn đi chậm lắm

ĐINH VĂN TƯỜNG (học sinh lớp 8)

Cũng như Tường, nhiều học sinh ở bản Tường Cà không còn xa lạ với việc cuốc bộ đi đi về về gần 8km mỗi ngày.

Đinh Hồng Phương (học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Lang) cho biết trẻ con ở đây đều dậy từ 5h sáng, mất hơn 40 phút cuốc bộ mới thấy cổng trường hiện ra trước mặt.

"Mưa khiếp lắm, đường trơn trượt, bọn em bị ngã nhiều lần rồi. Có hôm bẩn hết hết người nhưng không dám về thay đồ vì sợ muộn, cứ thế mặc quần áo ướt đến lớp. Mùa đông trời tối, sương mù, bọn em phải lấy đèn pin soi đường. Mưa to không đi dược dép, đứa nào cũng đi chân đất" - Phương thật thà kể.

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 3.

Sau 10 năm đi vào sử dụng, hiện con đường chỉ còn lại trơ đá. Người dân ở đây mong muốn có một con đường "cứng hóa" để đi lại thuận lợi hơn - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 4.

Mỗi cơn mưa xuống, nước chảy từ trên đỉnh xuống khiến mặt đường bị xói mòn, trơn trượt - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 5.

Đinh Hồng Phương (học sinh lớp 8 Trường THCS Tân Lang) cho biết dù đường khó đi, trơn trượt nhưng nắng, mưa, sương lạnh các em vẫn đi học đầy đủ - Ảnh: CHÍ TUỆ

Lớp học, nhà văn hóa bị... bỏ quên

Vào đến bản, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là cảnh nhà văn hóa bản Tường Cà bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, hở trước hổng sau.

Cách đó chưa đầy 100m là lớp học cắm bản với 4 phòng học thuộc điểm trường mầm non và tiểu học xã Tân Lang cũng trong tình trạng tương tự. Một phòng học mầm non bị tốc hết mái, gạch vữa, cửa sổ, bệ xí vỡ tung tóe và ba lớp học luôn trong tình trạng dột ướt.

Đường đã bị… bỏ quên, lớp học cũng xuống cấp, các cô giáo rất vất vả để dạy chữ cho những đứa trẻ từ tuổi mầm non, dạy lớp ghép tiểu học 1-2, 3-4 với tổng số 38 học sinh.

Trong lớp, cô giáo Đinh Thị Ngân (25 tuổi, giáo viên mầm non) chưa kịp lấy lại tinh thần khi vừa ôm mấy đứa trẻ chạy mưa, dồn học sinh từ lớp mầm non sang tiểu học trú nhờ.

"Sấm sét đùng đùng, tôi hét ‘Chị Linh ơi (cô giáo dạy tiểu học - PV), làm thế nào với học sinh em? Quay lại học sinh: ‘Các con ơi, chạy thôi’, vậy là chạy không kịp cầm dép. Trẻ con cũng sợ khóc thét lên" - cô Ngân kể lại.

Mưa to, sấm sét đùng đùng trong khi lớp học mầm non được lợp bằng mái tôn, các cô giáo không còn phương án nào khác là phải dồn lớp.

Những hôm trời mưa to quá, cô trò không học được bài vì nước mưa rơi trên mái tôn to quá nói không ai nghe nên đành để ngớt mưa hoặc kèm giảng vào buổi học khác.

Nhưng cái khó về lớp học còn chưa thấm vào đâu với con đường "đau khổ" ám ảnh các cô giáo vượt đường đến đây cắm bản.

Hôm nào mưa đường trơn trượt, phải vừa dắt vừa đẩy tìm cách vượt qua. Nhưng mưa to quá thì phải ngủ lại phòng giáo viên luôn. Đêm sợ lắm vì quanh đây còn bãi tha ma, nhưng cả gan chạy xe thì còn chết nữa

Cô ĐINH THỊ NGÂN (giáo viên mầm non))

Lớp học mầm non ở bản Tường Cà bị xuống cấp nghiêm trọng, giáo viên và học sinh đến lớp đều nơm nớp lo sợ mỗi khi trời dông gió. Nhà văn hóa cũng trong tình trạng bỏ hoang - Clip: CHÍ TUỆ - QUANG DỰ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 8.

Nhà văn hóa bản Tường Cà xây kiến cố nhưng bỏ hoang nhiều năm nay vì xa bản - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 9.

Cỏ dại mọc um tùm trong nhà văn hóa - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 10.

Một trong hai lớp học mầm non ở bản Tường Cà bỏ hoang. Lớp bên cạnh không khá hơn, mỗi khi trời mưa là dột khắp lớp - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 11.

Cửa chính, cửa sổ lớp học cũng không còn nguyên vẹn. Hiện các em đang phải học ghép lớp - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 12.

Lớp học hư hỏng không được sửa chữa khiến phòng học của các em bị bỏ hoang nhiều tháng nay - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 13.

Cô và trò chỉ mong các cấp chính quyền sớm sửa chữa để các em có lớp học an toàn - Ảnh: CHÍ THUỆ ​

 Bà bầu cuốc bộ đi đẻ

Câu chuyện bà bầu ôm bụng thà đi bộ chứ không đi xe nghe chừng bi hài nhưng là sự thật đang diễn ra ở bản mới tái định cư này.

Con trai mới sinh chưa thầy tháng, chị Đinh Thị Chung (28 tuổi) khiếp đảm kể lại chuyện đi đẻ: "Tối ăn cơm xong, đau bụng quá, biết sắp đẻ rồi. Ban đầu chồng chạy xe máy chở nhưng đường xóc quá, mình hét ‘Dừng lại, dừng lại’... Rồi mình ôm bụng bầu, hai người đàn ông hai bên dìu dần xuống đường cái mới thuê được xe xuống bệnh viện".

Ông Đinh Văn Lịch - bí thư chi bộ bản Tường Cà - chia sẻ, khó nhất là vào ban đêm xe máy không dám qua đường đèo, gặp trường hợp ốm đau phải hô hào người dân đem võng đi khiêng. Còn mùa mưa thì phụ huynh đưa con đi học bằng xe máy rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.

Đường sá khó khăn khiến việc buôn bán hàng hóa, nhu yếu phẩm cũng bị thương lái ép giá. Giá ngô ở đây chỉ bán được 3.000 đồng/kg trong khi ở trung tâm bán 3.500 đồng/kg vì lấy thêm tiền xăng, tiền hao mòn xe…

Rất nhiều lần họp dân lấy ý kiến, ai cũng mong mỏi một con đường vào bản mới để học sinh, phụ huynh chở con em đi học, người ốm đau bớt khổ.

"Chúng tôi không thể tự mình làm được vì đường quá dài và quá to. Bà con yêu cầu phải làm đường nhựa cho dân nhưng xã trả lời khi nào có nguồn vốn mới đầu tư. Chúng tôi cứ đợi ngày này qua tháng nọ mãi" - ông Lịch buồn rầu nói.

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 14.

Con đường dẫn lên bản Tường Cà trơ đá hộc khiến cho việc đi lại của bà con rất khó khăn - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tường Cà và câu chuyện một con đường - Ảnh 15.

Gần 4km đường từ trung tâm xã Tân Lang lên bản Tường Cà trơ đá hộc, người đi bộ dễ hơn đi xe máy - Ảnh: CHÍ TUỆ

Xấu một chút thôi, chưa đến mức xấu lắm!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Văn Nguyên - chủ tịch UBND huyện Phù Yên - cho biết con đường từ trung tâm xã Tân Lang vào bản Tường Cà làm được hơn chục năm nay nhưng quá trình sử dụng bị xuống cấp dù đã duy tu, sửa chữa.

Theo vị chủ tịch này, do "chưa có vốn nên đành chịu", danh mục trung hạn cũng chưa có nên chưa thể làm được đường cho dân.

Đường thì là đường vào một bản thôi, có mấy chục hộ nên chưa có tiền để cứng hóa… Sử dụng 10 năm rồi trôi đất, xấu một chút thôi chưa đến mức độ xấu lắm, nhiều bản còn xấu hơn. Nhưng hiện tại không có vốn thì đành chịu

Ông ĐÀO VĂN NGUYÊN (chủ tịch UBND huyện Phù Yên)

Ông Nguyên cũng cho hay huyện mới đến kiểm tra tại bản, đường vẫn đi được tốt dù không thể… nhẵn bằng đường nhựa. Địa phương cũng muốn giải quyết, nâng cấp đường cho bà con đi lại đỡ vất vả, nếu có vốn sẽ triển khai ngay, còn trước mắt chỉ có thể duy tu, sửa chữa nhỏ.

Trả lời về trường học bị tốc mái, ông Nguyên khẳng định từ giờ đến cuối năm học sẽ cho sửa lại. Hiện chính quyền đã lập dự toán, thiết kế để lợp lại mái để cuối năm các cháu có lớp học.

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp