Tác giả Trường Lân (hàng đứng đầu tiên, thứ tư từ trái sang) trong một khóa tập huấn do Trung tâm Pháp ngữ hỗ trợ công nghệ giáo dục (CNF) tổ chức năm 2016
Vào một chiều thu 2006, khi lá vàng đã nhuộm kín hàng tiêu huyền dọc đại lộ Félix Viallet, có một người Việt Nam bước ra từ Học viện Bách khoa quốc gia Grenoble (Pháp). Anh vừa nhận tin mẹ mất ở quê nhà mà không về được vì chuyến bay không còn chỗ và thẻ lưu trú đang gia hạn.
Anh cứ bước đi, bước mãi trên những vệ đường lác đác lá vàng khi màn đêm buông xuống mà không biết mình sẽ về đâu trong thành phố quê hương của Stendhal (1783-1842). Bỗng thầm thì trong anh một giọng nói Việt Nam: "Bao người mẹ của tôi, những phụ nữ đang oằn lưng trên ruộng lúa. Trong lời nguyện cầu và ánh sáng, tôi gặp lại anh em mình, chạm vào hồn mình, vào cội nguồn và đất mẹ" (Bonjour Vietnam).
Bài Quỳnh Anh và Star Academy đăng trên Tuổi Trẻ Online ra đời như thế. Đây cũng là chuyện của tôi mười lăm năm trước.
Tôi viết cho Tuổi Trẻ Online từ năm 2005. Trong bản thảo đầu tiên, thay vì gửi riêng thành hai tập tin, tôi đã chèn ảnh vào văn bản khiến biên tập viên phải tốn thêm thời gian xử lý. Từ đó, tôi thường đối chiếu bản thảo với bài được đăng và tự rút ra bài học để đáp ứng tốt hơn yêu cầu biên tập.
Nếu bài đầu tiên của tôi trên Tuổi Trẻ Online còn mang tính tình cờ thì loạt bài về Marc Lavoine và Phạm Quỳnh Anh lại là duyên nợ. Đó là lúc tôi thẫn thờ lang thang khắp Grenoble khi nghe tin mẹ mất mà không về được, nức nở vì nhớ đến lời bài hát Bonjour Vietnam.
Đối với tôi, viết cho Tuổi Trẻ Online không chỉ là tình cờ mà còn là duyên nợ vì Tuổi Trẻ Online không chỉ là một tờ báo mà còn là người bạn tin cậy để tôi thổ lộ tâm tình.
Trong một bức thư gửi Quách Tấn (1910-1992) sau này được đưa vào tuyển tập Những bức thư đầm ấm, Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) dùng từ "bán món" để chỉ cảnh túng tiền, phải đem đồ đạc trong nhà bán từng món, sống cầm hơi. Những năm đầu về lại quê hương, tôi cũng "bán món" vì lương thấp và không hề có thu nhập nào khác. Việc tiếp tục viết bài cho Tuổi Trẻ Online giúp tôi bớt "bán món" và có thể theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học ở quê nhà.
Năm 2010, bài Người gửi những trăn trở giáo dục vào toán học của Lan Phương đăng trên Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online mang lại cho tôi cơ hội mới: một số cơ sở đào tạo trong nước mời tôi giảng dạy và hướng dẫn học viên cao học. Ân tình đó tôi mãi mãi không quên.
Mặc dù chỉ là trải nghiệm cá nhân, những gắn bó của riêng tôi với Tuổi Trẻ Online có thể nhìn qua lăng kính xã hội để đánh giá toàn diện hơn 18 năm hình thành và phát triển của Tuổi Trẻ Online.
Qua 18 năm, từ cô bé dễ thương trở thành thiếu nữ xinh đẹp, Tuổi Trẻ Online đang là một tờ báo nổi tiếng và có bản sắc riêng mà tôi may mắn là bạn đọc và cộng tác viên.
Tuổi 18 là một mốc son đặc biệt, vừa ghi nhận những đóng góp quý báu của Tuổi Trẻ Online cho xã hội, vừa đánh dấu sự trưởng thành của tờ báo và hướng đến những đổi thay trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tuổi Trẻ Online ơi, hẹn bạn những sinh nhật kế tiếp nhé!
Cầu nối bốn phương với quê nhà
Độc giả Quỳnh Iris de Prelle
Tôi là thế hệ đầu tiên ở Việt Nam lớn lên cùng blog và mạng xã hội của thời kỳ Internet. Sau đó là các báo trực tuyến ra đời. Cùng với báo in truyền thống, bạn đọc có thêm kênh thông tin nhanh và tiện ích.
Theo dòng chảy cuộc sống và những đổi thay, tin tức thời sự và văn hóa bốn phương cùng nhịp cầu thế giới, Tuổi Trẻ Online có những thành công riêng trong cơn 'bão mạng' giữa tin tức giật gân và gây sốc. Tin cậy và trung thực, đó là những gì tôi tìm thấy được ở những bài viết cũng như những trang tin của Tuổi Trẻ Online.
Từ khi tôi xa Việt Nam, Tuổi Trẻ Online đã luôn đồng hành cùng tôi và gia đình cũng như người thân ở quê nhà vào lúc xảy ra đánh bom ở Brussels hay những dịp Tết về... Báo còn đăng những bình luận mang tính xây dựng, đóng góp của tôi như một tiếng nói dành cho quê hương.
Một thế hệ tương lai của thời kỳ biến đổi khí hậu và những thức tỉnh không quá muộn, mong rằng Tuổi Trẻ Online có thêm mục Thời tiết hằng ngày với thông tin về dự báo thời tiết cũng như phân tích chuyên môn để bạn đọc và người dân có thêm thói quen sống và ý thức hơn về chính không gian và môi trường khí quyển của mình, đó là một cách bảo vệ sức khỏe cũng như ý thức về tự nhiên cận kề hay những bất thường cực đoan.
Việt Nam đang hướng tới tương lai với những cam kết trở thành một đất nước xanh và năng lượng tái tạo, cần thêm chuyên mục Biến đổi khí hậu để chứa đựng những thông tin về kinh tế sạch và xanh, môi trường xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng cho việc chống biến đổi khí hậu, quy hoạch đô thị xanh, bảo vệ rừng đầu nguồn và trồng thêm rừng, cây xanh…
Chúc quý báo và ban biên tập những ngày tràn đầy năng lượng và sức khỏe, an toàn trong đại dịch này. Chúc những chuyên mục mới ra đời và những không khí mới của một tờ báo lịch sử và tiếng vọng của nhiều thế hệ thanh niên tuổi trẻ nhiệt huyết, căng tràn sức sống.
Quỳnh Iris de Prelle (Từ Brussels, Bỉ)
Nhân sinh nhật lần thứ 18 (1-12-2021), Tuổi Trẻ Online xin được chờ đón bài viết của bạn đọc bốn phương nói lên những tâm sự, kỷ niệm, cảm xúc của mình với tờ báo dành cho các bạn trong 18 năm qua; xin chờ đón những lời góp ý, ý tưởng, hiến kế, đặt hàng từ bạn đọc để chúng tôi phục vụ bạn đọc ngày càng tốt hơn, xứng đáng là "người bạn" của quý độc giả xa gần.
Mời bạn đọc gửi bài viết về email: [email protected], hoặc để lại bình luận dưới bài viết. Chân thành cảm ơn bạn đọc!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận