Từ khi con và chồng chết, bà Lê Thị Bưởi (huyễn Trà Cú, Trà Vinh) lủi thủi một mình trong Bệnh viện Ung bướu TP.HCM |
Chuẩn bị 30 chiếc chăn, mới đi từ đầu cổng đến gần nửa khuôn viên bệnh viện chúng tôi đã phát hết. Một người lắc đầu trước gói quà của chúng tôi, chỉ tay về góc tối hành lang: “Phát cho bà đằng kia, tội lắm cô chú!”...
Chờ tết để đi thắp nhang
Nơi đó, bà Bưởi (Lê Thị Bưởi, 58 tuổi, huyện Trà Cú, Trà Vinh) nằm co quắp trên mảnh chiếu mỏng dính. Vừa nghe hỏi, bà đã ràn rụa nước mắt: “Từ bữa bị bịnh đến giờ ăn gần cả chục cái tết trong bệnh viện rồi. Chồng con tui cũng chết ở đây...”.
Ở Bệnh viện Ung bướu, nhiều người biết hoàn cảnh của bà Bưởi. Nhắc đến chồng con, bà gạt dòng nước mắt. Năm 1998, con trai thứ hai của bà mới 5 tuổi phát hiện bị ung thư máu. Vợ chồng bà bỏ công việc theo con lên TP.HCM sống đời bệnh viện.
Ngoài thời gian ở bệnh viện, hằng ngày chồng chạy xe ôm, còn bà đi cắt chỉ công nghiệp chắt góp từng đồng để chữa trị cho con. Ba năm trời hết vay nợ, bán đất bán nhà nhưng số phận nghiệt ngã vẫn cướp đi đứa con trai của ông bà.
Tám năm sau bà Bưởi phát bệnh ung thư vú. Hai vợ chồng bà một lần nữa lên thành phố mưu sinh ở vỉa hè, đường phố để đến hẹn lại vào viện. Nhưng vậy cũng chưa đủ cho số phận bất hạnh. Chưa đầy một năm sau, chồng bà đổ bệnh ung thư phổi rồi không lâu sau đó qua đời ngay tại bệnh viện này. Chỉ còn lại mình bà và căn bệnh quái ác chực chờ...
Bà mếu máo: “Con và chồng tui chết, mọi người trong bệnh viện gom góp cho quan tài rồi thiêu. Tro cốt gửi chùa trên Hóc Môn, lâu lâu tui khỏe mới lên thắp hương cho hai cha con ổng”.
Rút từ túi hồ sơ bệnh án dày cộm ra hai tấm ảnh 3x4 của chồng và con đã cũ mèm, bà Bưởi kể năm nào gần tết bà cũng mang hai tấm ảnh này lên chùa đặt vào bàn thờ thắp nén nhang cho chồng, con. Đó là việc duy nhất cho bà chút cảm giác tết đang về.
“Hồi còn sống, cứ tết cả vợ chồng và con dù ở bệnh viện nhưng còn có nhau nên đỡ buồn tủi. Giờ nhiều khi nhìn người bệnh bên cạnh có người thân trò chuyện mà ứa nước mắt”. Mấy ngày này đã được xếp lịch mổ nhưng chưa có 3 triệu đồng để đóng viện phí nên bà còn dùng dằng, chờ đợi.
Bà cúi mặt nói thầm: “Tết, có khi may mắn có người cho thêm chút ít, gom vào đủ đóng tiền mổ...”.
Dù còn hơn tháng nữa mới đến tết nhưng mấy ngày nay ở Bệnh viện Ung bướu đã có nhiều người mang đến những món quà nhỏ. Người cái áo cũ, người cái chăn ấm, vài gói bánh kẹo, ít tiền lì xì sớm sẻ chia với bệnh nhân.
Một số bệnh nhân đã dọn dẹp đồ đạc chuẩn bị về quê. Nhưng ở các góc hành lang, mười mấy bệnh nhân có “thâm niên” ăn tết bệnh viện là không động tĩnh gì dù đã vào ngày nghỉ lễ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai (Đồng Tháp) cho biết cả nhà bà đã ăn bốn cái tết bệnh viện. Từ ngày bà Mai phát bệnh ung thư buồng trứng, nhà cửa đều bán sạch.
Vợ chồng ông bà cùng con lên ở luôn tại hành lang Bệnh viện Ung bướu. Ngày tết với ông bà chỉ là những món đồ ăn đóng hộp, quà do nhà hảo tâm biếu tặng. Cái tết xôn xao làng quê chừng như đã xa lắm...
Đắng lòng chờ tết
Ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) lại là một cảnh khác. Trong những ngày cuối năm xôn xao, nhiều người ở đây đang loay hoay chạy vạy từng đồng để chữa trị cho người thân. Giữa trưa, bà Nguyễn Thị Sương (Kiên Giang) ngồi lặng ở góc phòng khoa phỏng, mắt thẫn thờ nhìn đứa con bị cháy toàn thân nằm trên giường bệnh.
Anh Thiệt mới 23 tuổi, là con trai duy nhất của bà. Nhà nghèo, cha mẹ lại đau ốm liên miên nên Thiệt phải bỏ học từ sớm để phụ giúp cha mẹ. Mọi năm, Thiệt chỉ làm thuê trong bờ. Gần cuối năm nay, mấy người bạn rủ ra đảo Phú Quốc làm kiếm tiền về quê tiêu tết nên anh xin cha mẹ đi.
Chưa đầy 20 ngày thì anh bị tai nạn trong vụ chập điện, nổ trạm điện biến thế, bị bỏng 95%. Mấy ngày này hết tiền, chồng bà Sương đang về quê xoay xở, vay mượn để lên đóng viện phí. “Khi ra đi nó còn hứa với mẹ là đi làm cho cha mẹ lấy tiền ăn tết, ai ngờ...” - bà Sương nhìn đứa con đang co giật đau đớn mà nghẹn đắng.
Còn ông Lê Hồng Hiệp (đảo Phú Quý, Bình Thuận) nóng ruột gan vì phải bỏ công việc cuối năm để đưa vợ vào chạy thận. Vợ ông Hiệp bị suy thận mãn tính. Nhà ông có bốn người con, con đầu mới 25 tuổi bỏ học theo nghề biển, ba đứa sau còn đi học, đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ học lớp 3.
Hồi vợ mới phát bệnh, hai vợ chồng ông vào khám bệnh rồi về đi làm còn kiếm được chút tiền trang trải cho đợt khám sau. Năm tháng nay bệnh vợ trở nặng, vợ chồng ông phải ở hẳn bệnh viện. Ông thở dài: “Làm nghề cá, cả năm mong được mùa cá cuối lấy tiền ăn tết, nhưng giờ lại phải ở bệnh viện thế này...”.
Mời bạn chia sẻ “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo” Trong không khí rộn ràng chuẩn bị chào đón Tết cổ truyền của dân tộc, đâu đó cũng có rất nhiều gia đình đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Không chỉ nghèo khó, nhiều người không may mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị rất tốn kém, có người nhiều năm liền phải thường xuyên đón tết ở bệnh viện vì bệnh quá nặng không thể về hay do không đủ chi phí đi lại. Thậm chí có những gia đình không còn nơi để về vì đã phải bán nhà cửa, ruộng vườn lo thuốc thang cho người thân... Với mong muốn sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh để họ có được một cái tết vui tươi, ấm áp phần nào, báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo”. Chương trình dự kiến trao quà tết đến bệnh nhân nghèo đang điều trị tại TP.HCM và Hà Nội (mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, gồm 300.000 đồng tiền mặt và quà tết trị giá 200.000 đồng), đồng thời tổ chức sân khấu “Tiếng cười xuân” phục vụ bệnh nhân và thân nhân tại các bệnh viện nhân đợt trao quà. Báo Tuổi Trẻ rất mong các bạn đọc cùng đồng hành sẻ chia tình yêu thương, góp mùa xuân cho bệnh nhân nghèo. Quà tặng có thể là tiền mặt, những phần bánh kẹo, đường sữa... đều là sự chia sẻ vô cùng quý báu dành cho bệnh nhân và gia đình. Chương trình sẽ tiếp nhận ủng hộ đến ngày 25-1-2016. Mọi đóng góp xin gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và các văn phòng đại diện của báo Tuổi Trẻ. Hoặc chuyển qua tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248 tại Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Nội dung: Ủng hộ “Xuân yêu thương cho bệnh nhân nghèo”. Báo Tuổi Trẻ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận