Đồ họa - NHƯ KHANH
Giải pháp này nếu được thực thi sẽ đảm bảo hài hòa được vai trò quản lý của cơ quan nhà nước, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi của người dân, giải quyết được "điểm nóng" xung đột tại trạm BOT Cai Lậy kéo dài từ tháng 8-2017 đến nay.
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến sau đây:
Ông Trần Quang Chiểu (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội): Dứt khoát phải di dời trạm vào tuyến tránh
Ông Trần Quang Chiểu - Ảnh: L.T.
Dứt khoát phải di dời trạm vào tuyến tránh thì dân mới hết bức xúc. Cách giải quyết không có khó khăn gì quá lớn khi chúng ta thực hiện theo đúng nguyên tắc thị trường và quy định pháp luật.
Theo đó, điểm thứ nhất là cần phân định rõ tài xế không phải trả phí cho đoạn đường hơn 26,5km trên quốc lộ 1 do đã nộp cho quỹ bảo trì đường bộ hằng năm.
300 tỉ đồng mà nhà đầu tư đã bỏ ra để sửa chữa, cải tạo 26,5km này thì Nhà nước phải bỏ ra để trả cho nhà đầu tư, sau khi kiểm toán.
Nếu lãnh đạo Bộ GTVT nói không có tiền do ngân sách khó khăn thì không chính xác. Việc gì đúng thì phải chi chứ không thể nói khó mà đổ hết cho dân gánh chịu. Số tiền lớn chúng ta còn bố trí được, 300 tỉ đồng không phải là quá lớn.
Còn đoạn đường tránh 12km mà nhà đầu tư đã bỏ ra làm, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư ngồi lại tính toán phương án để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Có thể kéo dài thời gian thu phí để hoàn vốn thay vì 6 năm 5 tháng như dự kiến.
Mặt khác, việc lo ngại khi di dời trạm về tuyến tránh thì xe sẽ chỉ chạy trên quốc lộ 1 mà không chạy vào tuyến tránh có thể xảy ra. Nên Bộ GTVT với việc có đủ biện pháp kỹ thuật, như đưa ra khung giờ để quy định xe có trọng tải lớn không được chạy vào quốc lộ 1 nhằm tránh ùn tắc và đảm bảo chất lượng đường...
Như vậy, để xác định dự án sẽ được thu hồi vốn trong bao lâu, cơ quan quản lý cần quyết toán dự án tuyến tránh xem tổng mức đầu tư, mức thu và đánh giá lưu lượng xe cụ thể.
Ông Nguyễn Sự (nguyên bí thư Thành ủy Hội An, Quảng Nam): Tôi mong chờ Thủ tướng ra quyết định
Ông Nguyễn Sự - Ảnh: V.HÙNG
Trong tình hình căng thẳng tại trạm BOT Cai Lậy lúc này, tôi nghĩ giải pháp trước mắt, rất cần thiết, là Chính phủ nên tạm dừng hoạt động của trạm thu phí BOT Cai Lậy, trong lúc chờ kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau đó, Chính phủ có thể tính toán giải pháp lâu dài theo hướng dời vị trí trạm thu phí hiện nay vào đúng vị trí của nó là đường tránh thị xã Cai Lậy.
Cần kiểm toán rõ ràng chi phí nhà đầu tư đã chi nâng cấp 26,5km quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy và Nhà nước dùng ngân sách trả lại cho nhà đầu tư khoản tiền này.
Đồng thời phân luồng và hạn chế xe đi vào thị xã Cai Lậy. Làm được điều này sẽ giải quyết được hài hòa bài toán an toàn giao thông cho thị xã Cai Lậy, cho người dân đi lại qua thị xã và đảm bảo được lợi ích của nhà đầu tư.
Tôi mong chờ Thủ tướng ra quyết định như vậy. Đó sẽ là một sự cầu thị đúng mức và rất trách nhiệm của Chính phủ nhằm giải quyết ổn thỏa "điểm nóng" tại Cai Lậy hiện nay.
Luật sư Hoàng Văn Hướng (giảng viên Học viện Tư pháp): Giải pháp duy nhất và triệt để
Ông Hoàng Văn Hướng - Ảnh: V.TR.
Tôi quan tâm sát sao diễn biến tại trạm thu phí BOT Cai Lậy và thấy rằng Bộ GTVT đã sai khi quyết định đặt trạm thu phí bên ngoài tuyến tránh quốc lộ 1.
Người dân phản ứng là đúng. Căn nguyên của vụ việc nằm chỗ này. Phải trả trạm thu phí về đúng vị trí của nó ở tuyến tránh thì mới giải quyết triệt để vấn đề.
Khi di dời trạm thu phí về đường tránh, Bộ GTVT có toàn quyền đưa ra những quyết định hành chính nhằm hạn chế phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1 vào thị xã Cai Lậy.
Đó là cấm xe tải nặng, xe chở nhiều hành khách, giờ cao điểm... nhằm đảm bảo an toàn cho cư dân địa phương, đảm bảo quyền lợi của người dân và nhà đầu tư BOT.
Đồng thời với việc dời trạm thu phí, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh tăng thời gian thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh lên 10 năm, thậm chí lâu hơn.
Đây là giải pháp duy nhất đối với BOT Cai Lậy, bởi vì nó vừa phù hợp với pháp luật, vừa dung hòa được lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội rất tốt để tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chứng minh năng lực của mình.
Còn ngay lúc này, doanh nghiệp không nên nóng vội và dừng ngay việc đối phó với người dân như vừa qua.
Triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2018.
Trích nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội ngày 21-10-2017 về một số nhiệm vụ và giải pháp đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận