
Cô học trò nhỏ Dương Trần Diệu Anh vẫn nỗ lực vượt khó mỗi ngày để học tốt và thay đổi tương lai - Ảnh: TR.T.HẠNH
Ngày con gái chào đời, người cha tỏ rõ thái độ hắt hủi. Ông tin những lời mê tín dị đoan, không ngần ngại buông những lời độc địa, gọi đứa con gái của mình là điềm gở'.
Ký ức của cô học trò Dương Trần Diệu Anh (lớp 10A3 Trường THPT Đắk Glong, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) toàn những chuyện buồn. Thế nên cô học trò nhỏ bé ấy bảo rằng càng phải học và học thật tốt để thay đổi cuộc đời mình.
Tuổi thơ lớn lên bên bà ngoại
Diệu Anh nhớ hồi mới vào lớp 2 đã bị buộc phải ngồi trước tờ đơn, nắn nót từng nét chữ ghi vào ô chọn sẽ sống với ai. Cô bé chỉ nhớ khoảnh khắc nhìn cô em gái 4 tuổi đang ngồi bên cạnh bà ngoại, trong lòng bà là cậu em trai mới một tuổi rưỡi. Còn ký ức về cha mẹ mờ nhạt lắm.
Cả ba chị em được bà ngoại nuôi, trở thành "đám nuôi báo cô vô tích sự" trong lời xì xầm của họ hàng. Bà ngoại là hơi ấm gia đình duy nhất còn sót lại trong căn nhà vắng tiếng cười của cha và thiếu cả hơi ấm của mẹ.
Mẹ làm công nhân, đi từ lúc trời chưa sáng và về khi phố đã lên đèn. Mẹ lúc ca ngày, khi ca đêm nên cả tuần lễ mẹ con nhiều lúc ngồi ăn cơm nhưng chẳng ai nói với ai câu nào.
Cha mẹ ly hôn, mẹ nghỉ làm công nhân đi xa làm phụ bếp. Những đồng lương ít ỏi mẹ gửi về phụ bà ngoại lo cho ba đứa con cũng chẳng thấm vào đâu.
Dù tuổi cao, bà ngoại vẫn gồng mình đi chà đũa, cạo lụa hạt điều kiếm từng đồng lo cho các cháu ăn học. Rồi bà mở chiếc quán tạp hóa nhỏ, buôn bán lặt vặt làm điểm tựa kinh tế duy nhất của mấy bà cháu.
Ngoài giờ học, Diệu Anh quán xuyến việc nhà, chăm hai em. Cuộc sống chật vật, may mà còn tình thương ấm áp của ngoại sưởi ấm tâm hồn ba đứa trẻ non nớt.
Vậy mà những khó khăn chưa dừng lại khi vài năm trước bà ngoại được chẩn đoán mắc bệnh xơ gan, phải thường xuyên đi bệnh viện mà cũng chưa biết còn cố gắng được bao lâu. Cuộc sống vất vả lại càng eo hẹp hơn.
Riêng Diệu Anh với di chứng bệnh viêm tai giữa từ bé cũng phần nào ảnh hưởng đến thính giác, nên trong lớp luôn được ngồi bàn đầu để có thể nghe được rõ lời giảng của thầy cô.
Càng khó khăn, càng phải học
Gian khó là vậy, Diệu Anh chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ học. Để giúp ngoại, ngoài giờ học, nhất là dịp hè hay cuối tuần, cô bé tranh thủ đi làm thêm. Khoản tiền tích cóp từ việc làm thêm ấy tạm đủ lo sách vở, quần áo đồng phục cho ba chị em mỗi đầu năm học.
Nên ngoài nhiệm vụ học tập của mình, Diệu Anh lo luôn việc chỉ bảo, dạy hai em cùng học. Thầy cô giáo ở trường không còn lạ gì hình ảnh cô học trò dáng nhỏ bé ấy luôn đến lớp đúng giờ bất kể ngày nắng hay mưa. Ẩn sau vóc dáng nhỏ nhắn ấy luôn là nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua khó khăn từng ngày hướng đến tương lai tươi sáng hơn.
Sự nỗ lực của Diệu Anh được đền đáp xứng đáng khi là một trong ba học sinh giỏi của lớp. Trong kỳ thi Olympic cấp tỉnh Đắk Nông cuối tháng 3, bạn đã đoạt huy chương đồng môn lịch sử. Cô gái còn tích cực có mặt trong hầu hết hoạt động phong trào của lớp.
Là giáo viên chủ nhiệm, cá nhân tôi tự hào khi có một học sinh chăm ngoan và nghị lực như thế. Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của Diệu Anh với mọi người và rất mong bạn sẽ được nhận học bổng Chắp cánh ước mơ lần này để phần nào nhẹ bớt gánh nặng trên đôi vai nhỏ bé ấy.
Mời bạn đọc giới thiệu học sinh nhận học bổng Chắp cánh ước mơ
Để giới thiệu, thầy cô hoặc bạn bè cùng trường, lớp hay bạn đọc báo Tuổi Trẻ có thể viết bài không quá 1.000 từ kèm hình ảnh, video clip gửi qua liên kết: . Phải là học sinh có học lực khá - giỏi và đảm bảo các tiêu chí xét chọn của học bổng này.
Bài viết cần khắc họa nỗ lực của các bạn có gia cảnh quá khó khăn (mồ côi hoặc trụ cột, người thân trong gia đình không may mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, con thương binh - liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, học sinh khuyết tật…) song vẫn kiên trì bám trường bám lớp, khát khao học tập.
Học bổng Chắp cánh ước mơ do báo Tuổi Trẻ và Trường ĐH Văn Hiến thực hiện, dành 100 học bổng (400 triệu đồng) cho 30% học sinh THCS, 70% học sinh THPT của các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk. Tổng trị giá chương trình năm 2025 là 5,6 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận