Tuổi thọ các đạo luật chỉ có "trên dưới 10 năm"
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho hay phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội là chủ động từ sớm, từ xa nhưng thực tế đang còn nhiều bất cập.
Ông nói việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh còn nhiều so với chương trình chính thức và việc này diễn ra nhiều năm, khá phổ biến.
Cạnh đó, ông đặt vấn đề về yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có điều chỉnh, bổ sung hay do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện?
Ông Thắng thông tin thêm việc một số dự án luật chuẩn bị gửi đến đại biểu Quốc hội còn rất chậm, không bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quy chế hoạt động của Quốc hội.
Từ đó làm hạn chế rất lớn đến việc nghiên cứu, tham gia của đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội.
"Dường như câu chuyện làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn; cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”.
Một số dự án luật mới ban hành 2-3 năm lại sửa đổi, bổ sung. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân quan tâm và yêu cầu phải được mổ xẻ, có giải pháp khắc phục dứt khoát căn cơ, không né tránh, không nể nang", ông Thắng nêu.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cũng bày tỏ băn khoăn về việc nếu Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực sự tối ưu thì tại sao tuổi thọ các đạo luật chỉ có "trên dưới 10 năm".
Nhiều đạo luật dễ cho cơ quan nhà nước, khó cho người dân và doanh nghiệp
"Nếu tiếp tục tư duy lập pháp theo kiểu cơ quan nào chủ trì sẽ trình dự luật cho Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét đưa vào kế hoạch hằng năm sẽ không tránh khỏi việc Quốc hội vẫn phải chạy theo, bị động khi cơ quan trình chậm", ông Thịnh nêu.
Ông dẫn chứng với việc quan tâm nhiều về dự án Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhưng đến nay vẫn chưa có dự thảo cuối cùng.
"Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Tổng thư ký có nói trong báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ lưu ý nhưng ủy ban phải mạnh mẽ, quyết đoán hơn nữa việc những cơ quan nào vi phạm về thời gian là dừng, không đưa ra Quốc hội. Khi làm được thế thì chắc chắn sẽ nghiêm hết", ông Thịnh đề xuất.
Ông Thịnh cũng cảnh báo tình trạng dự thảo luật bao giờ cũng "cài cắm" những điều có lợi cho cơ quan xây dựng luật. Dù Quốc hội có thẩm tra và quyết định cuối cùng, nhưng cũng khó bao quát được hết các nội dung cài cắm này.
Ông nói thực tiễn cho thấy không cơ quan nào khi xây dựng dự thảo luật không tính đầy đủ lợi ích của cơ quan mình, sau đó mới tính đến các yếu tố khác.
Vì thế, có tình trạng luật được ban hành nhưng dễ cho cơ quan nhà nước, lại khó cho người dân và doanh nghiệp. Điều này đã diễn ra tại nhiều đạo luật và nhiều năm nay.
Từ đó ông đề nghị cần trả lời một câu hỏi là công tác xây dựng pháp luật đã đáp ứng được yêu cầu của đất nước và mong mỏi của người dân hay chưa, và cho rằng đây là vấn đề Quốc hội cần bàn, suy nghĩ thêm.
Tăng cường phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng luật
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ việc tăng cường phòng chống lợi ích nhóm và tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật là trách nhiệm rất nặng nề với các cơ quan tham mưu, đặc biệt là các cơ quan tham gia vào quá trình xây dựng.
Ông đề nghị các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giám sát công tác xây dựng ban hành, tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh chương trình năm nay. Theo đó, bổ sung 4 dự án luật cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận