Chị Hồng Hoa nói rằng chị bước qua tuổi thanh xuân trong nhà xưởng - Ảnh: NGỌC HIỂN
25 năm trước, Nguyễn Thị Hồng Hoa vào nhà xưởng khi vừa tròn 20 - độ tuổi đẹp nhất của đời con gái. Hoa quê ở Bình Phước. Thôi học năm lớp 6, Hoa ở nhà phụ cha mẹ làm rẫy cho đến khi thấy bạn bè đồng trang lứa đi Sài Gòn làm công nhân, Hoa cũng xin cha mẹ đi theo bạn.
Hoa ở trọ gần chợ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp), bảy người con gái cùng ở một căn phòng trọ giá 350.000 đồng.
"Hồi đó mỗi người nộp vào mỗi tháng 50.000 đồng tiền ăn, bữa cơm nào cũng rau muống, chả cá, lâu lâu có chút thịt, chút trứng, biết là khổ nhưng không đứa nào than vì phải dành dụm tiền gửi về quê lo cho gia đình" - chị Hoa nhớ lại.
Làm ở công ty may suốt hai năm nhưng không lên lương, mãi vẫn cứ nhận 300.000 đồng nên chị Hoa nghỉ, chuyển sang làm công ty tư nhân. Làm được bảy năm, chị chuyển đến KCN Tân Bình và làm ở đó suốt 10 năm tiếp theo.
"Coi như cả thời con gái là dành cho nhà xưởng rồi đó, suốt ngày chỉ gắn với cái máy may. Ngày đi làm, đêm về ngủ, đến ngày nghỉ cũng ngủ lấy sức để tăng ca, suốt mấy chục năm đều như vậy" - chị Hoa nói.
Sống ở Sài Gòn hơn hai thập kỷ nhưng nữ công nhân này chỉ loanh quanh ở khu Gò Vấp, đến đường hoa Nguyễn Huệ hình hài như thế nào chị Hoa cũng không hay. Năm 2015, trong lúc làm việc chị thấy khó thở, tay chân tê cứng.
Đi khám, bác sĩ bảo bị suy thận giai đoạn 3, phải nhập viện điều trị ngay. Lương 4,5 triệu đồng nhưng tiền thuốc thang đã ngốn hết 3-4 triệu nên chị buộc lòng phải đăng ký tăng ca nhiều hơn. Cho đến khi không gắng gượng được nữa chị đành bỏ cuộc, mọi chi phí chạy thận đều nhờ vào đứa em gái cũng làm công nhân lo liệu.
"Nhìn lại 25 năm làm công nhân không có gì trong tay, không chồng, không con lại mang trong mình bệnh tật, nhưng nếu cho chọn lại, giữa rẫy điều ở quê và nhà xưởng ở phố, mình vẫn chọn nhà xưởng, không còn lựa chọn nào khác" - chị Hoa ngậm ngùi.
Hiện tại chị Hoa sống cùng em gái Ngọc Bích ở một căn phòng trọ nhỏ tại quận 12. Ngọc Bích cũng tính lấy chồng vì năm nay đã 40 tuổi nhưng nhìn chị gái bệnh tật như thế, cô em này không đành lòng, cứ tạm thời ở vậy nuôi chị.
Mời tham gia diễn đàn
Hưởng ứng Tháng công nhân năm 2018, báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn mang tên "Nâng chất đời sống công nhân" với mong muốn nhận được nhiều ý kiến, giải pháp, đề xuất, hiến kế từ bạn đọc để giúp cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ công nhân lao động trên cả nước.
Diễn đàn cũng là nơi để người công nhân nói về cuộc sống của mình, những trăn trở, suy tư và mong muốn của họ. Mọi ý kiến đóng góp cho diễn đàn xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận