Phóng to |
Tí Ti, Tí Nô và Tí Na (từ trái qua): ba nhân vật dẫn chuyện mới của Tuổi thần tiên - Ảnh: Gia Tiến |
Kỷ niệm 20 năm Tuổi thần tiên, cũng với tiết mục Thế giới tuổi thơ mở màn, khiến những ai lần đầu đến với chương trình háo hức và những người từng xem chương trình này nhớ về ngày xưa. Ngày ấy được xem một chương trình phù hợp với lứa tuổi của mình, với những người bạn như Doraemon, Năm anh em siêu nhân... trong một khán phòng rộng lớn, mát rượi như nhà hát Hòa Bình với sân khấu quay, bàn nâng lên xuống cùng những tiết mục được dàn dựng công phu, đầy màu sắc và vui nhộn đã là “phép tiên” với khán giả nhí một thời.
Thời ấy đã xa. Vậy nên khi thực hiện Trở về tuổi thần tiên, ban giám đốc nhà hát Hòa Bình cùng đạo diễn Tất My Loan đã không khỏi lo lắng liệu trẻ con ngày nay có chịu dứt ra khỏi những trò chơi, thiết bị giải trí hiện đại để đến với một chương trình tạp kỹ không chỉ để giải trí như Tuổi thần tiên? Liệu chương trình vẫn đáp ứng được nhu cầu xem, nghe, học thêm nhiều điều mới lạ từ trẻ? Rất may, những ai đã đến với Trở về tuổi thần tiên đều không thất vọng vì tâm huyết, sự chỉn chu cùng nỗ lực thực hiện một chương trình dành cho thiếu nhi thật tử tế.
Vẫn là một thế giới tuổi thơ rất giản dị với các phông nền mang nét vẽ trẻ thơ, những chú rối, chú hề cùng những ca khúc nằm lòng của bao thế hệ trẻ em VN: Ước mơ hồng, Chiếc thuyền nan, Hoa tay, Em học vần, Em đi chơi thuyền, Em tập lái ôtô, Em đi xe lửa, Bắc kim thang, Con công, Trái đất này là của chúng mình... Bù cho sân khấu quay không còn hoạt động là kỹ thuật chiếu sáng 3D mapping do nghệ sĩ Fernando Toma thực hiện và những bộ trang phục ngộ nghĩnh được nhà thiết kế Minh Khoa thiết kế riêng cho chương trình. Phần âm nhạc và âm thanh cũng được nhạc sĩ Ðức Trí - người đã gắn bó với Tuổi thần tiên từ những chương trình đầu tiên - trau chuốt kỹ càng với những bản phối cùng nhạc cụ “sống”, chứ không phải chỉ bằng một cây keyboard, bởi: “Cảm âm của các bé bây giờ hơn xưa nhiều lắm. Hơn nữa, chúng tôi muốn những âm thanh đầu tiên mà các bé nghe phải là âm thanh chân thật, không phải âm thanh điện tử”. Trên hết, những gì mà êkip thực hiện Trở về tuổi thần tiên muốn gửi gắm là tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước qua ba nhân vật dẫn chuyện “made in Vietnam”: Tí Na, Tí Ti và Tí Nô cùng các tiết mục “nặng ký”: Tuổi thơ (sáng tác: Lê Thương), Cùng nhau hòa đàn (Trần Văn Khê), Lời mẹ ru (Trịnh Công Sơn), xiếc Trần Quốc Toản ra quân...
Ở tuổi 20, Tuổi thần tiên không còn quá sôi nổi, rực rỡ như ngày nào. Nhưng khán giả sẽ cảm nhận được bao trăn trở, tấm lòng của những người làm nghề, những nghệ sĩ dành cho những “búp măng non”: làm sao để các bé có một sân khấu định kỳ đến xem, nghe, giao lưu; làm sao để các bé “hội nhập” mà vẫn biết yêu từng điệu hò, câu hát, cây đàn dân tộc; làm sao để các bé vui chơi mà vẫn luôn biết nghĩ về gia đình, ông bà, cha mẹ; làm sao để dù còn rất nhỏ các bé cũng hiểu rằng phải “cùng nhau giữ nước”. Dẫu những mong mỏi có phần hơi quá sức dành cho con trẻ nhưng Trở về tuổi thần tiên vẫn là “niềm tin rực sáng” trong mùa hè này.
(*) Trở về tuổi thần tiên sẽ giảm 50% giá vé từ suất diễn 30-6 về sau. Chương trình chỉ còn năm suất diễn cuối: 30-6, 7, 14, 21 và 28-7 lúc 15g tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận