Greta Thunberg ngồi bên ngoài tòa nhà quốc hội Thụy Điển nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu vào ngày 28-8-2018 và những người biểu tình tuần hành vì khí hậu tại San Fancisco, California, Mỹ ngày 20-9-2019 - Ảnh: GETTY/REUTERS
Mùa hè năm 2018, Greta đang học cấp III, cô quyết định nghỉ học vào mỗi thứ sáu để biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội Thụy Điển, kêu gọi hành động để chấm dứt khủng hoảng khí hậu và hệ sinh thái.
Trong 18 tháng qua, Greta "đã thành công trong việc tạo ra sự thay đổi thái độ toàn cầu, biến hàng triệu nỗi lo lắng mơ hồ thành một phong trào kêu gọi hành động khẩn cấp trên khắp thế giới", theo tạp chí Time.
Nhân vật của năm 2019
Greta và nhóm cùng cô bé đi thuyền qua Đại Tây Dương để tham gia hội nghị về khí hậu của LHQ tại New York, Mỹ - Ảnh: Ricardo Pinto
Cô gái người Thụy Điển này đã trở thành Nhân vật của năm trẻ nhất trong lịch sử bầu chọn của tạp chí Time.
Từ việc nghỉ học để biểu tình vì biến đổi khí hậu, hành động của Greta lan truyền trên mạng xã hội và cuối cùng dẫn đến phong trào Bãi khóa vì khí hậu, Thứ sáu vì tương lai, kêu gọi giới học sinh, sinh viên ở châu Âu và khắp thế giới nghỉ học để tạo áp lực buộc chính phủ nước họ phải có hành động chống lại biến đổi khí hậu.
Tháng 11-2018, theo Business Insider, Greta đã tổ chức một cuộc biểu tình vì khí hậu kéo dài 2 tuần bên ngoài quốc hội Thụy Điển để yêu cầu chính phủ nước này cắt giảm 15% lượng khí thải mỗi năm.
Hiện nay, Greta vẫn dành ra mỗi thứ sáu hàng tuần để biểu tình. Theo Twitter của Greta, cô bé đang bước vào tuần thứ 72 của hành động vì khí hậu này.
Trăn trở về biến đổi khí hậu từ nhỏ
Dưới đây là cách để cô bé Greta đã vươn lên và trở thành một gương mặt nổi bật của một phong trào mới.
"Cô bé đã đưa ra một lời kêu gọi đầy cảm hứng tới những ai sẵn sàng hành động và khiến những người không sẵn lòng cảm thấy xấu hổ" - tạp chí Time viết về Greta hồi tháng 12-2019.
Nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển nói chuyện với các nhà khoa học khí hậu hàng đầu tại thượng đỉnh COP25 ở Madrid, Tây Ban Nha - Ảnh: AP
Đáp lại sự công nhận của Time, Greta viết trên Twitter: "Tôi chia sẻ vinh dự lớn này với mọi người trong phong trào FridaysForFuture (Thứ sáu vì tương lai) và với các nhà hoạt động khí hậu ở mọi nơi".
Greta đã có những suy nghĩ về biến đổi khí hậu cùng những trăn trở về việc thiếu những hành động để kiềm chế và hạn chế biến đổi khí hậu từ năm 8 tuổi. Cô bé từng nói rằng cô không hiểu vì sao người lớn lại không làm việc để giảm thiểu các tác động của nó.
Greta cho biết cô bị trầm cảm vì dường như không thể cứu lấy hành tinh nữa. Tháng 5-2018, Greta giành chiến thắng trong một cuộc thi viết về biến đổi khí hậu của tờ báo Svenska Dagbladet của Thụy Điển. Chiến thắng này trở thành động lực và là nguồn gốc của sự nghiệp hoạt động vì môi trường của Greta.
Khác biệt là một món quà
Ngoài ra, Greta tin rằng hội chứng Asperger, một dạng rối loạn phát triển, mà cô bé mắc phải là cội nguồn của bản chất hoạt động phong trào mạnh mẽ của bản thân. Trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC, Greta đã chia sẻ rằng "sự khác biệt là một món quà".
Greta cho rằng nếu không mắc hội chứng Asperger thì cô đã không trở thành một nhà hoạt động đầy đam mê và nhiệt huyết như vậy. Nhà hoạt động vì khí hậu trẻ tuổi cũng từng chia sẻ trên Twitter về tình trạng của bản thân, gọi Asperger là "siêu năng lực".
Tháng 3-2019, cô đã dẫn đầu hơn 1 triệu học sinh, sinh viên tham gia vào các cuộc bãi khóa vì khí hậu mỗi thứ 6 hàng tuần. Những người trẻ tuổi tại hơn 123 quốc gia đã nghỉ học để yêu cầu chính phủ có các chính sách chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn và giảm phát thải nhà kính.
Trong sự kiện toàn cầu này, như Reuters đưa tin, Greta phát biểu ở Stockholm: "Chúng tôi được sinh ra ở thế giới này. Chúng tôi sẽ phải sống với cuộc khủng hoảng này cả đời. Chúng tôi sẽ không chấp nhận điều này. Chúng tôi đang biểu tình vì chúng tôi muốn có tương lai và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều này".
Greta cũng từng được đề cử giải Nobel Hòa bình hồi tháng 3-2019 vì những gì cô bé đã đóng góp cho phong trào chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Người truyền cảm hứng
Greta có cuộc trò chuyện với Giáo hoàng Francis tại Vatican - Ảnh: REUTERS
Một tháng sau đó, Greta có cuộc trò chuyện với Giáo hoàng Francis tại Vatican. Giáo hoàng đã ủng hộ mạnh mẽ hành động để kiềm chế biến đổi khí hậu. "Cảm ơn Ngài vì đã ủng hộ và nói sự thật. Nó có ý nghĩa rất lớn" - Greta nói với Giáo hoàng.
Một tuần sau đó, Greta nói với các thành viên quốc hội Anh: "Nhiều người trong các ngài có vẻ lo lắng rằng chúng tôi đang lãng phí thời gian để học hành, nhưng tôi đảm bảo với các ngài rằng chúng tôi sẽ quay lại trường học ngay khi các ngài bắt đầu lắng nghe khoa học, và cho chúng tôi một tương lai".
Greta luôn từ chối đi máy bay. Để di chuyển khắp châu Âu, cô dùng xe lửa. Để tham dự hội nghị hành động vì khí hậu của LHQ tại New York vào tháng 9-2019, Greta đã chấp nhận thách thức mới: đi thuyền sang Mỹ.
Tại Mỹ, cô bé cũng đã có cuộc gặp gỡ với cựu tổng thống Barack Obama ngày 17-9-2019. "Mới 16 tuổi, Greta Thunberg đã là một trong những người truyền cảm hứng tuyệt vời nhất hành tinh của chúng ta" - ông Obama tweet sau cuộc gặp gỡ này.
Greta gặp cựu tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Obama Foundation
Ngoài ra, Greta cũng đã có cơ hội gặp các thành viên của Hạ viện Mỹ để thảo luận về các chính sách biến đổi khí hậu. Thay vì chuẩn bị một bài diễn văn, Greta đơn giản là nộp cho họ báo cáo khí hậu của LHQ năm 2018 với lời gửi gắm: "Tôi không muốn mọi người lắng nghe tôi. Tôi muốn mọi người hãy lắng nghe các nhà khoa học".
Vào ngày 20-9-2019, hơn 4 triệu người đã hưởng ứng lời kêu gọi của Greta và tham gia vào các cuộc tuần hành vì khí hậu tại 161 quốc gia trên thế giới. Người lớn cũng nghỉ làm để tham gia cùng những người biểu tình trẻ tuổi ở hầu hết các thành phố lớn trên thế giới. Đây là cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận