25/07/2014 09:05 GMT+7

Tước giấy phép kinh doanh vận tải

TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG - VĂN ĐỊNH
TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG - VĂN ĐỊNH

TT - Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Bộ GTVT trong văn bản do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký ngày 24-7 gửi các sở GTVT Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Cục Đăng kiểm VN và Công ty cổ phần ximăng Bỉm Sơn.

Chỉ đạo này được đưa ra theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sau khi lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh mật phục bắt sáu xe bồn chở ximăng “siêu quá tải” né trạm cân tối 22-7.

Mạnh tay xử lý

Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An rà soát toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô đối với các doanh nghiệp vận tải vi phạm hoặc thu hồi phù hiệu (xe chở container) theo quy định; báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch - đầu tư xử lý vi phạm theo quy định đối với các doanh nghiệp vận tải có vi phạm đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư (chưa thuộc đối tượng cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô).

Bộ yêu cầu các sở GTVT tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trong địa bàn tỉnh, ngay từ các điểm xếp hàng như nhà ga, cảng, mỏ vật liệu, nhà máy, xí nghiệp, công trình lớn tập trung nhiều hàng hóa để kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc vận chuyển quá tải né tránh trạm cân; giao Sở GTVT Thanh Hóa làm việc trực tiếp với Công ty cổ phần ximăng Bỉm Sơn để làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động vận chuyển ximăng vượt quá tải trọng cho phép của các xe đã bị phát hiện và xử lý ngày 22-7 tại Hà Tĩnh.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm VN rà soát và thống kê toàn bộ các phương tiện chuyên dùng vận chuyển ximăng, đặc biệt là các xe “siêu quá tải” đã bị bắt giữ ngày 22-7 cũng như phương tiện vận tải chuyên chở ximăng của các đơn vị vận tải trên địa bàn tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình; kiên quyết từ chối kiểm định an toàn kỹ thuật đối với các phương tiện vi phạm nếu chưa khắc phục thùng xe để bảo đảm chở đúng quy định.

Đồng thời, ngày 24-7 Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị bộ này chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành đối với việc xếp dỡ và vận chuyển hàng hóa, nhất là ximăng bằng đường bộ; tăng cường tuyên truyền, phối hợp thực hiện với đơn vị của ngành GTVT nghiêm túc triển khai các quy định về tải trọng phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng; kịp thời có biện pháp xử lý đối với các đơn vị có hành vi vi phạm.

Theo Sở GTVT tỉnh Hà Tĩnh, trong số sáu xe bồn “siêu quá tải” có bốn xe của Công TNHH Ngọc Dũng có trụ sở tại tỉnh Nam Định.

Bó tay vì không có biển báo tải trọng

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-7 về thông tin sáu chiếc xe “siêu quá tải”, thượng úy Trịnh Xuân Tùng - trạm phó trạm CSGT tuyến quốc lộ 1 (thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa) và ông Nguyễn Văn Minh - phó trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn đường tránh TP Thanh Hóa) - đều cho biết lực lượng chức năng không phát hiện và không xử lý sáu chiếc xe này.

Theo các CSGT Thanh Hóa, có thể số xe bồn này chạy qua địa bàn Thanh Hóa vào thời điểm anh em CSGT giao ca, ăn cơm, hoặc khi tuần tra, kiểm soát ngược chiều với các xe này. Từ khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý ôtô chở hàng quá khổ, quá tải, trên tuyến đường này xuất hiện các đối tượng chuyên đi dò la thông tin trên đường để nắm được thời gian hoạt động của CSGT và trạm cân lưu động, sau đó báo cho các xe chở quá tải “vượt” trạm cân, hoặc né tránh CSGT bằng việc tấp xe vào quán ăn, cây xăng, chờ CSGT đi qua, giao ca, ăn cơm mới cho xe lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, các đối tượng điều khiển xe quá tải cũng có thể tránh quốc lộ 1 để vào các tỉnh phía Nam bằng việc đi trên đường Hồ Chí Minh...

Hiện nay, một trong những khó khăn cho CSGT Thanh Hóa trong việc xử lý xe quá tải là trên tuyến quốc lộ 1 từ TP Thanh Hóa ra Dốc Xây (giáp với thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) chưa có biển báo tải trọng cầu, đường. Còn tuyến quốc lộ 1 từ TP Thanh Hóa vào đến Khu kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (giáp với thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đang được nâng cấp, mở rộng, biển báo không còn, hỏng. Vì vậy, khi lực lượng chức năng muốn xử lý xe chở quá tải cầu, đường đều không có căn cứ. Lâu nay lực lượng chức năng chỉ xử lý xe quá tải trọng theo thiết kế của xe.

Xe quá tải ung dung vượt trạm cân

innn5FJn.jpgPhóng to
Đoàn xe quá tải nằm “án binh” bên quốc lộ 1 cách trạm cân Phú Bài khoảng 1km, chờ thời cơ vượt trạm (ảnh chụp trưa 24-7) - Ảnh: N.Linh

Tình trạng này xảy ra phổ biến ở trạm cân Phú Bài (Thừa Thiên - Huế). Đây là trạm cân mới được dời về từ thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà, cách đó hơn 35km về phía bắc) sau chỉ đạo của tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện vì hoạt động không hiệu quả, có dấu hiệu “phục vụ lợi ích nhóm”, xe quá tải của địa phương chạy rất nhiều nhưng không bị xử lý.

Trưa 24-7, có mặt tại trạm cân Phú Bài, chúng tôi ghi nhận tổ công tác (gồm lực lượng thanh tra giao thông và CSGT tỉnh) chỉ đón xe một chiều từ Nam ra Bắc (là chiều thuận vì trạm nằm bên phải đường theo chiều Nam - Bắc), còn hướng ngược lại không bị kiểm tra, nhiều xe quá tải ung dung vượt trạm. Trong khi đó, cách trạm cân khoảng 100m về phía nam, nhiều xe quá tải nối đuôi nhau tấp vào lề đường, hoặc đỗ ở cây xăng chờ vượt trạm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Văn Tuân, giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, cho rằng việc dừng xe thuộc thẩm quyền CSGT, phía thanh tra giao thông chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ dừng xe, hướng dẫn tài xế đưa xe vào vị trí cân và cân xe. Vì vậy, khi lực lượng CSGT không có mặt tại trạm thì không thể tiến hành dừng xe, mới có chuyện xe quá tải vượt trạm. Ông Tuân thừa nhận việc trạm cân chỉ kiểm tra trọng tải xe một chiều, để lọt nhiều xe quá tải là sai quy định, lãnh đạo sở sẽ kiểm tra, chấn chỉnh, chấm dứt ngay tình trạng này.

Trả lời về những diễn biến vừa xảy ra ở trạm cân Phú Bài, thượng tá Phạm Văn Thái, trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng trạm Phú Bài chỉ có một bàn cân, nên cân xe này để lọt xe kia là chuyện đương nhiên, không thể một lúc cân 2-3 xe. Theo ông Thái, nếu dừng xe đi hướng Bắc - Nam thì buộc phải quay đầu xe, nên cũng khó. Hơn nữa, xe đi từ phía Bắc vào đã cân trọng tải ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cả rồi. “Hiện cả nước đều cân trọng tải, xe quá tải không cân chỗ này thì cân chỗ khác, chứ không lọt đi đâu được” - ông Thái nói.

Cùng ngày, Cục Quản lý đường bộ 2 đã có buổi làm việc với Sở GTVT, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế và các chủ đầu tư dự án mở rộng nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Thừa Thiên - Huế. Theo Cục Quản lý đường bộ 2, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có rất nhiều xe chở vật liệu xây dựng quá tải phục vụ các dự án mở rộng quốc lộ 1. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp đã ký cam kết không cho xe quá tải đổ vật liệu tại công trường kể từ ngày 24-7.

NGUYÊN LINH

Nhiều khả năng lách trạm

Trả lời vì sao sáu xe bồn “siêu quá tải” xuất phát từ Thanh Hóa lọt qua được trạm cân số 15 (xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) qua cầu Bến Thủy sang địa bàn Hà Tĩnh, ông Phan Huy Chương - phó chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An - lý giải: “Phương tiện lưu thông trên quốc lộ 1 từ Thanh Hóa vào có thể chạy qua nhiều đường để qua địa bàn tỉnh Nghệ An, như quốc lộ 48, quốc lộ 7 và đường Hồ Chí Minh. Sáu xe bồn có qua trạm Nghệ An hay không nhiều khi không biết được vì xe bồn giống nhau, có thể trong đoàn có nhiều xe, mấy xe quá tải trà trộn vào giữa. Lực lượng thanh tra giao thông có khi kiểm tra xe đầu tiên hoặc xe cuối cùng, thế là những xe đi giữa thoát được. Cũng có khi anh em thay ca hoặc sơ hở một chút là xe quá tải nhân cơ hội đi qua. Lực lượng chúng tôi mỏng nên khó tránh khỏi những sơ suất này giữa đêm khuya. Nhưng xác suất lớn nhất là những xe bồn này lách quốc lộ 1 đi theo các tuyến đường nêu trên”.

V.TOÀN

Một xe hai hóa đơn

Trạm CSGT tuyến quốc lộ 1 (thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Thanh Hóa) cho biết thời gian qua đã xử lý nhiều xe chở ximăng quá tải (dạng xe bồn, hoặc xe chở ximăng bao), phát hiện nhiều xe có hai hóa đơn hoặc phiếu xuất hàng hóa, trong đó có một hóa đơn ghi đúng số tải trọng hàng hóa cho phép nhằm “qua mặt” cơ quan chức năng bằng giấy tờ hợp pháp và một hóa đơn ghi đúng trọng lượng số hàng hóa để giao dịch với khách hàng. Khi phát hiện những đối tượng sử dụng hai loại hóa đơn này, CSGT Thanh Hóa đưa xe đến trạm cân để kiểm tra tải trọng, lấy căn cứ xử lý nếu có vi phạm.

HÀ ĐỒNG

TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp