Trường tiểu học Hanh Thông, quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: A.X.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.
"Kết luận của Thanh tra quận Gò Vấp (TP.HCM), hiệu trưởng, kế toán và bếp trưởng của Trường tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp) nhận tiền hằng tháng từ đơn vị cung cấp thực phẩm với số tiền hơn 400 triệu đồng, ai biết tin cũng bức xúc.
Từng là hiệu trưởng, tôi biết nguồn tiền mà đơn vị cung cấp thực phẩm cho hiệu trưởng và cộng sự chính là tiền của phụ huynh đóng cho trường (theo thỏa thuận) để chăm lo bữa ăn bán trú cho con em họ.
Số tiền mỗi phụ huynh bỏ ra chắc hơn 1 triệu đồng/tháng. Với nhiều phụ huynh, để có được khoản ấy, họ phải dè sẻn chi tiêu, thậm chí vay "nóng" kịp đóng cho trường. Hiệu trưởng không thể không biết hoàn cảnh phụ huynh, càng không thể không hay do đâu mà nhà thầu có bì thư hằng tháng gửi cho mình, nhận tiền vậy mà hiệu trưởng không thấy xấu hổ sao!?
Học phí học thêm, mua các loại bảo hiểm, mua sắm đồng phục cho học sinh, sửa chữa cơ sở vật chất nhà trường, trang thiết bị phục vụ dạy học…, khoản nào cũng chi cho quản lý - mà hiệu trưởng đứng đầu danh sách.
Có khoản được phép, như dạy - học thêm thì chi cho quản lý là 5%, nhưng cũng có khoản mà hiệu trưởng, kế toán và đơn vị cung cấp (nhà thầu) thỏa thuận "đen". Lẽ tất nhiên, việc làm "đen" thì mục đích tốt đẹp không còn nguyên vẹn.
Còn nhớ lúc làm công trình vệ sinh nhà trường, làm việc với nhà thầu thì "miếng trầu" đầu tiên họ định gửi 15% (trên tổng tiền đầu tư) cho tôi. Tôi gạt phăng, thế là hai bên thoải mái trao đổi nội dung hợp đồng. Không phải rút ruột công trình để chi "phần trăm" nên họ thi công đâu ra đó.
Lúc đưa vào sử dụng, "thương hiệu" nhà vệ sinh trường tôi lan tỏa với tốc độ nhanh, có vị cán bộ sở giáo dục còn nửa đùa nửa thật, "nhà vệ sinh trường đó... vào ngủ được!". Năm học sau và tiếp sau, chỉ tính nguyện vọng 2 của học sinh trên địa bàn xin xét tuyển vào lớp 10 là hơn 1.500 em, "hoa hồng" cho hiệu trưởng là đây.
Một lần chuẩn bị vào mùa mưa, Tây Nguyên lúc chuyển mùa - dông, lốc, sét dữ dằn. Số tiền trang bị cột chống sét khá lớn, có đơn vị đến khảo sát rồi nói với tôi, đại ý sẽ lắp đặt với giá thấp, khi kiểm tra (phòng cháy, chữa cháy), chỉ số đo đảm bảo nhưng thực tế... không tác dụng gì!
Tôi không đồng ý, việc lắp đặt tiến hành theo quy chuẩn, mỗi lần có dông, sét, nhìn học trò an vui học tập, nô đùa, trong tôi cảm xúc thật khó tả, thêm "hoa hồng" cho hiệu trưởng.
Chuyện buồn "tiền đen" trong giáo dục, nhiều trang, chương... Mỗi dịp lễ Tết, 20-11, cấp dưới - cấp trên cũng bì thư, người đưa - người nhận, ai cũng biết tiền đó trích từ quỹ công!
Rồi người hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, trong thông tin gửi đi (từ người hướng dẫn) có số tài khoản. Những góp ý, chia sẻ tài liệu, góc khuất... được định bằng "học giá". Và còn nhiều bán mua khác, như chạy trường, xin việc, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động…, nhiều cơ sở giáo dục "râm ran" giá cả, thành trì giáo dục có nơi nứt toạc!
Làm sao thay đổi? Theo tôi, cần lắm người có phẩm cách tự trọng, sống liêm sỉ - chuyện đó, từ bài học vỡ lòng, nhưng tha hóa do "tự chuyển hóa" đã xô đổ. Xây dựng lại tuy có ánh sáng, song vẫn còn thách thức.
Cốt lõi, chính mỗi người nêu gương cho mình, con em mình rồi sau đó mở rộng ra. Mấy chục ngàn hiệu trưởng các cấp, hàng nghìn cấp trên của họ - nếu nói không với "bì thư", "tiền đen" - đó là cách tối ưu góp thêm, xây giá trị "Tất cả vì học sinh thân yêu".
Nhà giáo chúng ta làm được không?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận