Đây là 1 trong số 24 dự án mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản trình, báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, ngày 9-8, bộ có văn bản số 5409 trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 38,17ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyền 2 nhà máy xi măng Duyên Hà, tỉnh Ninh Bình (gọi tắt dự án).
Sau khi trình các hồ sơ, trong tháng 9-2023, Văn phòng Chính phủ có 2 công văn số 6926 và 7393 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá lại từng hồ sơ các dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng quy định và pháp luật liên quan, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng để hợp thức hóa sai phạm...
Trong báo cáo số 6735 ngày 19-9 gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dự án nói trên được xác định trong điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và được tiếp tục thực hiện quy hoạch theo quy định tại nghị quyết 61-2022 của Quốc hội.
Tại báo cáo này, bộ khẳng định các dự án đã đảm bảo về hồ sơ, được xác định trong các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đến báo cáo số 7061 ngày 3-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết vị trí, diện tích tại khu vực thực hiện dự án đã được xác định ngoài quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013 - 2020 tại quyết định số 760-2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013 - 2020.
Đồng thời, thể hiện trên bản đồ quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013 - 2020 được các cơ quan địa phương xác nhận...
Ngày 17-10, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có công văn số 8057 yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo bổ sung về các dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Trong báo cáo số 7547 gửi Văn phòng Chính phủ ngày 20-10, đối với dự án nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sau khi các bộ Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến thẩm định, bộ có các văn bản đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình tiếp thu, giải trình.
Sau đó, UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản số 328 báo cáo, giải trình ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.
Sau khi nghiên cứu các nội dung giải trình của UBND tỉnh Ninh Bình tại văn bản nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với nội dung giải trình của UBND tỉnh Ninh Bình.
Trong văn bản 7061 và 7547, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định hồ sơ dự án này đảm bảo đủ căn cứ, điều kiện để Thủ tướng và Phó thủ tướng Trần Lưu Quang xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với diện tích 38,17ha rừng tự nhiên để thực hiện dự án.
Bộ Nông nghiệp từng nói dự án không đúng tiêu chí?
Đây là dự án mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng có văn bản trả lời tỉnh Ninh Bình năm 2020 rằng "dự án không đúng với tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định tại nghị định số 83-2020 của Chính phủ".
"...Không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản…" - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn quy định tại nghị định 83-2020 của Chính phủ trong văn bản trả lời tỉnh Ninh Bình.
Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của ngành nông nghiệp, trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc vì sao bộ từng trả lời dự án không đúng tiêu chí được chuyển đổi rừng mà nay lại trình Thủ tướng xem xét, ông Nguyễn Hữu Thiện - phó cục trưởng Cục Kiểm lâm - cho biết thời điểm năm 2020 hồ sơ của tỉnh Ninh Bình chưa đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và nghị định 83 hướng dẫn luật nên bộ đã trả hồ sơ.
Theo ông Thiện, đến năm 2022, tỉnh Ninh Bình đã có hồ sơ kèm theo đầy đủ và báo cáo khẳng định rằng vị trí khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng nằm trong quy hoạch của tỉnh và quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ giao rất rõ ràng nên bộ đã báo cáo, trình Chính phủ xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận