18/01/2015 14:49 GMT+7

​”Tui tự đi được rồi”

MAI HOA - TIẾN LONG
MAI HOA - TIẾN LONG

TT - Những nụ cười đã nở trên môi, dù cho những bước đi đầu tiên trên đôi chân mới chưa quen, bật máu, đau rơi nước mắt.

Niềm hạnh phúc được “bước đi trên đôi chân của chính mình” đã đến, họ tự bước chân ra khỏi quãng đời mưu sinh cơ cực, bế tắc trong ngõ cụt vì thiếu đi một phần cơ thể.

Nhóm bạn tình nguyện Vi An với công việc “hồi sinh” những đôi chân tật nguyền - Ảnh: Tiến Long
 

Họ là những cựu chiến binh, nạn nhân bom mìn, tai nạn hằng ngày lê lết ngoài đường bán vé số hay những nông dân gắng gượng cày cuốc với bên chân còn lại. Và cũng có cả những người cụt cả hai chân...

Ba mẹ con và 3 cái chân

Ngồi trên băng ghế đợi tới lượt được lắp chân, ba mẹ con bà Phan Thị Thể (56 tuổi, xã Hồ Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) hồi hộp, căng thẳng. Cả ba mẹ con đều bị mất chân trái trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc hồi tháng 3-2014.

Hôm đó, đang trên đường đưa con gái lớn đi bệnh viện, chiếc xe khách bảy chỗ chạy ngược chiều lao thẳng tới húc tông ba mẹ con xuống đường. Bà Thể bị chấn thương sọ não. 

Hơn bốn tháng sau tỉnh dậy, bà như chết lặng khi chân trái bị cắt bỏ, hai con gái cũng chung số phận. Ba mẹ con nằm ba phòng khác nhau. Người nát bươm cánh tay, người bể gãy xương chậu. Bà hoảng loạn la hét, đổ sụp theo số phận bi thảm.

Cú sốc quá lớn và di chứng chấn thương khiến bà lúc nhớ lúc quên. Không có tiền lắp chân giả, hằng ngày bà chỉ bò lết ra cửa, thơ thẩn nhìn ra ngoài đường. Ngày được vào TP.HCM lắp chân, bà tíu tít vui như trẻ nhỏ. Chân vừa vào khớp, bà một hai đòi mọi người dìu đứng dậy tập đi. Những bước chân làm quen rát đau khiến bà ngã nhào.

Một lúc bà lại gắng gượng vực dậy, nhoẻn miệng cười rồi cố đi tiếp. “Từ khi nộp hồ sơ đăng ký, tôi mong ngày mong đêm làm sao lắp nhanh để đi lại được. Giờ tập quen nữa là đi được rồi” - bà Thể cười nói.

Trong hai đợt (tháng 7-2014 và tháng 1-2015), nhóm Vi An và những người bạn đã lắp chân giả cho 264 người từ Quảng Nam đến các tỉnh miền Tây.

Chuyến đi này, ba mẹ con bà được lắp hai cái chân. Còn trường hợp cô con gái lớn bị cụt tới tận háng, lại vỡ xương chậu nên không lắp được. Dẫu vậy, niềm vui của mẹ con bà vẫn vỡ òa.

Chị Kim Dung, con gái nhỏ của bà Thể, sau ngày bị nạn vẫn cắn răng nén đau làm tóc, gội đầu để nuôi con ăn học. Chị Dung chia sẻ công việc ấy với một tay một chân còn lại thật là khó nhọc. Có bữa chị cầm khăn lau không nổi, buông thõng tay tủi thân, khóc nức nở.

Trước giờ dù nghèo chị vẫn ráng một mình nuôi con gái ăn học. Giờ mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào con. Cô bé học lớp 11, trước khi đi học đặt mẹ vào chiếc ghế xoay đẩy ra cửa hàng, đi học về lại đẩy mẹ vào, cơm nước giặt giũ, thay bô. 

“Nhiều đêm nằm nghĩ mình chết đi cho xong, sống làm gì để con phải khổ” - chị Dung khóc khi nhớ lại những ngày dài vừa qua. Giờ đây, được tặng thêm chân mới, chị Dung cùng mẹ cố gắng tập đi.

Những ý nghĩ về cái chết, về chuyện bắt con nghỉ học đi làm ám ảnh chị hằng đêm đã dịu lại và tan biến. Những bước đi đầu tiên trên đôi chân của mình dù đau đớn, máu rỉ ra, nhưng chị đã quyết: “Dù là hai ba năm cũng phải cố gắng đi cho bằng được!”.

Chị Mai Đặng Mỹ Hiền (giảng viên Trường cao đẳng nghề Việt Mỹ) chở anh Phan Văn Hạnh (Q.8, TP.HCM) sau khi được lắp chân - Ảnh: T.Long

“Như má tui sinh tui ra lần thứ hai”

May mắn hơn ba mẹ con bà Thể, ông Phan Văn Đi (quê Cái Bè, Tiền Giang) lắp chân vào là đi được ngay. Ông hết sức phấn khích, thậm chí còn đứng lên nhảy nhót và hát khiến mọi người trong phòng đều bật cười. Ông nói: “Tui tự đi được rồi, như là má tui sinh tui ra lần thứ hai vậy”.

Ông là người được chị Mai Đặng Mỹ Hiền (giảng viên Trường cao đẳng nghề Việt Mỹ) - “xe ôm” tình nguyện của chương trình - đưa đón tận bến xe. Chị Hiền cho biết có những người ở quê đón xe đò lên từ nửa đêm, 5g-6g sáng đã có mặt ở bến xe rồi. Mà trong số họ có người không biết chữ, chưa lên TP bao giờ nên chẳng biết đường đi lối lại. 

“Có người trong lúc ngồi sau xe của tôi vẫn còn băn khoăn không biết đàn vịt ở nhà hôm nay thế nào, bầy heo ở nhà không ai chăm... Thiệt là khổ quá, gánh nặng cơm áo khiến những cô bác này không còn thời gian nghĩ đến bản thân mình nữa. Ở bệnh viện, tận mắt chứng kiến các bác sĩ hối hả làm việc, người khoan người đục đẽo liên tục không dám nghỉ ngơi, mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Các bác sĩ còn tranh thủ ăn trưa ngay bên cạnh đống chân giả ngổn ngang. Niềm vui của cô bác lao động nghèo và sự nhiệt huyết đó làm tôi cảm động và muốn được giúp đỡ mọi người nhiều hơn” - chị Hiền chia sẻ.

Trong số những người được lắp chân lần này có nhiều người ở các tỉnh xa như Ninh Thuận, An Giang... Nơi nào tập hợp được đông bệnh nhân, nhóm Vi An sẽ nhờ người thuê xe đưa rước tận nơi, người nào đi xe đò lên thì đã có một đội quân “xe ôm” ra bến xe đón. Những tài xế này là giảng viên đại học, nhân viên văn phòng... tình nguyện tham gia chương trình.

Anh Út Cọp (người Chợ Mới, An Giang) biết được thông tin về chương trình đã tìm kiếm quanh vùng những người cụt chân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ làm hồ sơ gửi đi. Ngày 9-1, chiếc xe đò nhỏ chở 10 người tiến về TP.HCM để lắp chân.

Trên xe có anh Nam, nạn nhân trong vụ tai nạn làm bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ mới đây. Anh Khê là nông dân bị tai nạn máy cấy, cưa chân từ lâu. Anh Nguyễn Văn Léo là bộ đội trở về từ chiến trường Campuchia, trước nay vẫn dùng cái chân gỗ đã mòn vẹt... Có người tự chế ra chân giả bằng khúc cây, dùng dây vải buộc chằng chịt vào chỗ mỏm cụt của chân mình.

Và rồi, trên chuyến xe trở về của đoàn người vào buổi chiều hôm đó, tất cả họ cùng háo hức với những dự định về đôi chân mới. Người muốn đi bán vé số, đưa con đi học, hay có người đơn giản chỉ mong tự đi thăm bà con họ hàng mà không cần đôi nạng, không cần xe lăn nữa. 

Gặp nhau ở lòng trắc ẩn

Đây là lần thứ hai chương trình “Bước chân hạnh phúc” được tổ chức tại TP.HCM. Tháng 7-2014, đã có 114 chân giả được lắp miễn phí tặng người nghèo. Nhận thấy nhu cầu của người dân và kết quả tốt lành mà chương trình mang lại, nhóm Vi An và những người bạn - một tổ chức thiện nguyện - đã cố gắng tổ chức tiếp tục đợt thứ hai này.

Nhóm Vi An và những người bạn hình thành khoảng năm 2007, sau sự cố sập cầu Cần Thơ. Khi đó, chị Nguyễn Thị Kim Ngân xuống hiện trường ngay trong đêm, chứng kiến cảnh tang thương của miền quê và nghĩ rằng nên tập hợp nhiều người lại để giúp đỡ bà con được nhiều hơn. Chị nói rằng điều may mắn nhất của mình là có những người bạn sẵn sàng mở lòng giúp đỡ khi chị kêu gọi.

Người có tiền giúp tiền, người không có tiền thì dồn hết công sức hỗ trợ không chút tư lợi, thắc mắc. Với chị, của cho không bằng cách cho. Giúp đỡ bằng vật chất là quan trọng, nhưng những tình cảm yêu thương đi liền đó mới là điều đáng quý hơn.

Có lẽ chính những suy nghĩ đó đã thôi thúc, để chị ngồi gần năm giờ trong một quán ăn trên đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3, TP.HCM) chỉ chờ một ông cụ bán vé số cụt chân. Chị gặp ông một lần tình cờ khi đang đi ăn cùng bạn. Hình ảnh một người đàn ông gầy còm, cụt chân phải, ngồi trên yên sau của chiếc xe đạp, cố sức đẩy chiếc xe lên vỉa hè làm chị suy nghĩ mãi.

Gặp lại ông, chị mừng quýnh, nhào tới. Chị xin tặng ông một cái chân thay nạng, ngay trong ngày mai. Đáp lại sự hồ hởi đó, ông cụ ngước mắt lên và hỏi: “Tui đi làm chân, rồi vé số ai bán giùm tui?”. Chị nói: “Cháu sẽ mua hết!”.

Vậy là ông cụ mới chịu. Sáng 10-1, ông cụ bán vé số tên Nguyễn Thớc (quê Phú Yên) đã tới bệnh viện và được lắp một cái chân như lời chị Ngân đã hứa.

Bác sĩ Lê Đức Tố, giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông - đơn vị hỗ trợ về mặt bằng, cơ sở vật chất cho chương trình, nói: “Những chân được lắp lần này là mẫu mới rất hiện đại. Bàn chân làm bằng chất dẻo, đi lại gần giống như bàn chân thật thay vì chân gỗ cứng như trước đây. Điểm tì ôm xung quanh mỏm cụt chứ không tì trực tiếp vào mỏm cụt như kỹ thuật cũ.

Cũng có người mới lắp chân sẽ rất đau vì mỏm cụt loe ra, cọ vào chân giả. Với những trường hợp này phải quấn băng thun vào mỏm cụt để ép lại. Nói chung là phải rất kiên trì, chịu khó tập đi, chịu đau một thời gian. Ở đợt 1 chỉ có các chân giả dưới gối. Đợt 2 này đã làm được 50 chân có mỏm cụt cao 1/3 đùi. Những kỹ thuật khó hơn như mỏm cụt cao quá 1/3 đùi, hoặc bị tháo khớp gối... hi vọng trong tương lai có thể thực hiện được ngay tại đây, mang đến nhiều niềm vui hơn cho các cô bác”.

Cha của bé sơ sinh văng khỏi bụng mẹ đã được lắp chân

Từ ngày 8 đến 12-1, 150 người đã được lắp chân giả miễn phí theo chương trình “Bước chân hạnh phúc”, do nhóm từ thiện Vi An và những người bạn phối hợp với Bệnh viện STO Phương Đông thực hiện.

Theo kế hoạch, chương trình sẽ kéo dài trong 10 ngày, nhưng trong sự mong chờ của người bệnh và nỗ lực của các bác sĩ, kỹ thuật viên, niềm vui đã đến sớm hơn với những người lao động nghèo. 

Anh Nguyễn Văn Nam (33 tuổi, ngụ H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) - cha của bé trai sơ sinh bị văng khỏi bụng mẹ trong vụ tai nạn thương tâm ngày 25-10-2014 - cũng nằm trong số 150 người được lắp chân giả đợt này. Vết thương của anh vẫn còn mới, lắp chân vào khá đau nên chưa đi lại ngay được, nhưng anh vẫn tràn đầy hi vọng.

“Từ ngày bị nạn, con gái lớn mới 5 tuổi phải nhờ ông ngoại đưa đi học. Nó hỏi sao cha không đưa con đi, mình nói mất chân nên không đi được. Con lại hỏi chừng nào thì chân cha mới mọc lại. Nghe mà buồn rớt nước mắt. Bữa rồi đi lên TP.HCM có nói trước với con. Lúc về, mình gỡ cái chân giả để trong bọc, con nhào ra hỏi liền: Cha ơi, cái chân cha đâu rồi? Thương con quá. Mình phải ráng đứng vững, ráng tập đi đặng còn đi làm nuôi con nữa” - anh Nam nói.

 

MAI HOA - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp