Túi khí, từ khi xuất hiện lần đầu trên xe thương mại từ đầu thập niên 1970, đã trở thành trang bị an toàn không thể thay thế. Chúng tạo ra một lớp đệm bảo vệ cực kỳ cần thiết để ngăn hành khách trong xe va chạm trực tiếp với các bề mặt cứng xung quanh, nhờ thế giúp họ tránh được các thương tích nặng.
Tính riêng tại Mỹ, tính đến hết năm 2017 chỉ túi khí trước đã cứu sống hơn 50.000 người. Con số này, khi nhân lên quy mô toàn cầu và trong nhiều thập kỷ qua, có thể tương đương với hàng triệu tính mạng được cứu sống bởi túi khí.
Tuy vậy, cơ chế hoạt động của túi khí vẫn có thể gây ra thương tích cho người dùng nếu họ không biết tận dụng trang bị này đúng cách.
Cơ chế hoạt động của túi khí
Trang bị này thực chất là một đệm hơi được làm từ chất liệu nhẹ và bền đặt gọn ở một khu vực bên trong cabin (xe mới ngày nay có khá nhiều túi khí trước/bên và cả sau). Đi kèm túi này là một cảm ứng đo đạc lực tác động.
Khi phát hiện lực tác động đủ lớn lên xe (thường là khi đâm phải vật cản ở tốc độ trên 30km/h), cảm ứng trên sẽ phát tín hiệu để làm đầy túi khí bằng hơi gas chỉ trong tích tắc. Nhờ vậy, túi khí này sẽ bung ra lập tức để đỡ lấy hành khách, giúp họ không bị va chạm với các bề mặt cứng bên trong cabin.
Vấn đề ở đây tới từ thời điểm túi khí bung. Khi đó, tốc độ bung ra ngoài rất nhanh của bề mặt túi khí có thể tạo ra một lực lớn tác động lên hành khách tùy thuộc vào vị trí họ ngồi, tốc độ va chạm hay một số yếu tố khác, ước tính dao động quanh 900N.
Lực này hoàn toàn đủ để gây thương tích cho người dùng, đặc biệt là khi họ ngồi quá sát vị trí túi khí bung.
Tại Mỹ, theo ước tính của Cục An toàn giao thông đường bộ Mỹ NHTSA, có 290 ca tử vong vì túi khí trước bung trong va chạm tốc độ thấp trong giai đoạn 1990 - 2008.
90% trong số này tới từ xe sản xuất trước năm 1998. Hơn 80% tới từ các trường hợp không thắt dây an toàn hoặc thắt sai cách và 90% là trẻ nhỏ.
Số liệu này được NHTSA khẳng định đã cải thiện hơn nhiều trong thời gian qua nhờ công nghệ túi khí an toàn hơn. Tuy nhiên rủi ro đương nhiên không biến mất.
Hướng dẫn cơ bản về vị trí ngồi của trẻ trong xe để tránh tác động của túi khí
Trẻ nhỏ nên ngồi vị trí nào trong xe hơi?
Theo khuyến cáo của Viện Nghiên cứu an toàn giao thông Mỹ IIHS cũng như NHTSA, để tránh thương tích cho trẻ nhỏ (dưới 13 tuổi), trẻ nên ngồi hàng ghế sau và thắt dây an toàn tại khu vực đó.
Trong trường hợp trẻ bắt buộc phải ngồi trước, dây an toàn cần được thắt đúng cách, chính xác. Ghế ngồi cần được kéo lùi về phía sau nhiều nhất có thể. Trẻ cũng nên ngồi thẳng, tựa lưng vào ghế chứ không nghiêng về phía trước.
Ngoài ra, việc ngồi quá sát cửa bên cũng nên được hạn chế, vì có túi khí bên. Vị trí tốt nhất vẫn là chính giữa ghế.
Với trẻ nhỏ ngồi ghế chuyên dụng cho trẻ em, ghế này nên được đặt tại hàng ghế sau ở vị trí giữa nếu có thể. Cố định thật chắc ghế để ghế không di chuyển quá 2,5cm về bất cứ hướng nào. Khuyến cáo tuyệt đối không lắp ghế này ở phía trước hay những vị trí có túi khí hướng về mặt trẻ, trừ khi túi khí đã được vô hiệu hóa từ trước.
Thăm dò ý kiến
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an mới đây có đề xuất bổ sung: Trẻ em dưới 10 tuổi hoặc cao dưới 1,35m không được ngồi ghế trước ô tô; Trẻ em dưới 4 tuổi ngồi ghế thiết kế dành cho trẻ em. Ý của bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận