Giờ ăn của học sinh trường giáo dưỡng - Ảnh: Minh Duy |
Vẫn ở lứa tuổi học đường nhưng các em đã chuyển từ trường phổ thông sang trường giáo dưỡng.
Chúng tôi gặp em trong trường giáo dưỡng. Một đứa trẻ từng được đánh giá là hiền lành, ngoan ngoãn sao lại ở đây? Không ai biết em đã từng bị bạn bè bắt nạt trong suốt một năm trời. Không chia sẻ nỗi sợ hãi và bực bội với ai, em đã tìm cách tự xử.
Nỗi sợ hãi
...Tôi là Cao Văn T., năm nay tôi 17 tuổi. Hiện tôi đang ở Biên Hòa, Đồng Nai.
Tôi vẫn còn nhớ y nguyên cái cảm giác sợ hãi và lo lắng khi lần đầu tiên được đưa đến lớp mới. Khi đó tôi mới từ quê nội ở ngoài Bắc vào. Đó là bắt đầu năm học lớp 8. Trước đó thì tôi học ở đây.
Lý do để tôi quay về Bắc học, xa cha mẹ và em trai là bởi nơi tôi ở chỉ có trường tiểu học chứ trường cấp II phải đi rất xa. Mà bố mẹ tôi đều đi làm ca nên không có người đưa tôi đi học xa như thế. Và bố mẹ thì không có tiền để thuê xe ôm đưa đón tôi hằng ngày.
Tôi còn nhớ quyết định của bố mẹ khi nói với tôi rằng phải về Bắc vì quãng đường từ nhà đến trường quá xa, quá nguy hiểm cho một đứa trẻ 12 tuổi. Vì vậy mà tôi ra Bắc học đến hai năm lớp 6 và 7.
Đến năm lớp 8 thì bố mẹ quyết định đưa tôi về lại Đồng Nai bởi lúc ấy tôi đi xe đạp cũng thạo, quãng đường từ nhà đến trường không còn quá nhiều nguy hiểm cho cậu học sinh 14 tuổi nữa.
Càng háo hức bao nhiêu với môi trường mới tôi càng lo bấy nhiêu ngay trong buổi đầu học ở lớp. Khi đó chỉ có tôi là học sinh mới, dù một vài bạn học cùng tiểu học cũng có mặt ở trong trường nhưng sau hai năm tất cả chúng tôi đều đã khác, các bạn ấy cũng đã có những bạn khác để chơi.
Đầu tiên là chiếc cặp sách của tôi cứ tự động từ ngăn bàn rơi xuống cuối lớp, cuốn tập thì xộc xệch, hộp dụng cụ học tập luôn bị bể, viết mực tung tóe bên cạnh. Mỗi lần cúi xuống nhặt đồ dùng hoặc lượm rác lên, tôi lại cảm thấy rất căm hờn những đứa bạn kia.
Tôi mong ước nếu có sức mạnh, tôi sẽ ném từng đứa ra khỏi lớp, ra khỏi chỗ ngồi, hoặc giả bạt đầu mỗi đứa mấy cái cho chừa... nhưng đó chỉ là suy nghĩ an ủi tôi mà thôi.
Và dần dần là những lời chửi đổng, chửi xéo rồi chửi đích danh, rồi là những chuyện lượm rác ở trong lớp do chính các bạn xả ra, nếu không lượm thì bị đánh.
Tôi cũng còn nhớ nguyên cảm giác sợ hãi mỗi ngày đến lớp. Không phải là sợ tai nạn trên đường đi mà sợ phải nhìn thấy những gương mặt của các bạn cùng khối, những đứa bạn mà nó không có trò gì vui hơn ngoài việc bắt nạt bạn bè. Thậm chí chúng lấy việc bắt nạt được một vài đứa bạn cô độc làm niềm vui, và tôi là một trong những đứa luôn bị như thế.
Chúng chặn đón tôi ở cổng trường mỗi khi tôi đi học về hoặc chặn đón mỗi khi tôi đến. Cảm giác một mình không có ai chơi cùng, bị cô lập trong cả tập thể mới thật khủng khiếp. Và cảm giác luôn luôn lo lắng sợ hãi những đứa bạn như những con diều hâu chuẩn bị xông vào mổ một con gà. Tôi thấy mình lạc lõng cô đơn và vô cùng buồn tủi.
Tôi nhớ đến hai năm học ở quê với những người bạn rất đỗi chân tình.
Cách để tôi không bị chúng chặn lại để bắt xách cặp, hay mang đồ là chờ khi nào có thầy cô giáo ra khỏi trường thì chạy theo. Hoặc tôi thường trốn tụi nó bằng cách leo tường rào phía sau để đi đường khác về nhà.
Em Cao Văn T. chuẩn bị đi làm - Ảnh: Hoàng Điệp |
Tự giải quyết
Có lần tôi đã rất phẫn uất, định mách với bố, nhưng thấy bố đi làm rất muộn mới về, mẹ đi làm ca rồi đón em, đi chợ nấu nướng... tôi lại không dám nói với bố mẹ về việc ấy. Tôi nghĩ những việc thế này mình phải tự giải quyết chứ không thể để bố mẹ đã vất vả cả ngày lại phải lo lắng.
Tôi rất muốn được bố đưa đi học và đón về nhưng đó là điều không tưởng. Tôi quá hiểu công việc của bố và mẹ nên không dám đòi hỏi những điều vượt qua khả năng của bố mẹ. Với lại mỗi lần mấy đứa khốn kiếp ấy đánh tôi chúng lại nói: “Mày mà mách người lớn ngày mai tao đập cho mày dập đầu luôn, khỏi đi học”.
Lời dọa nạt và sự đông đúc của đám bạn luôn làm tôi sợ hãi và càng ngày tôi càng tự ti, càng thu mình lại, mỗi ngày lên lớp với tôi là một cực hình.
Tại sao tôi không nói với thầy cô trong trường? Tôi nghĩ thầy cô không thể không biết nhưng có lẽ thầy cô cho rằng việc không nghiêm trọng dù đám bạn ngỗ ngược ấy gồm nhiều đứa, ở cả khối lớp 8 chứ không riêng gì lớp tôi.
Đã nhiều lần tôi bị đánh sưng hết cả người, thâm tím chân tay. Chạy cũng không thoát được đám bạn ấy. Vậy nên tôi nghĩ mình phải tìm cách tự vệ. Tôi lấy một con dao nhỏ bỏ vào cặp.
Tôi cũng nhớ hôm ấy sau tiết học tôi đi xe đạp điện (xe mượn) cùng vài người bạn khác đi ăn chè. Nhưng tôi vừa đến nơi, còn chưa kịp vào ăn thì gặp mấy đứa bạn ngỗ ngược ở lớp khác và trường khác. Một đứa tiến lên trước mặt tôi ngang ngược bảo: “Đưa cho tao mượn cái xe đạp đi thử coi!”. Tôi bảo xe này tôi mượn, không phải của tôi, vả lại tôi biết mấy đứa đó đã từng làm chuyện không hay rồi.
Tôi không có lý do gì cho mượn, nhưng cũng không thể nào đối đầu lại được với đám bạn có đến bốn đứa ấy, nhất là tôi phải bảo vệ chiếc xe đạp mà tôi đang mượn. Nếu mất xe phải đền thì bố mẹ tôi sẽ la mắng.
Tôi quay đầu xe và chạy. Nhưng một đứa trong đám đó đã bám vào xe để kéo lại, không cho tôi chạy. Rồi một đứa nhặt hòn đá đập vào đầu tôi hai cái làm tôi sưng u đầu và ngã luôn xuống đất. Lúc ấy tôi nghĩ không thể tiếp tục nhịn nữa, đã hơn một năm tôi bị đánh đập hành hạ như vậy rồi. Bởi vậy tôi mở cặp lấy ra con dao nhỏ rồi xông vào.
Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ về việc giết chết bạn ấy, nhưng lúc ấy tôi nghĩ cần phải làm gì để các bạn không bắt nạt tôi nữa. Nếu tôi tiếp tục hèn và nhu nhược, tôi sẽ tiếp tục bị đánh đập và bắt nạt như một con chó, đó là điều hết sức vô lý. Điều tôi thấy buồn hơn là ngoài cảm giác căm ghét thì tôi cũng sợ đám bạn ấy. Đó là nỗi ám ảnh thường trực trong suy nghĩ của tôi.
Cho đến giờ, đã sau gần bốn năm vụ việc xảy ra, chưa khi nào tôi thôi nghĩ đến những hành động của các bạn, cũng chưa khi nào tôi thôi nghĩ về việc nhát dao oan nghiệt ấy đã tước đi mạng sống của một người đúng bằng tuổi tôi. Lúc ấy tôi chỉ nhớ gọi điện thoại cho bố nói về sự việc. Và con đường đi học của tôi chấm dứt luôn khi công an mời tôi lên làm việc.
Bạn ấy qua đời trong bệnh viện, còn bố tôi thì phải lo tang ma cho bạn, động viên gia đình bạn. Và cho đến tận khi ấy, gia đình tôi vẫn không biết chuyện tôi đã bị đánh đập, bị bắt nạt như thế nào trong lớp học, trên đường đi và ở cổng trường.
Chuyện này tôi chỉ kể cho thầy giáo chủ nhiệm của tôi ở trường giáo dưỡng bởi thầy hỏi tôi lý do tại sao lại tước đoạt mạng sống của người khác như vậy.
Tôi đã rất ân hận bởi nếu tôi nói với bố thì có thể bố đã có giải pháp giúp tôi, chứ không để tôi một mình tự buồn, tự lo, tự sợ hãi và tự giải quyết mọi việc như vậy.
________________
Kỳ tới: Chuyện của người cha
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận