29/11/2005 13:01 GMT+7

Tuần văn hóa đại thi hào Nguyễn Du: Cuộc hội ngộ ở Tiên Ðiền

Theo Nhân Dân
Theo Nhân Dân

11 đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đã cùng nhân dân Hà Tĩnh hội ngộ trên đất Tiên Ðiền, Nghi Xuân trong Lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh và Tuần văn hóa đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (diễn ra từ 25 - 28-11).

xoHUDtCv.jpgPhóng to
Lễ khai mạc Tuần văn hóa Nguyễn Du
11 đoàn nghệ thuật quần chúng trong cả nước với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đã cùng nhân dân Hà Tĩnh hội ngộ trên đất Tiên Ðiền, Nghi Xuân trong Lễ kỷ niệm 240 năm ngày sinh và Tuần văn hóa đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (diễn ra từ 25 - 28-11).

Sống trong tâm thức nhân dân

..."Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?" (Không biết ba trăm năm lẻ sau nữa - Thiên hạ còn người nào khóc Tố Như không?).

Sinh thời, đại thi hào Nguyễn Du từng viết những câu thơ như vậy. Nhưng, không chỉ ba trăm năm mà mãi mãi, trong tâm thức những người yêu thơ và trong đời sống tinh thần của những người dân Việt, dù ở đâu, những sáng tác tài hoa của ông vẫn chiếm một vị trí hàng đầu.

Còn nhớ, năm 1965, trong điều kiện đất nước chiến tranh, giang sơn chưa trọn vẹn nhưng hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du vẫn được Hội đồng hòa bình thế giới tổ chức một cách long trọng. Sự kiện này gây ấn tượng sâu sắc trong các tầng lớp nhân dân và chứng tỏ người Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào cũng biết trân trọng và bảo vệ những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc.

Những ngày này tại Hà Tĩnh, quê hương Nguyễn Du, một sự kiện đang gây sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và cả nước đó là Tuần lễ văn hóa đại thi hào Nguyễn Du, nhân kỷ niệm 240 năm ngày sinh của ông.

Ðây cũng là tâm điểm của cuộc Liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc đang diễn ra tại Hà Tĩnh do Bộ Văn hóa - Thông tin, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Văn hóa-Thông tin Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.

Trước đó, để hướng tới sự kiện này, Bộ Văn hóa-Thông tin và tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp nhiều hoạt động tôn vinh giá trị văn hóa tiêu biểu của Nguyễn Du. Các công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà thơ được tập hợp và xuất bản.

Theo cách tính của các nhà nghiên cứu, đến nay Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt năm kỷ lục thế giới (gồm: Thú chơi tập Kiều, mười bản dịch truyện Kiều ra tiếng Pháp; bảy cuốn Hậu Truyện Kiều; Truyện Kiều đọc ngược; Văn hóa Kiều và mười kỷ lục Việt Nam (gồm: Thi phẩm đưa tác giả lên hàng danh nhân thế giới; Quyển truyện thơ duy nhất dùng để bói; Quyển sách tạo hiện tượng độc đáo "Vịnh Kiều" và "Lẩy Kiều"; Tác phẩm tạo ra nhiều câu đố và giai thoại nhất; Quyển sách dài nhất, nặng nhất; Tác phẩm có số sách viết nhiều nhất...).

Quần thể di tích Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn tại Tiên Ðiền, Nghi Xuân được Bộ Văn hóa cho lập dự án trùng tu.

Ðêm 25-11, một lễ hội liên hoan nghệ thuật đặc sắc được tổ chức tại xã Tiên Ðiền. 11 đoàn nghệ thuật quần chúng (với hơn 200 diễn viên) đại diện cho các vùng văn hóa trong cả nước có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du mang đến những tiết mục biểu diễn đặc sắc.

Hai đoàn nghệ thuật quần chúng của thủ đô Hà Nội, mảnh đất Nguyễn Du cất tiếng khóc chào đời đã ra mắt màn hát múa "Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn"; Ðoàn NTQC Hà Tây, đất tổ của dòng họ Nguyễn Tiên Ðiền biểu diễn múa rối cạn, đoàn Quảng Nam hô bài chòi Truyện Kiều, Ðoàn NTQC tỉnh Thái Bình, quê vợ thi hào với tiết mục Thương nhớ Tố Như; Ðoàn Thừa Thiên - Huế, nơi Nguyễn Du gắn bó trong những năm làm quan và mất tại đó, mang tới tiết mục "Nón quê em"; đoàn Thanh Hóa với tiết mục "Thúy Kiều ca Vịnh"; Ðoàn Nghệ An "Gặp câu Kiều trên núi..."...

Có thể nói hầu hết các đoàn đều phát huy khả năng tự biên tự diễn và đặc biệt các tiết mục đều được khai thác từ các tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là tích Truyện Kiều.

Ðể xứng tầm "danh nhân văn hóa thế giới"

Lâu lắm người dân Hà Tĩnh mới có được một không khí tưng bừng và cả niềm tự hào trong ngày hội lớn của danh nhân trên đất quê mình như vậy. Và cũng có lẽ, chưa bao giờ mảnh đất Tiên Ðiền (Nghi Xuân) được đông đảo người yêu nghệ thuật, yêu thơ biết đến và dừng chân lâu như vậy, cho dù trước đó cái tên Tiên Ðiền từng vang lên xúc cảm trong nhiều thi phẩm nổi tiếng.

Nhưng hôm nay, trước mảnh đất quê của đại thi hào, không ít người còn băn khoăn bởi phải chăng chưa có sự quan tâm, đầu tư xây dựng và phát triển quần thể di tích Nguyễn Du trên mảnh đất này một cách tương xứng.

Một tỉnh khó khăn về nhiều mặt như Hà Tĩnh để tổ chức thành công một sự kiện văn hóa được xem là hoạt động lớn đầu tiên nhằm tôn vinh đại thi hào Nguyễn Du sau dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông (vào năm 1965 như nhắc đầu bài) là cả một gắng gỏi không nhỏ.

Ngành văn hóa của tỉnh đã cố gắng hoàn thành nhiều công trình mang tính học thuật như biên soạn, sưu tầm hiện vật, tài liệu quý liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều, cho trưng bày bản Kiều cổ in năm 1866 (bản in cổ nhất cho đến hiện nay), cuốn Kiều viết theo kiểu thư pháp (độc bản) nặng 75 kg, các bộ sưu tập về Nguyễn Du của một số cá nhân hiến tặng.

Ngoài ra, được sự giúp đỡ của Bộ Văn hóa-Thông tin, tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo xây dựng khu di tích ngày một khang trang.

Theo Nhân Dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp