Quê Tiền Giang, trước đó Tuấn Khải không biết gì về nghệ thuật. Cơ duyên đến do người anh đi làm ở TP.HCM giới thiệu, Tuấn Khải mới tìm hiểu và từng bước "dan díu" với nghiệp diễn. Dù không nuôi dưỡng ước mơ từ bé nhưng nghệ sĩ vẫn bền bỉ với niềm đam mê này hơn 20 năm qua.
Hạnh phúc nhiều hơn tự ti
Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh năm 2003, đến nay Tuấn Khải đã có 21 năm làm nghệ thuật.
Đó cũng là thời gian anh gắn bó cùng người bạn đời - diễn viên Lê Khánh. Mối tình của cả hai được khán giả và đồng nghiệp mến mộ bởi sự "kề vai sát cánh" trong công việc lẫn cuộc sống.
Tuấn Khải kể cả hai quen nhau khi còn là sinh viên, chưa có tên tuổi, chưa có công việc ổn định. "Từ hai bàn tay trắng, chúng tôi đi cùng nhau từng bước tới giờ", anh nói.
Tình cảm giữa hai nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là tình bạn, tình yêu hay tình thân mà còn là tình tri kỷ.
Thế nên Tuấn Khải không hề áp lực về ánh hào quang của vợ. Thậm chí, anh "còn cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn là tự ti" vì bạn đời có được nhiều sự yêu thương, công nhận từ đồng nghiệp và khán giả.
Khán giả còn thương còn làm nghề
Năm 2008, còn nhớ trong Hợp đồng mãnh thú - vở diễn được xem là "trấn sơn chi bảo" của sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM), Tuấn Khải hóa thân vào vai "đại gia mới nổi", đua đòi và xốc nổi khiến khán giả vừa ghét vừa thương.
Ghét vì nhân vật này ham mê vật chất, coi tiền là tất cả, dùng đồng tiền đánh giá người khác.
Nhưng rồi, cũng là nhân vật đó qua cách diễn của Tuấn Khải lại được khán giả thương hơn là giận vì anh gặp phải cao thủ và bị hành "ra bã".
Ít ai biết lúc đó nghệ sĩ Thanh Phương - người được lựa chọn vào vai này - đột ngột qua đời một ngày trước buổi diễn. Tuấn Khải "nước mắt chưa kịp khô" đã phải đóng thay đàn anh.
Chính tài năng của Tuấn Khải đã thổi hồn vào nhân vật này, khiến khán giả nhớ mãi. Đến nỗi NSƯT Thành Lộc khen anh đã có một vai diễn "xuất thần".
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, Tuấn Khải nói anh "không muốn giới hạn bản thân vào một vai diễn hay một lĩnh vực nào cụ thể; thay vào đó được trải nghiệm nhiều cuộc đời, nhiều dạng vai, tính cách nhân vật, nhiều câu chuyện càng tốt".
Có thời gian anh bén duyên cả với nghệ thuật múa rối là vì thế. Đó cũng là lý do một khi nhận lời, vai diễn nào cũng đều là vai diễn "sau cùng", diễn cho kiệt cùng của anh. Với Tuấn Khải, chỉ cần có cơ hội làm nghề, tất cả đều là cơ hội đáng quý.
Như bao nghệ sĩ khác, anh cũng từng có thời gian chật vật với nghề. Để có đủ kinh tế nuôi đam mê nghệ thuật anh phải chuyển sang kinh doanh để kiếm thêm thu nhập.
Thế nhưng những khó khăn đó với anh chỉ như "lửa thử vàng", chỉ cần vững tâm thì khó khăn nào rồi cũng qua.
Đã 20 năm trôi qua, tình yêu nghệ thuật vẫn còn nguyên vẹn. Tuấn Khải không có khái niệm "nghỉ hưu", còn sức là còn làm, tổ nghề còn thương thì anh sẽ không từ bỏ.
Anh tâm sự: "Khán giả còn yêu thương, còn nhớ đến mình thì mình còn làm nghề. Quan trọng là tổ nghề còn thương cho mình cái duyên, còn sức "cháy" với vai diễn, còn hóa thân còn khóc còn cười được, còn mang lại niềm vui cho khán giả thì mình còn làm".
Sau khi rời sân khấu kịch IDECAF, Tuấn Khải tiếp tục niềm đam mê nghệ thuật tại sân khấu Thiên Đăng.
Anh ghi dấu với hàng loạt tác phẩm: Ngũ quý tương phùng, Cô giáo Duyên, Giáng Hương...
Gần đây nhất là tác phẩm Những con ma nhà hát do đạo diễn Lê Hoàng chấp bút, NSƯT Thành Lộc dàn dựng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận