Êkip quay phóng sự dàn dựng thời điểm "lương y" Nguyễn Thị Nghê kê đơn, bốc thuốc tại một phòng khám trái phép - Ảnh: QUANG THẾ
Thời gian qua, có một nhóm người ở Hà Nội, Hòa Bình tự xưng thầy thuốc sản xuất hàng loạt "phóng sự" có nội dung không có thật, giả mạo đài truyền hình đánh bóng tên tuổi. Họ còn mở hội thảo trái phép ở nhiều tỉnh thành... với cam kết chữa bách bệnh để bán thuốc nam không rõ nguồn gốc, trục lợi trên lưng bệnh nhân nghèo.
Tuổi Trẻ vào cuộc xác minh và phát hiện một nhóm lương y giả cấu kết với nhau hoạt động rất chuyên nghiệp.
Ba đời bốc thuốc... dỏm
Trong nhóm lương y giả giới thiệu "ba đời bốc thuốc", không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Nghê (36 tuổi, ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Bà Nghê có chứng chỉ hành nghề chuyên môn là y sĩ do Sở Y tế TP Hà Nội cấp ngày 1-11-2018. Bà Nghê làm "phóng sự" đánh bóng tên tuổi mình là lương y và quảng cáo chữa bệnh trên YouTube.
Trong một "phóng sự" đăng tải trên YouTube có nội dung: "Lương y Nguyễn Thị Nghê trú tại Lương Sơn, Hòa Bình có thể chữa bệnh tiểu đường bằng lá cây rừng đã gây chấn động giới truyền thông trong, ngoài nước".
Chính chiêu dàn dựng "phóng sự" có đông người bệnh, hình thức như tin tức thời sự của các đài truyền hình để tăng độ tin cậy đã khiến người bệnh "sập bẫy".
Qua xác minh, nội dung trong phóng sự giả được bà Nghê quay tại thôn Bùi Trám (xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình) và La Đồng (xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). Đến tìm hiểu thực tế tại địa phương, trái ngược với hình ảnh đông đúc trong phóng sự giả, chúng tôi chỉ thấy hai ngôi nhà cấp 4 sát chân núi không một bóng người.
Giống chiêu thức của bà Nghê, còn có ông Hoàng Văn Tuấn (42 tuổi, địa chỉ cư trú ghi trong chứng chỉ y sĩ: xóm 9, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội). "Lần đầu tiên tại Việt Nam, lương y Hoàng Văn Tuấn đã nghiên cứu và áp dụng thành công bài thuốc nam chữa dứt điểm bệnh gout và xương khớp được giới chuyên môn đánh giá rất cao", mở đầu phóng sự về ông Tuấn đăng tải trên YouTube.
Theo điều tra của chúng tôi, trước năm 2020, ông Tuấn hoạt động thường xuyên tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức), tuy nhiên bị nhiều nạn nhân tìm đến phản ánh nên đã chuyển về xã Hòa Sơn (huyện Lương Sơn).
Theo quảng cáo, chúng tôi tìm đến nhà thuốc Mộc Tâm Đường của ông Tuấn ở thôn Bùi Trám (xã Hòa Sơn). Đây chỉ là căn nhà nhỏ hẹp, bên trong có một số hộp nhựa đựng thuốc nam và một chiếc giường đơn. Hoàn toàn không có bệnh nhân đông đúc, xếp hàng dài chờ đợi như trong "phóng sự" phát trên mạng xã hội.
Đi cùng với người bệnh uống thuốc của ông Tuấn nhiều lần không khỏi, chúng tôi chất vấn ông Tuấn thì ông thừa nhận không thể chữa khỏi bệnh gout hay xương khớp như phóng sự giả đã phát. "Hoàn toàn không thể chữa khỏi được" - ông Tuấn thừa nhận.
Dù chỉ là nhân viên giúp việc cho một phòng khám đông y trên địa bàn thôn Đoan Nữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức), bà Nguyễn Thị Hường tự nhận mình là lương y để bắt mạch, bốc thuốc. Trong nhiều phóng sự về bà Hường có đoạn dọa người bệnh "uống thuốc tây sẽ dẫn đến biến chứng kinh hoàng như tàn phế, đột quỵ...". Phóng sự này đã được phát đi, phát lại rất nhiều lần trên YouTube.
Nhà thuốc "ma" Mộc Nhân Đường
Điều tra của Tuổi Trẻ cho thấy từ năm 2013 ông Nguyễn Sỹ Bằng (ở xóm 9, thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) dù không có bằng cấp chuyên môn nhưng ông đã "tự phong" lương y có thể chữa bách bệnh và lập ra nhà thuốc "ma" Mộc Nhân Đường tại thôn Đồng Mít.
Ông Bằng tiết lộ, do nghề bốc thuốc hái ra tiền nên có rất nhiều "đệ tử" kiếm cả ngàn tỉ đồng chỉ sau 6 - 7 năm hành nghề lương y giả. "Số tiền từ bán thuốc không nhiều đến vậy, nhưng bán thuốc có bao nhiêu tiền đổ hết vào đất, đất tăng giá thì có ngàn tỉ" - ông Bằng khoe.
Khoảng đầu năm 2015 ông Bằng "chiêu mộ" một số "đệ tử" làm việc tại nhà thuốc "ma" Mộc Nhân Đường, trong đó có "lương y" Nguyễn Thị Hiền (thôn Phú Vinh, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Từ năm 2015 đến giữa 2018 bà Hiền ăn nên làm ra, đổi đời nhờ nghề bốc thuốc nam bán qua mạng.
Ông Bằng cho biết có ngày bà Hiền bán ra vài ngàn gói thuốc, giá 2,2 triệu đồng/gói. "Có lúc cao điểm, cái Hiền thuê 15 người thay nhau bốc thuốc suốt ngày suốt đêm. Bất động sản bây giờ quá nhiều rồi, tất cả từ thuốc mà ra" - ông Bằng nói.
Từ tài liệu phóng viên thu thập được cho thấy khoảng giữa năm 2018, các "lương y" Hoàng Văn Tuấn, Nguyễn Thị Nghê, Nguyễn Thị Hường đã gia nhập nhóm với bà Hiền. Lấy mác nhà thuốc "ma" Mộc Nhân Đường, hoạt động tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội), huyện Lương Sơn (Hòa Bình).
Từ vận đơn gửi hàng, chúng tôi ghi nhận có ngày nhóm này bán ra cả chục bao tải thuốc nam không có nguồn gốc xuất xứ. Trong những đơn hàng này địa chỉ nơi nhận ghi bên ngoài bao tải có đến hơn 50% là người bệnh ở các tỉnh thành phía Nam.
Cụ thể, ngày 20-7-2020, bà Nghê lấy địa chỉ ở xã Hòa Sơn (huyện Lương Sơn, Hòa Bình) để gửi 10 bao tải thuốc cho người bệnh trên khắp cả nước, dù bà này không có phòng khám tại xã Hòa Sơn.
Trước đó chỉ trong ngày 12 và 13-7-2020, bà Nghê gửi 25 bao tải thuốc cho người bệnh, trong khi bà Hiền và ông Tuấn lại lấy địa chỉ gửi thuốc nam từ nhà thuốc "ma" Mộc Nhân Đường. Lãnh đạo Phòng y tế huyện Mỹ Đức khẳng định: "Nhiều năm nay trên địa bàn xã Đồng Tâm và toàn huyện Mỹ Đức không có nhà thuốc nam nào tên là Mộc Nhân Đường".
Tiền mất tật mang
Anh Cường (quê Thanh Hóa) chia sẻ: "Tôi bị bệnh xương khớp từ nhiều năm nay, họ quảng cáo uống hết một liệu trình 10 thang với giá 2,2 triệu đồng là khỏi, nhưng tôi uống đến 20 thang mà vẫn không thuyên giảm chút nào. Mình có bệnh thì vái tứ phương thôi, không ngờ họ lừa đảo".
Do quá tin tưởng vào "lương y" Hoàng Văn Tuấn nên gần 2 năm nay bà Như Quỳnh (46 tuổi, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) đã kiên trì mua thuốc.
"Trước đây ông Tuấn vào TP Hội An mở hội thảo tại một khách sạn. Tôi thấy vậy nên tin tưởng, sau đó tôi đã mua 18 lần, tổng 180 thang. Uống không hết bệnh mà người cứ mệt lả" - bà Quỳnh nói.
Bà Quỳnh là người nghèo, bán vé số dạo. Thời gian trước, xương cột sống trở nặng, gia đình bà đưa tới bệnh viện thăm khám thì bác sĩ kết luận bị thoái hóa cột sống, phải mổ gấp. Do số tiền tiết kiệm đã mua thuốc nam hết nên đến nay bà vẫn chưa thể mổ theo chỉ định của bác sĩ.
"Dịch COVID-19 bùng lên đến vé số cũng không bán được. Từ lúc biết mình bị lừa tôi chỉ biết ôm mặt khóc, không ngờ họ ác đến vậy..." - bà Quỳnh nghẹn giọng.
Hầu hết những người bệnh chúng tôi gặp đều cho biết họ uống thuốc của nhóm "lương y" không những không khỏi bệnh mà còn thấy người mệt hơn.
"Ban đầu họ tư vấn chỉ 10 thang là khỏi nhưng rồi tôi uống hơn 20 thang vẫn không thuyên giảm, trái lại càng uống người càng mệt hơn nên tôi đổ bỏ luôn số thuốc còn lại" - bà Hai (64 tuổi, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho hay.
"Thần dược" trộn kháng sinh nặng
Kho thuốc nam tại phòng khám “ma” Mộc Nhân Đường của ông Tuấn - Ảnh: QUANG THẾ
"Lương y" Hoàng Văn Tuấn tiết lộ các loại "thần dược" thực chất là bã thuốc được nhập trái phép từ Trung Quốc. "Nhiều người còn nhập cả bao tải thuốc giảm đau, tiếng lóng là bột mì và cả loại kháng sinh mạnh dùng trong chăn nuôi của Trung Quốc để đun thành thuốc thảo dược bán cho trẻ còi xương, chậm lớn" - ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, nhiều người cho cả thuốc kháng sinh rất nặng không có trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép pha trộn vào thuốc nam. Uống loại này rất nguy hiểm vì khi bị bệnh vào viện sẽ không có thuốc nào trị được, làm cho các chức năng như gan, thận, tim mạch, dạ dày bị thoái hóa...
Nhiều nhân viên nghỉ việc vì lương tâm cắn rứt
Chị T.V.L. từng làm việc tại Công ty TNHH media A.V.N. (đường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị được giao nhiệm vụ "đánh bóng" các nhân vật "lương y". Do công ty có đầy đủ ban bệ từ quay phim, kỹ thuật đến biên tập viên, hậu kỳ nên chị không nghi ngờ. Nhưng sau một thời gian làm việc chị phát hiện rất nhiều bất thường.
"Để làm cho phóng sự giả đông người khám bệnh, ngoài thuê diễn viên quần chúng, công ty còn huy động cả nhân viên mang xe máy, ôtô đưa người già trẻ nhỏ đến đóng các nhân vật mua thuốc, dàn dựng cảnh quay, phân vai rõ ràng" - chị L. nói.
Chị L. cho hay nội dung người bệnh trả lời trong phóng sự giả chính là lời kịch bản của công ty đã viết sẵn, do không đồng tình với cách kiếm tiền trên sức khỏe người bệnh nên chị đã xin nghỉ việc. "Nhiều nhân viên nghỉ việc đều với một lý do cảm thấy lương tâm cắn rứt...", chị L. nói.
Phóng sự giả dàn dựng như thật để đánh bóng tên tuổi cho bà Nguyễn Thị Hường - Ảnh: Q.T
Phóng sự dàn dựng về bà Nguyễn Thị Nghê...
Và thực tế không có người đến thăm khám - Ảnh: Q.T.
Bà Như Quỳnh uống 180 thang thuốc không hết bệnh, người cứ mệt lả - Ảnh: Q.T.
Ông Biên (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết: “Đi chợ cả ngày mới kiếm được 100.000 đồng, bị lừa đành chịu thôi vì mình đã trót mua rồi, uống thuốc mắc thêm bệnh phải chịu hậu quả…” - Ảnh: Q. T.
"Lương y" Nguuyễn Thị Hiền (bìa phải) hoạt động trái phép tại nhà thuốc "ma" Mộc Nhân Đường - Ảnh: Q. T.
Nhóm lương y giả hoạt động bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc trái phép tại Đà Nẵng - Ảnh: Q. T.
Bà Nghê bắt mạch, bán thuốc trái phép tại Vũng Tàu - Ảnh: Q.T.
Có ngày nhóm lương y giả gửi đi cả chục bao tải thuốc nam không rõ nguồn gốc cho người bệnh trên khắp cả nước, trong đó có đến hơn 50% là người bệnh các tỉnh phía Nam - Ảnh: Q. T.
* Đón xem phóng sự điều tra trên tv.tuoitre.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận